Sẽ kết thúc chuỗi lạm phát giảm trong tháng Tám?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám và những tháng tiếp theo có thể sẽ tăng dương chứ không phải là theo đà âm của hai tháng trước đó.
CPI tháng Tám sẽ tăng nhưng không nhiều
Từ đầu tháng Bảy tới nay, một loạt các hàng hóa thiết yếu đã tăng giá như điện tăng giá 5%, nước sạch tăng 25%, gas tăng khoảng 15%... Ngoài ra, viện phí và học phí cũng tăng giá.
Mặt hàng được điều chỉnh tăng giá nhiều lần nhất là xăng dầu, chỉ từ cuối tháng Bảy đến nay mặt hàng này đã được điều chỉnh tăng đến 3 lần và tổng cộng giá xăng dầu đã tăng từ 1.500 đến 2.400 đồng/lít, tùy loại.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, nhiều mặt hàng đang tiếp cận với giá thế giới, vì vậy giá xăng dầu, gas trên thế giới tăng thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ phải chịu nhiều sức ép.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng nhận định việc tăng giá hàng loạt một số mặt hàng trong một thời gian ngắn chắc chắn sẽ tác động đến biến động chỉ số CPI trong tháng 8/2012. Đây sẽ là thời điểm kết thúc thời kỳ lạm phát giảm diễn ra trong hai tháng qua.
"Theo tôi, đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, đây là nhóm chiếm tỷ trọng không nhỏ đến đời sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu lần này chưa tác động ngay đến CPI tháng Tám vì thường thì đến ngày 15 là ngày chốt việc khảo sát giá hàng tháng. Bên cạnh đó, các hãng vận tải cũng vừa mới rục rịch tăng giá từ ngày 15-16/8 trở đi nên chắc chắn CPI tháng Tám không tăng mạnh, mà phải đến những tháng tiếp theo mới bị tác động nhiều," ông Ánh nhấn mạnh.
Còn theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp các nhóm hàng giao thông vận tải, từ đây sẽ ảnh hưởng đến các nhóm hàng thiết yếu khác nhưng mức độ tác động là không lớn.
Ông Quyền cũng cho rằng, vào thời điểm hiện nay, qua nhiều lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa rồi, thì tâm lý lạm phát kỳ vọng không thể hiện, mức độ tác động đến CPI không lớn.
Lạm phát cả năm vẫn ở mức 1 con số
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cách đây ít hôm, giá thị trường tháng Tám có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước sau hai tháng giảm liên tiếp. Có nhiều yếu tố khiến cơ quan này đưa ra kịch bản CPI dương trong tháng 8/2012. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là chính sách tiền tệ nới lỏng với biểu hiện rõ nét là lãi suất giảm (cho dù tín dụng tăng rất chậm).
Bên cạnh đó, việc mở rộng cửa cho phép các doanh nghiệp trong nước tăng giá một số mặt hàng chủ chốt như xăng dầu, gas, đường, thức ăn chăn nuôi... theo giá thế giới cũng là yếu tố góp phần cho dự báo nói trên có thể sẽ đúng đắn.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm mà chúng ta đặt ra từ ban đầu là duy trì chỉ số giá tiêu dùng dưới một con số sẽ không bị ảnh hưởng.
Ông Võ Trí Thành phân tích, có thể tính toán rằng nếu với diễn biến bình thường thì lạm phát có thể dừng ở con số 7-8%, dự trù thêm những cú sốc về giá thì có thể tăng thêm lên mức 9,9%, như vậy vẫn là dừng ở mức một con số.
Cũng đồng quan điểm trên cả ông Ánh và ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đều khẳng định, mục tiêu lạm phát cả năm vẫn đạt được như dự kiến, việc tăng giá xăng dầu, điện vừa qua cũng chỉ tác động đến sản xuất của một số ngành mà thôi.
"Kể cả tăng giá xăng, điện vừa rồi thì mục tiêu kìm chế CPI một con số vẫn có thể đạt được," ông Nguyễn Đức Thành nói.
Ông Thành dự báo, từ nay đến cuối năm, đà tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và tín dụng của nền kinh tế cũng không tăng trưởng nhiều nên CPI khó có khả năng chạm mức hai con số.
Còn chuyên gia Trần Hoàng Ngân thì chia sẻ, chúng ta cũng có thể cảm thông cho điều hành giá xăng dầu hiện nay vì đây là cả một nghệ thuật và rất phức tạp bởi chưa bao giờ giá xăng dầu thế giới đảo chiều liên tục như hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận của xã hội thì rất cần sự minh bạch trong điều hành giá./.
Minh Thúy - Đức Duy
Vietnam+
|