TS Tạ Đình Xuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia:
"Lạm phát thấp chỉ là tạm thời"
"Phần lớn mọi người vừa mang tâm lý hoài nghi, vừa mang tâm lý lo lắng khi nhìn vào CPI. Tôi cho rằng, báo chí cũng như cơ quan truyền thông cần phải làm cho mọi người hiểu rõ được rằng: CPI âm 0,29% nhưng so với tháng 12-2011 vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Có nghĩa là so với thời điểm này vào các năm trước thì phần tăng dương ít đi nhưng tăng trưởng 7 tháng đầu năm 2012 vẫn là 4,38%. Tức là mình chưa rơi vào suy thoái”.
TS Tạ Đình Xuyên
|
Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước nguy cơ giảm phát vào những tháng cuối năm, thì nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn thể hiện một thái độ lạc Quan. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Tạ Đình Xuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Nền kinh tế nội địa vẫn là một ẩn số”.
Tình hình kinh tế hiện nay không thể bàng quan được
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và tháng 7 liên tiếp nằm ở mức âm (lần lượt âm 0,26% và 0,29%). Hiện tượng CPI giảm hai tháng là dấu hiệu rất đáng quan tâm, nhưng nhiều ý kiến từ phía cơ quan quản lý cho rằng "chưa đáng lo ngại”. Ông có bình luận gì?
Phần lớn mọi người vừa mang tâm lý hoài nghi, vừa mang tâm lý lo lắng khi nhìn vào CPI. Chẳng hạn tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ: mặc dù CPI tháng 6 và tháng 7 đều âm nhưng nếu loại bỏ năng lượng và lương thực - 2 nhóm mặt hàng phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài và mùa màng, không phụ thuộc bản chất tài chính tiền tệ của nền kinh tế - ra khỏi rổ hàng hóa tính CPI theo như thông lệ, thì "lạm phát lõi” vẫn là dương trong 2 tháng qua. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, nền kinh tế đang đi vào suy thoái kép hoặc là cũng có ý kiến khách quan nói trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ giảm phát không phải không có nếu như hàng tồn kho và nợ xấu không được giải quyết...
Tôi cho rằng, báo chí cũng như cơ quan truyền thông cần phải làm cho mọi người hiểu rõ được rằng: CPI âm 0,29% nhưng so với tháng 12-2011 vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Có nghĩa là so với thời điểm này vào các năm trước thì phần tăng dương ít đi nhưng tăng trưởng 7 tháng đầu năm 2012 vẫn là 4,38%. Tức là mình chưa rơi vào suy thoái.
Phân tích cụ thể hơn vì sao chúng ta lại có phần tăng này? Thực ra, tăng trưởng vừa rồi là do độ trễ từ năm 2011 kéo lại được.
Thứ nhất, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN), vẫn kéo dài bài toán sản xuất cầm chừng qua ngày. DN xuất khẩu đang cấu véo vào các hợp đồng đã ký từ cuối năm 2011.
Thứ hai, kinh nghiệm mấy năm vừa qua cũng chỉ rõ trong khi suy giảm vẫn còn có 1 số lĩnh vực vẫn tăng trưởng được như lúa gạo, cà phê. Chúng ta sụt về giá nhưng lấy lượng bù được vào.
Nhưng phần lớn DN rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, hàng hóa ứ đọng không quay vòng được vốn, trong khi hàng trong kho thì vẫn phải tính phí lãi suất vay hằng ngày. Có bài toán đặt ra là, nhiều DN không muốn sản xuất nữa. Sản xuất để làm gì trong khi không kiếm được đơn hàng mới, đặc biệt là những người làm hàng xuất khẩu.
Bản chất của nền kinh tế hiện nay là tăng trưởng trì trệ. Từ 7% thì nay còn hơn một nửa: 4,8%. Vậy thì không thể bàng quan được.
Chúng ta đang cố gắng nửa vời
Thưa ông, chính vì vậy mà nhiều người cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ giảm phát không phải không có. Điều này sẽ xảy ra nếu hai điểm nghẽn là tồn kho và nợ xấu không được xử lý sớm?
Thực ra là sức mua đang sụt giảm một cách nghiêm trọng. Do sức mua kém, giá cả lại tăng, khủng hoảng kinh tế nếu tính từ mốc 2009 đến nay là đã 3 năm. Do vậy người dân đi vào tiết kiệm, mua sắm ít.
Trong khi đó, đầu vào của DN lại tăng dần theo thời gian do các chi phí đầu vào tăng (xăng tăng, điện tăng, giá nguyên phụ liệu tăng, tỷ giá tăng). Cộng hưởng tất cả laị khiến cho hàng tồn kho tăng cao.
Phải khẳng định rằng, hàng tồn kho của các DN là vấn đề thời sự căng thẳng nhất. Cho tới tháng 7, hàng tồn kho của DN trong lĩnh vực chế biến và chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm là đầu vào cho sản xuất đang đặc biệt khó khăn do tiêu thụ chậm: Tồn kho của phân bón và hợp chất nitơ tăng 103,3%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 53,8%; sản xuất xi măng tăng 49,2%; may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) tăng 35%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 20,8%...
Ở đây, ta thấy hệ lụy của mối liên hệ giữa tình trạng ứ đọng, tồn kho hàng hóa của DN và tình trạng nợ xấu của ngân hàng. Không bán hàng thì lấy đâu ra tiền trả nợ cho ngân hàng.
Có nghĩa là thời gian tới, nền kinh tế vẫn phải tiếp tục đối diện với khó khăn: tăng trưởng thấp và vốn không chảy được tới các thành phần kinh tế?
