Thứ Ba, 31/07/2012 15:24

Ủy ban Kinh tế cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước

Một bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cảnh báo tín dụng khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nổi lên như là một mối đe doạ đối với nợ công của Việt Nam.

Bản báo cáo nhận xét, với mức dư nợ tín dụng của DNNN ước tính ở mức 55%- 60% GDP năm 2009 thì phần dư nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh trên danh nghĩa chỉ mới chiếm khoảng 4,2%- 6,9% tổng dư nợ của khu vực này.

Đây là mức mà khu vực này hoàn toàn có thể hoàn trả được ngay cả khi nợ xấu của khu vực này ở mức rất cao đi chăng nữa.

Tuy nhiên, khả năng đe dọa nợ công của khu vực DNNN lại nằm ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ. Khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ.

Tất cả các hình thức ngân sách mềm này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng. Và với việc ngân sách nhà nước liên tục bội chi thì để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ gia tăng.

Bản báo cáo này, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho rằng mối quan hệ gián tiếp gần nhất là các khoản vay ưu đãi của các DNNN từ Ngân hàng Phát triển Việt nam (VDB).

Nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Đây là các khoản vay mà Chính phủ đảm bảo sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ, hay nói cách khác đó chính là các khoản nợ công.

Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư.

Bản báo cáo trích lời ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, thì “nợ của các tập đoàn, tổng công ty … chiếm độ khoảng 75- 80% tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển. Tình hình như hiện nay, có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ” (Vneconomy, 13/9/2011).

Nếu đúng như vậy thì lượng tín dụng mà khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh gián tiếp thông qua VDB sẽ vào khoảng 130- 150 ngàn tỉ đồng vào năm 2009. Và như thế, phần dư nợ của khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp lên tới 20- 25% tổng dư nợ của khu vực này vào năm 2009.

Nợ quá hạn và khoanh nợ của VDB đối với cho vay trung và dài hạn tín dụng đầu tư có thời điểm lên tới 8,9% vào năm 2007 nhưng đã giảm xuống còn 3,75% vào năm 2009 chủ yếu là nhờ chương trình kích cầu của Chính phủ năm 2009. Với tình hình kinh doanh kém hiệu quả như những năm gần đây, nợ xấu của các DNNN tại VDB sẽ tăng lên và sẻ ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản vay của VDB từ phát hành giấy tờ có giá cũng như nguồn vốn ODA.

Bên cạnh đó, với các khoản vay nợ của khu vực DNNN tại các ngân hàng thương mại (NHTM) thì trong trường hợp khó khăn nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả.

Chẳng hạn, hình thức khoanh nợ (như nợ của Vinashin tại các NHTM) thì cuối cùng chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp; hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai nhà nước; hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỉ lên 14.655 tỉ đồng) thì đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước.

Khoản vay 45 triệu đô la từ Ngân hàng ANZ cho dự án xi măng Đồng Bành do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.

Báo cáo cảnh báo, một khi kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp này sẽ không thể trả nợ đúng hạn được cho các NHTM, cho Ngân hàng Phát triển Việt nam, và cho các trái chủ nước ngoài. Do hầu hết các DNNN đều thuộc diện “quá lớn để phá sản” nên các khoản nợ xấu này cuối cùng sẽ phải do ngân sách nhà nước gánh trả.

Khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ.

Tất cả các hình hình thức ngân sách mềm này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng.

Và với việc ngân sách nhà nước liên tục bội chi thì để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ gia tăng.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Kinh tế vĩ mô tốt lên, vi mô khó khăn nghiêm trọng (31/07/2012)

>   Việt Nam cần thay đổi để thu hút đầu tư (30/07/2012)

>   Nhìn lại chính sách tài khóa nửa chặng đường 2012 (28/07/2012)

>   CPI Hà Nội tháng 8 dự báo tăng 0,03% (28/07/2012)

>   Giảm dần phụ thuộc vào nợ nước ngoài (28/07/2012)

>   Giai đoạn củng cố vững chắc (27/07/2012)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Nền kinh tế đang như người ốm’ (27/07/2012)

>   Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh: “Vốn đầu tư công vẫn trong kế hoạch” (27/07/2012)

>   TPHCM không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (26/07/2012)

>   Việt Nam xuất siêu tháng thứ hai liên tiếp (26/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật