Tín dụng cá nhân mở vẫn khó vào
Dù công bố đã giảm mạnh lãi suất cho vay cá nhân và đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng, cho vay mua nhà để ở ưu đãi lãi suất, nhưng thực tế người dân có thu nhập khá vẫn khó có khả năng vay được vốn NH với lãi suất rẻ. Chưa kể, nếu không cẩn trọng khách hàng sẽ rơi vào “bẫy” lãi suất rẻ của NHTM.
Thu nhập cao mới vay mua nhà
Khảo sát tại các NHTM trên địa bàn TPHCM, cho thấy lãi suất cho vay cá nhân ở các NHTM đã giảm từ 17-18%/năm xuống còn 13-16%/năm. Nhiều NHTM lãi suất khá rẻ chỉ 13,2%/năm. Như tại VCB lãi suất 13,2%/năm dành cho người có thu nhập cá nhân ổn định.
Theo đó, khách hàng có thu nhập ổn định sẽ được VCB giải quyết cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất. Tuy nhiên, nếu vay với mức 500 triệu đồng trở lên để mua nhà, nguồn thu nhập 10 triệu đồng/tháng vẫn không đủ điều kiện để có thể vay vốn tại NH.
Cụ thể, khách hàng vay từ 500 triệu đồng trở lên lãi suất 13,2%/năm, hàng tháng phải chi trả (cả gốc và lãi) ít nhất 6-7 triệu đồng/tháng. Như vậy để mua được căn nhà có giá trung bình trên 1 tỷ đồng, người vay phải có thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/tháng mới đủ khả năng để chi trả cho sinh hoạt cá nhân và đảm bảo trả lãi NH hàng tháng.
Tại một số NHTM khác như NamA Bank, VietinBank, Sacombank, ABBank…. khách hàng cá nhân nếu có mức thu nhập ổn định, có tài sản thế chấp có thể được vay với lãi suất 15%/năm. Đây là mức lãi suất tối đa dành cho khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng, không thể giảm hơn nữa.
Một số NHTM có hỗ trợ ưu đãi như BIDV khách hàng thậm chí không cần tài sản đảm bảo chỉ dựa vào mức thu nhập cá nhân thường xuyên, ổn định… sẽ được NH hứa hỗ trợ vay vốn lãi suất 15%/năm với thủ tục nhanh chóng.
Khi mua căn hộ chung cư của dự án mà NH liên kết, khách hàng sẽ được hỗ trợ với mức lãi suất còn 12%/năm. Nhưng để được vay với lãi suất này, khách hàng bình dân khó có thể tiếp cận bởi các căn hộ chung cư mà BIDV liên kết có giá vài tỷ đồng.
Cẩn trọng lãi suất rẻ
Trước đây NH cho vay lãi suất thấp thường dựa trên số dư nợ gốc ban đầu, nhưng nay nhiều NH đều áp dụng hình thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần với mức lãi suất thấp nhất. Tuy nhiên, điểm cần chú ý khi vay vốn là hầu như các NHTM điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ, chưa kể nhiều NH đưa ra kỳ hạn điều chỉnh lãi suất khá ngắn cộng với biên độ cao, nếu không cẩn trọng khách hàng có thể rơi vào “bẫy” lãi suất trong tương lai.
Chẳng hạn, tại Maritime Bank khách hàng được vay với mức lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng trong vòng 3 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay cho tất cả hồ sơ được giải ngân trong thời gian 23-7 đến 23-10-2012. Đây là mức lãi suất ưu đãi của Maritime Bank dành cho lần ra mắt tín dụng đầu tiên.
Nhưng sau 3 tháng, mức lãi suất sẽ thay đổi dựa trên lãi suất cho vay thị trường cộng với biên độ 5%. Ngoài ra, nhiều NHTM khác cũng miễn giảm lãi suất cho vay đầu tiên, nhưng những tháng sau đó lãi suất đều thả nổi theo lãi suất thị trường.
Ghi nhận của ĐTTC tại các NHTM, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, các NHTM đưa ra nhiều gói tín dụng cá nhân ưu đãi nhưng hầu như khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà để vay vốn. Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng tiến độ giải ngân vốn cá nhân vẫn chậm. Cho vay để mua nhà, xây hoặc sửa chữa nhà luôn là nhu cầu thiết thực và cần được đáp ứng.
Đặc biệt, khi mặt bằng lãi suất và giá bất động sản đang giảm dần về mức hợp lý, NH đẩy mạnh cho vay, cơ hội cho khách hàng sẽ nhiều hơn trước đây. Nhưng với các nhận định đưa ra, lãi suất cho vay còn xu hướng giảm và giá bất động sản được các chuyên gia đánh giá khó có thể sớm tăng. Vì thế, dù có nhu cầu vay vốn mua nhà, căn hộ để ở, nhưng tâm lý khách hàng vẫn kỳ vọng giảm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia NH, khi tín dụng 7 tháng chưa khởi sắc, doanh nghiệp hàng tồn kho tăng cao chưa mạnh dạn vay vốn, các NHTM sẽ phải chịu sức ép giảm lãi suất để cho vay ra. Với lãi suất thấp vào 4 lĩnh vực ưu tiên của khu vực doanh nghiệp, các NHTM có thể giữ được thị phần tín dụng của mình, nhưng bù lại lợi nhuận sẽ giảm khi đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này. Vì vậy, tất yếu các NHTM sẽ đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân để bù lại lợi nhuận.
Bởi cho vay cá nhân dù món vay nhỏ, chi phí cho vay cao hơn nhưng các NHTM có thể kiếm lợi nhuận cao hơn khi lãi suất cho vay cao, đặc biệt có thể phân tán được rủi ro so với cho vay doanh nghiệp. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi gần đây ngay cả những NH lớn vốn chỉ chuyên hoạt động "bán buôn" cũng đã định hướng đẩy mạnh cho vay cá nhân trong thời gian này.
TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng ngoài việc đẩy mạnh thu phí dịch vụ nhằm bù đắp sự sụt giảm của thu nhập lãi, việc đẩy mạnh hoạt động cho vay cá nhân đang là lựa chọn phù hợp cho các NHTM trong thời điểm nhiều khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất vẫn chưa đủ để kích cầu cá nhân, bởi người dân có mạnh dạn vay vốn hay không còn tùy thuộc vào thu nhập và khả năng trả nợ. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tâm lý người dân vẫn chưa mạnh dạn vay vốn tiêu dùng bởi lo ngại áp lực trả nợ trong tương lai có thể gia tăng.
Vì vậy, muốn kích cầu tiêu dùng cá nhân, bên cạnh hạ lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn vay hay tăng hạn mức cho vay trên tài sản thế chấp, các NHTM nên tính đến việc thiết kế những sản phẩm cho vay phân kỳ hạn trả nợ linh hoạt, phù hợp với thu nhập và mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng cá nhân, nhất là với những người dân có thu nhập trung bình khá có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở.
Tín dụng cá nhân khởi sắc mới có thể giúp tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững. Do vậy, ưu tiên cho vay lĩnh vực này các NHTM được lợi nhiều về lâu dài.
T.Như - Ý.Nhi
Sài gòn đầu tư tài chính
|