Đúng vậy, cố tăng trưởng tín dụng trong khi DN không hấp thụ được, đầu ra đang bị tắc thì tăng trưởng thế nào? Độ an toàn trong sản xuất hiện nay thấp, bản thân người bán hàng còn chênh vênh thì DN vay vốn làm gì. Vòng luẩn quẩn, không sản xuất, không có thu nhập, không bán được hàng ngày càng lớn.
Chính phủ hiện nay đã nỗ lực đưa ra các giải pháp như giảm thuế TNCN, TNDN… nhưng nếu như không giải quyết được cái khó đầu ra thì khó lắm.
Cái quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng nhưng chúng ta đang cố gắng nửa vời. Ví dụ như chúng ta đang treo lơ lửng các loại thuế phí ô tô, xe máy. Điều này làm cho nhiều dân muốn mua hàng cũng sợ.
Nhưng thời gian vừa qua cũng ghi nhận có những yếu tố: lạm phát thấp, nhập siêu thấp, các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực rà soát, đánh giá dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất, tỷ giá ổn định.
Lạm phát thấp chỉ là tạm thời
Liệu đây có phải là những yếu tố tốt để dần tiến tới nền kinh tế ổn định không?
Tôi nhìn nhận lạm phát thấp chỉ là tính tạm thời. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, lạm phát sẽ tăng trở lại vì tháng 6 Chính phủ tung ra 50.000 tỷ, chưa dùng hết dồn sang tháng 7, thêm 50.000 tỷ nữa. Có nghĩa là nền kinh tế có 100.000 tỷ.
Còn nhập siêu giảm, tỷ giá ổn định ư? 80% sản phẩm xuất khẩu là nhập nguyên liệu nước ngoài. Nhất là các lĩnh vực xuất khẩu như may mặc, giày da. Chúng ta phải nhập hàng thì mới có xuất hàng. Do vậy điều này đáng lo hơn đáng mừng.
Tỷ giá ổn định cũng không phải là yếu tố giảm bền vững. DN không ký được đơn hàng, không cần nhập nguyên liệu thì DN không có nhu cầu tích ngoại tệ. 2 năm trước, thị trường diễn ra cảnh mua ngoại tệ chui thì nay tình hình hoàn toàn đảo ngược.
Dẫu sao cũng trong tháng 7, có thông tin đáng đón nhận là: cả nước có 937 doanh nghiệp phục hồi ?
Trước khi khẳng định ở cấp độ thông tin, cần phân loại được, 937 doanh nghiệp này thuộc ngành nghề sản xuất nào hay chỉ là DN trong khối dịch vụ. Mọi yếu tố vẫn chưa hề rõ ràng
Nền kinh tế đi vào vùng đáy?
Một số quan chức điều hành và chuyên gia đã cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đi vào vùng lập đáy của nó?
Vùng đáy ư? Ai dám khẳng định là vùng đáy? Người ta chỉ nói là đáy khi đó là điểm xuống cuối cùng. Không thể xuống thấp hơn được nữa. Nhưng thời điểm này khó chắc chắn được.
Một kịch bản tốt diễn ra với điểm sáng là tín hiệu tiêu dùng theo quy luật hằng năm sẽ tăng. Rồi nông nghiệp, nếu như mưa thuận gió hòa đem lại nhiều kết quả khả quan. Những yếu tố đó dẫn dắt nền kinh tế đi lên.
Nhưng thực tế cho thấy, việc suy giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP là một điều không hay. Trong bối cảnh DN phá sản diện rộng và chưa có điểm dừng, hàng tồn kho chất cao như núi trong nhiều ngành nghề, kể cả khu vực bán lẻ, nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng từng tuần và đã trở nên báo động.
Những động thái tăng giá điện, xăng mới có thể kích thích tăng chỉ số CPI nhưng cũng làm cho nền kinh tế khó khăn hơn. Năm nay thực tế chỉ ra rằng tình hình kinh tế khác biệt năm 2009, dù tiền bỏ ra nhưng khó khăn chưa phải đã chấm dứt.
Chưa hết, Việt Nam là nền kinh tế mở, chịu ảnh hưởng các nước thuộc khối Asean, EU…. Nền kinh tế của các nước này cũng chưa định hình do vậy tác động ngược lại Việt Nam. Họ có thể thắt lưng buộc bụng, đầu tư nước ngoài của họ cũng giảm đi.
Vậy câu chuyện hàng tồn kho giải quyết như thế nào?
Nói thật là chúng ta chưa giải quyết triệt để câu chuyện này. Chúng ta chỉ mới dừng ở lại miễn giảm thuế, hay là gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính công bố vào đầu tháng 3 nhưng tất cả đều không ăn thua.
Ví dụ như ở Đức lần suy thoái kinh tế 2008, Chính phủ động viên vứt xe cũ đi, hỗ trợ thêm 6000 USD nữa để mua xe mới. Đấy mới gọi là kích cầu mua sắm, giải quyết tồn kho chứ. Nhưng dự trữ ngân sách của chúng ta ít do vậy không thể làm được biện pháp này.
Giải pháp căn cơ là phải giải quyết vấn đề thị trường. Các cơ quan nhà nước phải có giải pháp củng cố thị trường cũ và phát triển thị trường mới. Trước hết các ngành hàng phải tự cứu chính mình, và phía sau, Chính phủ cũng phải có trách nhiệm với DN, phải xem lại các chính sách vĩ mô đã có tính ổn định dài hơi hay chưa, đã thật sự vì DN hay chưa.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Thúy Hằng (Thực hiện)
Đại đoàn kết
|