Thị trường xăng dầu: Triển vọng thế giới và áp lực lên giá trong nước
Đánh giá các nguyên nhân của việc giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua, triển vọng giá dầu trong thời gian tới và áp lực lên giá xăng dầu trong nước.
Giá dầu thế giới liên tục tăng cao, vì đâu?
Giá dầu thô thế giới hôm qua (22/08) chính thức vượt ngưỡng 97 USD/thùng, lên mức cao nhất trong 3 tháng gần đây. Giá dầu liên tục gia tăng bắt đầu từ tháng 7 đã chính thức đảo ngược xu hướng giảm trong quý 2/2012.
Đà tăng lần này khởi nguồn từ những căng thẳng trở lại xung quanh vấn đề hạt nhân ở Iran.
Theo báo cáo thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mặc dù mức sản xuất của Ả rập – Xê út vào tháng 6/2012 gần chạm kỷ lục, nhưng nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vẫn giảm do sự sụt giảm ở hai quốc gia Angola và Iran.
Trong khi đó, nguồn cung từ các quốc gia không nằm trong khối OPEC cũng bị sụt giảm do tình trạng đình công, thời tiết xấu và kế hoạch bảo trì.
Thêm vào đó, nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ phục hồi trong quý 3/2012 do yếu tố mùa vụ cũng có thể đẩy giá dầu lên cao, bất chấp hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu hơn.
Giá cơ sở xăng RON92 hiện bao nhiêu?
Giá xăng RON92 tại thị trường Singapore bình quân trong 30 ngày gần nhất (giai đoạn từ 24/07 đến 22/08) vào khoảng 121.24 USD/thùng.
Với mức thuế nhập khẩu 10% và mức trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít như hiện nay, giá cơ sở ước tính tại thời điểm 22/08/2012 vào khoảng 23,665 đồng/lít, cao hơn so với giá bán hiện hành là 665 đồng/lít, tương đương với mức 2.9%.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ biến động tăng khá mạnh trong vài ngày qua cũng khiến cho giá thành xăng dầu nhập khẩu tăng lên.
Về lý thuyết, doanh nghiệp có quyền đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu sớm nhất là 10 ngày sau đợt liền trước. Sau đợt điều chỉnh tăng giá bán lẻ ngày 13/08 thì đợt điều chỉnh tiếp theo có thể được xem xét từ ngày hôm nay (23/08).
Trước những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, có thể Bộ Tài chính sẽ xem xét đến phương án điều chỉnh mức thuế nhập khẩu, hoặc kết hợp “xả” Quỹ bình ổn, thay vì không giảm thuế như lần tăng giá gần đây.
Cần lưu ý thêm là giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore sau khi tăng vọt lên mức cao,đã có dấu hiệu chỉnh nhẹ, đi ngang trong vài ngày trở lại đây.
Triển vọng giá dầu thế giới trong thời gian tới
Diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình cân bằng cung – cầu.
Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, và nhiều khả năng vượt mức lịch sử 90 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2012. Điều này sẽ đặt áp lực tăng giá dầu.
Nguồn cung hiện vẫn đủ để đối phó với sự gia tăng của nhu cầu; tuy nhiên, sự sụt giảm trong năng lực sản xuất dự phòng có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cung.
Liên quan đến vấn đề rủi ro, mức suy thoái kinh tế toàn cầu mạnh hơn dự kiến sẽ gia tăng áp lực kéo giảm giá dầu.
Tuy nhiên, rủi ro giá dầu tăng cao hơn đến từ sự gián đoạn đột ngột của nguồn cung, nếu căng thẳng xung quanh vấn đề Iran tiếp tục tăng lên. Trong tình huống này, mức độ hiện tại của năng lực sản xuất dự phòng sẽ khó để bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung từ Iran.
Ngoài ra, kỳ vọng về một gói nới lỏng tiền tệ QE3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước triển vọng kinh tế trong nước khá mờ mịt, sẽ tạo lực đẩy khá mạnh lên giá dầu trong thời gian tới.
Phân tích kỹ thuật: Đã phá vỡ hoàn toàn trendline kháng cự dài hạn
Giá dầu đã có những phiên tăng mạnh trong những tuần gần đây và đã chính thức vượt qua trendline dài hạn – ngưỡng kháng cự mạnh nhất và khó phá vỡ nhất trong trung và dài hạn.
Dự kiến đà hồi phục sẽ tiếp tục và đường trendline giờ đây sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên, đột biến mạnh sẽ khó xuất hiện trong thời gian tới do các chỉ số dao động (momentum) đang duy trì mức khá cao.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|