Thứ Ba, 31/07/2012 17:36

Chính phủ: Xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”

Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nữa để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Thực hiện điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong hai ngày 30 và 31/7/2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2012.

Dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%

Trong 7 tháng qua và  tháng 7/2012, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định.

Trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7/2012 xuất siêu 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khá cao (62,9 tỷ USD), tăng 19% so cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2012 tăng 11,6% so với tháng 6/2012, tính gộp 7 tháng đạt khoảng 3,83 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,25 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012: tháng 7/2012 giảm (-) 0,29% so với tháng trước (đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI giảm, tháng 6/2012 giảm (-) 0,26%)1. Tuy vậy, so với tháng 12/2011, CPI vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.

Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/7/2012 ước đạt 49% dự toán và chi NSNN ước đạt 50,3% dự toán.

Từ đầu năm đến 20/7/2012, cả nước có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính đến nay, cả nước có trên 663,8 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Đồng thời có trên 30,3 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt DN, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 8.260 DN, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho hơn 3 nghìn DN với tổng số tiền thuê đất được giảm là 339 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế môn bài cho hơn 40 nghìn hộ đánh bắt hải sản.

Tuy đạt được những kết quả khá toàn diện như nêu trên nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%).

Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm.

Xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”

Chính phủ đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành các tháng cuối năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư từ ngân sách; bảo vệ, phát triển thị trường nội địa cho hàng Việt Nam. Tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng giả; kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập tái xuất và các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt. Tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Thực hiện điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và từ tín dụng nhà nước theo đúng kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP hỗ trợ các doanh nghiệp đúng đối tượng. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với những mặt hàng có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bằng nhiều biện pháp linh hoạt tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Khẩn trương rà soát, cơ cấu lại lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp.

Sẽ hoàn chỉnh Nghị định quản lý tài chính, sử dụng vốn của Nhà nước tại các DN

Đến nay, cả nước còn khoảng 1.300 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó: thuộc địa phương quản lý 53,6%; các Bộ, ngành quản lý: 27,1%; thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý: 19,3%. Doanh nghiệp hoạt động công ích chiếm 34,5%, doanh nghiệp kinh doanh chiếm 65,5% tổng số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai chưa cao, còn tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.

Tại Phiên họp này, Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ kinh tế tổng hợp (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn. Bộ quản lý ngành kinh doanh chính thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra với vai trò là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Các Bộ tổng hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp chung về DNNN và việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Mở rộng đối tượng áp dụng là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của chủ sở hữu nhà nước với tư cách là cổ đông, khắc phục được bất cập trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Trên cơ sở Nghị định này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Nghị định về quản lý tài chính, quản lý sử dụng vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp; quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp; cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê Tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Theo chính phủ

Các tin tức khác

>   Ủy ban Kinh tế cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước (31/07/2012)

>   Kinh tế vĩ mô tốt lên, vi mô khó khăn nghiêm trọng (31/07/2012)

>   Việt Nam cần thay đổi để thu hút đầu tư (30/07/2012)

>   Nhìn lại chính sách tài khóa nửa chặng đường 2012 (28/07/2012)

>   CPI Hà Nội tháng 8 dự báo tăng 0,03% (28/07/2012)

>   Giảm dần phụ thuộc vào nợ nước ngoài (28/07/2012)

>   Giai đoạn củng cố vững chắc (27/07/2012)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Nền kinh tế đang như người ốm’ (27/07/2012)

>   Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh: “Vốn đầu tư công vẫn trong kế hoạch” (27/07/2012)

>   TPHCM không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (26/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật