FDI: Người mới đến, kẻ lặng lẽ ra đi
Một dòng vốn mới vẫn tiếp tục đổ vào, ngược lại một số dự án lặng lẽ kết thúc khi hết cam kết, và có cả những dự án bỏ dở giữa chừng rời khỏi Việt Nam. Đáng tiếc là trong số rời đi có một số dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất có hàm lượng công nghệ cao.
Dòng chảy ngược
Bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có hai dòng chảy ngược chiều. Một dòng vốn mới vẫn tiếp tục đổ vào, ngược lại một số dự án lặng lẽ kết thúc khi hết cam kết, và có cả những dự án bỏ dở giữa chừng rời khỏi Việt Nam. Đáng tiếc là trong số rời đi có một số dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất có hàm lượng công nghệ cao.
Số liệu thu hút FDI năm 2012 (triệu USD)
|
Từ cuối năm 2011 đến nay, thi thoảng lại có thông tin về sự hủy ngang của những dự án tỷ đôla. Việc rút lui của những dự án này có cả những nguyên nhân khách quan và cả những nguyên nhân về khả năng đáp ứng trong nước. Dự án First Solar phải dừng hoạt động từ tháng 11/2011 do yếu tố khách quan là chủ đầu tư đã không lường được ngành công nghiệp sản xuất mô đun năng lượng mặt trời trên thế giới rơi vào tình trạng thừa cung thiếu cầu và cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc. Cũng có thể do các chính sách phát triển năng lượng sạch của Việt Nam chưa phù hợp nên gặp khó khăn và thị trường năng lượng nội địa quá độc quyền.
7 tháng đầu năm 2012, cả nước đã thu hút được 8,03 tỷ USD vốn FDI với 584 dự án được cấp mới, vốn thực hiện đạt 6,25 tỷ USD. |
Với Dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm liên doanh giữa Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) và một công ty thành viên Tập đoàn TECO (Đài Loan). Khi vào đầu tư, dự án được thuyết minh: là công viên phần mềm tập trung lớn nhất ở Việt Nam và khu vực ASEAN… Ngay sau ngày nhận giấy phép, đối tác đã thay đổi cam kết đầu tư với lý do “vì tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới” và đề xuất giảm tiền thuê đất, giãn tiến độ thanh toán tiền thuê đất, thay đổi quy hoạch… Các đề xuất này không được Việt Nam chấp thuận, họ đã chuyển đầu tư đến Thanh Đảo (Trung Quốc) vì được giao đất miễn phí, có sẵn cơ sở hạ tầng... bỏ lại khoản nợ tiền thuê đất ở Việt Nam.
Công ty SP Setia (Malaysia) chấm dứt hợp tác do thời hạn hợp đồng về lập quy hoạch chung, phát triển, thiết kế, quản lý và triển khai dự án giữa hai bên đã hết.
Tìm cách giữ chân
Sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát cao, thủ tục hành chính phức tạp... khiến môi trường đầu tư tại Viêt Nam kém hấp dẫn. Nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm các điểm đầu tư khác trong ASEAN. Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực, khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư.
Ông Paul Jewell - Giám đốc điều hành EuroCham
|
Sự rút lui của những dự án này là bài học đắt giá đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của từng cơ quan có liên quan. Chưa có một con số thống kê, một thông tin chính thức nào về việc bỏ ngang, rút lui của những dự án FDI. Nhưng cũng đã có nhà đầu tư nêu vấn đề, bên cạnh khó khăn của chính nhà đầu tư phải chăng chính những chậm trễ, kéo dài trong việc khắc phục những yếu kém về quản lý kinh tế vĩ mô đã được phát hiện từ nhiều năm, khiến nhà đầu tư không nỗ lực vượt khó để tiếp tục đầu tư ở Việt Nam? Sự rút lui này, cho dù nguyên nhân từ đâu cũng làm xấu đi hình ảnh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Việt Nam đã hút được nhiều dự án công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, điện tử, hóa chất, xây dựng… của các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu (như Anh, Đức...), châu Á (như Nhật, Hàn Quốc...), châu Úc (như Úc) với các tên nổi tiếng như Intel, BP, Fujitsu, Canon, Samsung, Foxconn. Cũng đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào các dự án có quy mô nhỏ khác. Mặc dù tên tuổi của các nhà đầu tư này chưa lớn, nhưng thực sự họ đã có những đóng góp nhất định cho công nghệ, kỹ thuật Việt Nam phát triển thời gian qua kể cả trong nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ.
Phải giữ chân được những nhà đầu tư này. Để thu hút thêm các nhà đầu tư công nghệ cao, trong chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, cần xác định được rõ các dự án công nghệ cao, xác định các nhà đầu tư tiềm năng mà Việt Nam muốn mời gọi để tạo mọi điều kiện tốt nhằm thu hút họ. “Nếu biết tranh thủ cơ hội bằng hệ thống giải pháp thích hợp với từng đối tác trên đây thì sẽ thu hút thêm FDI có chất lượng cao hơn góp phần sớm khôi phục tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm đã đạt được 7,5 - 8% theo hướng bền vững”, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có ý kiến.
Vốn FDI đăng ký mới năm 2008: 71,726 tỷ USD; 2009:23,107 tỷ USD; 2010: 19,886 tỷ USD; 2011: 14,683 tỷ USD.
Vốn thực hiện cũng không tăng, năm 2008:11,5 tỷ USD; 2009: 10 tỷ USD; 2010: 11 tỷ USD; 2011: 11 tỷ USD.
Từ 2009 đến nay, dòng vốn đăng ký FDI mới liên tục suy giảm là không phù hợp với quy luật phát triển, không phù hợp với đòi hỏi về vốn của nền kinh tế cho đầu tư và phát triển ngày càng cao.
Vấn đề cần lưu ý là nhanh chóng tìm ra các giải pháp để chặn đà suy giảm này. Có vốn sẽ kéo theo công nghệ, công trình, việc làm, sản phẩm, thị trường, thu nộp ngân sách… Đặc biệt, cần đánh giá trên cơ sở định lượng - có điều tra cụ thể về các dự án công nghệ cao hiện nay để có một nhận định khách quan, từ đó có được các giải pháp thiết thực cho việc xúc tiến các dự án có hàm lượng công nghệ cao vào Việt Nam. Có lẽ công việc trước hết để giữ chân các nhà đầu tư lớn như Intel, Canon, Samsung, Honda, Toyota, Ford… là tạo điều kiện để họ mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là cách tiếp cận tốt theo định hướng đã được xác định.
TS.Phan Hữu Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài
|
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|