Kinh tế vĩ mô tốt lên, vi mô khó khăn nghiêm trọng
Nếu cố gắng bơm tín dụng vào nền kinh tế trong khi doanh nghiệp hiện không có khả năng hấp thụ vốn thì rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa tiền mặt, bùng lên nguy cơ lạm phát.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc duy trì lãi suất cho vay 15% sẽ là tính toán khoa học. Còn lãi suất huy động nếu để thấp quá có thể tỷ giá lại bùng lên.
Giằng co nội tệ-ngoại tệ
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, khi NHNN tuyên bố hạ lãi suất xuống 9%/năm thì dư địa để hạ lãi suất chỉ còn khoảng 3%. Đây là dư địa để NHNN có thể giảm lãi suất, trong trường hợp lạm phát còn 5%.
Giả sử, lãi suất sẽ xuống thêm 2%, còn 7%/năm, ông Nghĩa cho rằng, dư địa này còn quá mong manh, gây nhiều mối lo ngại lớn. Còn nếu lãi suất giảm 1%, còn 8%/năm, người dân sẽ chối bỏ nội tệ để quay sang ngoại tệ. Thế nên, theo ông Nghĩa, NHNN cần phải thăm dò, vì trào lưu đó có thể xuất hiện xu hướng tích trữ ngoại tệ.
Điển hình là thời điểm quý IV.2011 và quý I.2012, khi lãi suất huy động ở 14%/năm thì hầu hết các ngân hàng thương mại tận dụng duy trì trạng thái ngoại tệ âm để có nội tệ hưởng lãi suất cao. Nhờ đó mà NHNN thu mua lượng dự trữ ngoại hối lớn trong nửa đầu năm 2012. Khi lãi suất huy động nội tệ giảm dần thì sự hấp dẫn cũng giảm theo. Hiện nay, việc giữ nội tệ và ngoại tệ đang trong xu thế giằng co. Khi lãi suất huy động giảm xuống 9%, nhiều NH chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ và số lượng này không phải là nhỏ.
“Thời điểm hiện tại rất nhạy cảm về mặt bằng lãi suất, và NHNN cũng phải rất thận trọng. Nếu hạ lãi suất xuống thấp thì rất có thể tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ quay lại, đẩy nội tệ ra thị trường và bùng lên nguy cơ lạm phát”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo đánh giá, năm 2012 là năm đặc biệt trong điều hành chính sách tiền tệ. Trước đây Chính phủ cho phép NHNN một hạn mức tín dụng nhất định. Năm nay Chính phủ bỏ quy định về hạn mức cung tiền để NHNN hoàn toàn chủ động điều hành theo lạm phát, mục tiêu để quyết định chuyện tăng cung tiền hay rút tiền về.
Cẩn trọng bơm tiền
Theo các chuyên gia, hiện trạng kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên nhưng kinh tế vi mô đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Các doanh nghiệp hiện không có khả năng hấp thụ vốn, do vậy tín dụng không thể tăng trưởng như mong muốn. Nếu cố gắng bơm tín dụng vào nền kinh tế thì rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa tiền mặt, bùng lên nguy cơ lạm phát.
Đến nay, dự báo tăng trưởng GDP 2012 và tình hình lạm phát năm 2013 sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng của 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, theo phân tích, lạm phát năm 2012 sẽ ở mức quanh 6% là do kinh tế đang rơi vào tình trạng suy kiệt. Nhưng nếu GDP năm nay ở 5,5% hoặc trên mức này thì lạm phát năm tới sẽ tăng. Vì tăng trưởng tín dụng ở mức 17%/năm dàn đều trong 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp do yếu tố tâm lý ảnh hưởng không mạnh. Nhưng nếu tín dụng chỉ là 12% cả năm nhưng chỉ dàn trong 4 hoặc 6 tháng thì tạo ra cú sốc về cầu, nền kinh tế không hấp thụ hết, lượng tiền mặt dư thừa. Trong thời gian ngắn đẩy tiền nhiều thì người dân sẽ có tâm lý chuẩn bị đối phó với lạm phát, và lạm phát sẽ bị bị đẩy lên.
“Nền kinh tế lúc này chẳng khác nào như người ốm yếu, nếu cố bơm tiền vào cũng không hấp thụ được, dẫn tới dư thừa tiền mặt, như thế lạm phát sẽ xảy ra sớm hơn.
Nếu 6 tháng cuối năm, tăng tín dụng trung bình 1%/tháng thì tăng trưởng GDP 2012 khoảng 5,1 – 5,2%, và lạm phát của 5 tháng sau khoảng 0,5%/tháng do độ trễ chính sách. Nếu tăng trưởng tín dụng nhích lên 1,5%/tháng thì tăng trưởng GDP khoảng 5,3 – 5,4% trong năm 2012 và lạm phát của 5 tháng sau tăng khoảng 0,5 – 1%/tháng. Do vậy, nếu cố gắng đưa tín dụng ra nền kinh tế với chỉ tiêu đặt ra là 12%, tức là khoảng 2%/tháng thì tăng trưởng chỉ lên 5,5 – 5,6%, nhưng lạm phát sau đó 5 tháng sẽ tăng từ 1 – 2%/tháng. Nguy cơ lạm phát cao trở lại như 2011 là hiện hữu. |
Phương Trà
đất việt
|