Tháng 7: Nhập siêu giảm, lo ngại xuất khẩu đi xuống
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 62,93 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 7/2012 chỉ đạt 9,6 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng 6. Còn nhập khẩu 7 tháng đạt gần 63 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và nhập siêu 7 tháng đầu năm chỉ có 58 triệu USD, chiếm 0,1% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu vẫn dựa vào FDI
Báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi họp giao ban trực tuyến ngày 6/8 cho thấy, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2012 tiếp tục tăng 19% so với cùng kỳ 2011, nhưng chủ yếu do sự đóng góp của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Xét về cơ cấu mặt hàng thì sự tăng trưởng của các mặt hàng công nghiệp trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 151,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 81,3% đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu (riêng 2 mặt hàng này 7 tháng đầu năm tăng hơn 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011).
Bên cạnh đó, giá cả của hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm 2011 và so với giá bình quân cả năm 2011 đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu. 7 tháng đầu năm 2012, bù trừ yếu tố lượng xuất khẩu tăng, nhóm hàng nông lâm thủy hải sản chỉ tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011.
Theo ông Trần Văn Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, xuất khẩu hiện vẫn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI. Trong cơ cấu xuất khẩu thì công nghiệp chế biến, nông lâm thủy hải sản của khối này chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều các doanh nghiệp nội. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn tập trung tăng xuất khẩu về con số mà chưa tính về giá trị nhiều.
"Nếu cứ chạy theo về áp lực tăng trưởng của từng ngành thì sẽ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chúng, do vậy cần tính đến yếu tố phát triển bền vững," ông Nhung nói.
Tương tự, đối với ngành cao su, xuất khẩu 7 tháng tăng 22% về lượng nhưng giảm 96% về giá do giá thế giới giảm trên 31% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo từ nay đến cuối năm, giảm giá vẫn là xu hướng chính do sự hồi phục kinh tế thế giới còn chậm.
Trước tình hình trên, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét miễn hoặc hoãn thuế xuất khẩu một số chủng loại cao sư tự nhiên để khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.
Về nhập khẩu, 7 tháng đầu năm doanh nghiệp FDI nhập khẩu tăng 25,3% cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng giảm (giảm 7,4% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh.
"Mặc dù mức nhập siêu 7 tháng đầu năm của cả nước là 58 triệu USD, chiếm 0,1% kim ngạch xuất khẩu thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô vẫn xuất siêu 1,37 tỷ USD," báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Đẩy nhanh đề án gỡ khó cho doanh nghiệp
Năm 2012, mục tiêu mà Quốc hội đề ra là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13% so với năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 108 tỷ USD. Tuy nhiên, với những gì đã thực hiện trong bảy tháng đầu năm thì để hoàn thành mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, hiện nhiều mặt hàng nông sản đang giảm giá từ 20%-40%. Đối với lúa gạo, xu hướng giá cả và diễn biến thị trường thế giới cũng diễn ra không như mong đợi. Riêng 7 tháng, xuất khẩu giảm 2% về lượng và 9,3% về giá do phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Pakistan và Myanma...
"Mua tạm trữ là biện pháp tạm thời. Trong bố cảnh thế này thì không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng bị lỗ do đầu ra khó khăn. Việc đảm bảo lợi nhuận 30% thì cũng phải san sẻ ra từng mua vụ," Thứ trưởng Biên nói.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế mà Bộ Tài chính đang dự thảo, trong đó có vấn đề ân hạn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp phải nộp thuế ngay, không có ân hạn 275 ngày, trường hợp nếu không nộp thuế ngay phải có bảo lãnh của ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nếu Dự thảo luật trên được thông qua sẽ là rào cản lớn cho xuất khẩu. Bởi lẽ phí bảo lãnh không nhiều nhưng thủ tục để được bảo lãnh lại rất phức tạp.
Do vậy, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp, không để doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều áp lực.
Riêng về đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chậm nhất là đầu tuần tới sẽ gửi ngay tới Chính phủ để xem xét nhằm cụ thể hóa các giải pháp vào thực tiễn.
Như vậy, nếu đề án thông qua thì dự kiến, nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ xi măng sắt thép, nông lâm thủy sản... cũng sẽ được bổ sung và giải ngân trong đợt này.
Ngoài ra, lãnh đạo bộ cũng yêu cầu các vụ, cục, hiệp hội cần bám sát và đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Theo kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện tốt hệ thống phân phối cũng là cách giúp doanh nghiệp có khả năng giải phóng hàng tồn kho nhanh hơn. Trong đó, việc phát triển các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và đưa hàng hóa về nông thôn, khu công nghiệp thật tốt cũng sẽ đẩy mạnh giải phóng hàng tồn thay vì mở quá nhiều trung tâm thương mại.
"Giải pháp cho hàng tồn còn phải làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại, tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có tháng khuyến mại mà còn thực hiện cả năm khuyến mại. Tuy nhiên, vấn đề quản lý như thế nào về thời gian, giá trị giảm giá... cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp," ông Trần Văn Nhung-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hồ Chí Minh nói./.
Đức Duy
Vietnam+
|