Thứ Tư, 15/08/2012 15:27

Khi Quảng Ninh muốn “vượt khung” làm đặc khu kinh tế

Trước đề xuất thiết lập các đặc khu kinh tế tại Móng Cái và Vân Đồn của Quảng Ninh, ý kiến từ nhiều bộ ngành bày tỏ sự băn khoăn về tính pháp lý cũng như khả năng thực hiện.

 

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, các kiến nghị về cơ chế, chính sách của tỉnh Quảng Ninh đã “vượt khung” của quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi riêng đối với hai đặc khu “thí điểm” này là cần thiết để đảm bảo thu hút các nguồn vốn, nguồn nhân lực trong và ngoài nước.

Bộ này cho rằng để làm được điều đó, Quảng Ninh cần hoàn thiện đề án và báo cáo Bộ Chính trị để trình ra Quốc hội xin thông qua cơ chế đặc thù riêng cho các đặc khu này. Đối với những nội dung mà Chính phủ có thể “quyết” được thì phối hợp với các bộ ngành để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm.

Ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, kế hoạch và đầu tư cũng rất đáng chú ý. Theo văn bản chính thức được gửi tới Tỉnh ủy Quảng Ninh mới đây, bộ này cho rằng tỉnh cần tham khảo các văn bản pháp lý liên quan đến quy hoạch phát triển.

Tỉnh cũng cần chứng minh được sự cần thiết của việc xây dựng các đặc khu kinh tế, đặc biệt là có sự so sánh với các đặc khu kinh tế khác trên thế giới để từ đó định hình hướng phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng các cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư là rất quan trọng trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, làm gì để thu hút được đầu tư trong bối cảnh khó khăn là câu chuyện Quảng Ninh cần tính toán cụ thể.

Với các đề xuất của Quảng Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc cho phép hay không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và do đó cần phải chờ sự chấp thuận của cơ quan này trước khi có thể góp ý chi tiết.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đã bày tỏ quan điểm cụ thể đối với một số đề xuất của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến các ưu đãi về tài chính.

Bộ này đã có văn bản theo đó không đồng ý với việc cho phép để lại 100 thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế xuất khẩu than để Quảng Ninh xử lý môi trường do khai thác than để lại từ nhiều năm nay.

Theo Bộ Tài chính, các quy định hiện hành quy định rằng thuế xuất khẩu than sẽ do ngân sách Trung ương thu 100%.

Tuy nhiên, bộ này đồng ý với đề xuất để lại 100% nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long để tái đầu tư vào công tác bảo tồn và phát triển di sản quan trọng này.

Bộ Tài chính cũng đồng ý cho phép Quảng Ninh được vay vốn từ các tổ chức tài chính trong nước để xây dựng hệ thống hạ tầng trên cơ sở thế chấp đất hoặc than để đảm bảo.

Về phía Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội cũng đã có những ý kiến rất đáng chú ý liên quan đến đề xuất của Quảng Ninh. Theo Ủy ban Kinh tế, tỉnh cần cân nhắc kỹ về nguồn lực tài chính để thực hiện kế hoạch giàu tham vọng này.

Kế hoạch của Quảng Ninh là huy động lượng vốn đầu tư lên tới 52 tỷ USD từ nay đến năm 2020, trong đó vốn trong nước là 45% và vốn nước ngoài là 55%, trong đó riêng cho Vân Đồn và Móng Cái là khoảng 10 tỷ USD.

“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đã phân bổ ổn định đến năm 2015 và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng xấu đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, đề án cần nêu rõ các phương án, kịch bản cụ thể để huy động một cách hiệu quả nguồn lực to lớn này”, văn bản góp ý của Ủy ban Kinh tế viết.

Cơ quan này cũng cho rằng kế hoạch thành lập hai đặc khu kinh tế ngay trong năm 2013 để đến năm 2014 hoàn thiện toàn bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách đặc thù là “tương đối gấp rút, khó khả thi, nhất là nếu tính đến việc sửa đổi, bổ sung khung luật pháp hiện hành làm cơ sở cho việc thực hiện các đột phá về thể chế”.

Bản đề án về việc xây dựng hai đặc khu kinh tế tại Vân Đồn và Móng Cái hiện vẫn đang được tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện sau hơn 50 cuộc hội nghị, hội thảo và trao đổi với các cơ quan chức năng ở các quy mô và cấp độ khác nhau.

Anh Minh

tbktvn

Các tin tức khác

>   "Xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện hội nhập" (14/08/2012)

>   PGS.TS Trần Hoàng Ngân: “Để lạm phát trở lại, niềm tin sẽ suy giảm” (14/08/2012)

>   CPI tháng 8 có thể tăng trở lại (13/08/2012)

>   Cần “bộ lọc” kiểm toán theo sát các dự án đầu tư công (13/08/2012)

>   Chuyên gia quốc tế nói gì về tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu? (13/08/2012)

>   "Lạm phát thấp chỉ là tạm thời" (12/08/2012)

>   FDI: Người mới đến, kẻ lặng lẽ ra đi (10/08/2012)

>   Đề cử ông Lê Lương Minh làm Tổng thư ký ASEAN (10/08/2012)

>   Giảm thất thoát trong đầu tư công: Cách nào? (09/08/2012)

>   Moody's: Triển vọng tín nhiệm Việt Nam vẫn “tiêu cực” (08/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật