Thứ Hai, 06/08/2012 11:42

Tiếp sức nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh 7 tháng đầu năm 2012, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 8,03 tỷ USD, chỉ bằng 66,9% so với cùng kỳ 2011, nối tiếp đà suy giảm trong nhiều tháng gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi quan ngại: không có hạt gieo, làm sao có những mùa thu hoạch?

Điểm sáng

Sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài là xu thế có thật và cần được quan tâm đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, phân tích kỹ các số liệu đầu tư nước ngoài thời gian qua, người ta vẫn có thể thấy những gam màu sáng. Trước hết, cần khẳng định rằng vốn giải ngân vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ gần tương đương với năm ngoái, đạt 850 triệu USD trong tháng 7. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2012, tổng vốn FDI giải ngân đạt 6,25 tỷ USD, bằng 99,2% so với cùng kỳ.

Đây mới là dòng vốn thực sự chảy vào nền kinh tế, tạo ra những chuyển biến về kinh tế xã hội và đóng góp vào ngân sách. “Vốn giải ngân vẫn liên tục được giữ ổn định qua các năm là tín hiệu rất tích cực đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu”, ông Hoàng bình luận.

Một tín hiệu tốt khác là lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong tháng 7 đã lên tới 1,2 tỷ USD (mức tăng đột biến, chiếm tới non nửa số vốn tăng thêm trong 7 tháng đầu năm là 2,8 tỷ USD); chứng tỏ tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này đang khả quan và có bước phát triển.

Cần lưu ý thêm rằng, theo thông lệ những năm trước đây, vốn đăng ký tăng thêm thường chiếm tỷ lệ không lớn so với số vốn đăng ký mới cùng thời kỳ. Năm 2011, vốn đăng ký tăng thêm chỉ khoảng 3,13 tỷ USD, so với 11,56 tỷ USD vốn đăng ký mới. Năm 2010, chỉ có 1,7 tỷ USD vốn tăng thêm so với 17,2 tỷ USD vốn đăng ký mới.

Những số liệu về xuất - nhập khẩu của khối FDI cũng củng cố thêm cho nhận định sáng sủa này: tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu khí) đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu của khu vực này đạt 32,9 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2011. Xuất siêu 7 tháng của khu vực này lên tới 6,14 tỷ USD (bao gồm cả dầu khí).

Bên cạnh đó, một cơ cấu đầu tư bền vững hơn cũng được vị Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lưu ý. Chỉ tính riêng trong tổng số vốn tăng thêm 7 tháng qua đã có tới 1,19 tỷ USD thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính chung 7 tháng đầu năm, đã có 160 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vốn, với 2,2 tỷ USD; vượt xa số vốn tăng thêm trong cùng kỳ năm ngoái của 121 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo (814 triệu USD).

Thống nhất, minh bạch hóa ưu đãi

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tuy tình hình kinh tế vẫn có nhiều khó khăn nhưng một thuận lợi quan trọng là Việt Nam đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, nếu việc này thành công sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là từ các tập đoàn khổng lồ.

Quan hệ đối tác với Mỹ cũng đang ngày càng tốt hơn, là động lực quan trọng thu hút FDI từ nền kinh tế hàng đầu thế giới…

Để có thể tiếp sức cho nhà đầu tư, tiếp tục thu hút nguồn vốn quan trọng này phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, TS Lê Đăng Doanh luôn khẳng định 3 “chân kiềng” cần chú trọng đồng thời: cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện kết cấu hạ tầng.

Trong điều kiện nguồn lực hạn chế như hiện nay thì khâu cần được ưu tiên chính là cải cách thể chế. Nhà đầu tư cần được ưu đãi nhưng những chính sách ưu đãi phải thống nhất, minh bạch và ổn định; giúp họ xây dựng được sách lược và kế hoạch làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Nhìn nhận rõ điều này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các ngành, lĩnh vực.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và căn cứ vào chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các vùng và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia để nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư.

Nghị định này sẽ quy định chi tiết về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các ngành, lĩnh vực và thay thế các danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư đã ban hành tại các văn bản pháp luật hiện hành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có tới… 7 danh mục thuộc loại này đang có hiệu lực với khá nhiều điểm “vênh” nhau).

Giới đầu tư cho rằng, khi văn bản này được ban hành, tình trạng bất nhất trong các quy định về đầu tư sẽ được khắc phục và họ sẽ không còn phải nhọc nhằn chạy đi “xin ưu đãi” cho từng dự án. Cùng với nhiều giải pháp khác, đây là một trong những cơ sở để họ vững gan, bền chí hoạt động kinh doanh dài hạn tại Việt Nam.

Anh Thư

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   TPHCM kiến nghị tăng tự chủ cấp phép đầu tư nước ngoài (06/08/2012)

>   Lạm phát thấp chỉ mang tính tạm thời (06/08/2012)

>   Băn khoăn về vai trò “ổn định kinh tế vĩ mô” (05/08/2012)

>   Việt Nam muốn cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia (04/08/2012)

>   ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ (03/08/2012)

>   Lạm phát giảm chỉ tạm thời (02/08/2012)

>   HSBC: Lãi suất có thể sẽ giảm thêm 1% (02/08/2012)

>   01/08, hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực (01/08/2012)

>   Bộ trưởng sẽ nhiều quyền hơn với tập đoàn, DNNN (01/08/2012)

>   Chính phủ: Xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu” (31/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật