Góc nhìn 26/07: Khuyên mua rồi khuyên bán
Hầu hết các ý kiến cho rằng nhà đầu tư nên bán bớt cổ phiếu, thậm chí thanh lý hết danh mục để giảm rủi ro trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục kỳ vọng
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Đà giảm trong ngày 25/07 đã được kìm hãm. VN-Index tuy mở cửa ở mức khá thấp là 412.94 điểm nhưng sau đó đã liên tiếp có những nhịp tăng trở lại sát mức tham chiếu. Các cổ phiếu lớn hầu như chỉ giảm nhẹ (trong đó GAS, VIC, VNM chốt phiên giữ mức tham chiếu, ngoại trừ BVH giảm 2 điểm). Các mã giảm sàn chủ yếu vẫn là các cổ phiếu nhỏ có thị giá thấp.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu chứng khoán như VND, BVS, KLS có sự phục hồi nhẹ; PVX cũng không còn giảm sàn ồ ạt như hôm qua. PVX và VND vẫn có khối lượng khớp cao nhất sàn HNX.
Diễn biến cho thấy thị trường đã có những nỗ lực hồi phục tuy vẫn còn khá yếu. Trong ngắn hạn dấu hiệu phục hồi như vậy có thể khiến bên bán tạm thời “chùng tay”. Nếu phiên mai (26/07) thị trường có mức mở cửa cao hơn mức đóng của phiên hôm nay (25/07), chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều hy vọng cho một phiên phục hồi nữa của thị trường.
Tranh thủ giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thị trường có phiên giằng co trên cả 2 sàn với tương quan cung cầu khá cân bằng tại vùng giá đóng cửa. Các thông tin về KQKD quý II của doanh nghiệp niêm yết đã được phản ánh gần hết vào diễn biến giá cổ phiếu trong khi các chính sách mới trên phương diện kinh tế vĩ mô hiện cũng mới chỉ dừng lại ở những lời phát biểu của các nhà điều hành và “kỳ vọng” của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, tâm lý đa số nhà đầu tư lại quay lại trạng thái thận trọng, chờ đợi những yếu tố mới và diễn biến thị trường từ đó cũng trở nên cân bằng hơn.
Trên phương diện PTKT, sau 3 phiên sụt giảm mạnh, đà bán tháo đã tạm dừng lại trong khi lực cầu bắt đáy dần tăng lên giúp cả hai chỉ số tạo các mẫu hình nến đảo chiều. Tuy nhiên, xu hướng tăng ngắn hạn vừa được xác lập trong tuần trước theo chúng tôi nhiều khả năng chỉ là một tín hiệu “nhiễu” đối với hầu hết các hệ thống giao dịch dựa trên chỉ báo kỹ thuật. Thêm vào đó, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm điểm chủ đạo trong trung hạn.
Như vậy, trong kịch bản tích cực, thị trường có thể sẽ rơi vào một giai đoạn đi ngang trong ngắn hạn – đan xen các nhịp hồi phục và giảm điểm ngắn. Việc mua mới tại các nhịp hồi phục tới tiềm ẩn rủi ro T+4 rất cao và chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên bám theo xu hướng chính, tranh thủ các phiên nảy lại này để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.
Cơ hội đầu tư dài hạn đang xuất hiện
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Tuy thị trường tiếp tục mất điểm nhưng với mức giảm không nhiều, lực cầu quanh giá tham chiếu khá ổn định cùng với sự sôi động của nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể thấy mức độ rủi ro ngắn hạn đã giảm bớt và khả năng xuất hiện một đợt tăng nhẹ cũng dần lớn hơn.
Tại ngưỡng điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng vào việc gia tăng lượng cầu, đặc biệt tại các mức giá thấp ở hai phiên sắp tới. Đích đến của lượng cầu này nhiều khả năng sẽ nhắm đến nhóm cổ phiếu có thị giá đã rơi về vùng hỗ trợ trước tiên, sau đó có thể lan sang nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thuận lợi.
Tuy vậy, bảo lưu thái độ thận trọng, chúng tôi chưa cho rằng một cơ hội đầu tư với khung thời gian dài hơi hơn sẽ xuất hiện, ngay trong tuần này.
Bán hết danh mục nếu tiếp tục giảm mạnh
CTCP Chứng khoán Woori CBV: Tình hình nợ xấu của các ngân hàng gia tăng đột biến, cùng với sự e ngại về tình trạng giảm phát do CPI âm dẫn tới sức cầu của nền kinh tế giảm sút, đã khiến tâm lý của đại đa số các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Vì vậy ngoài một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh nổi trội giữ có sự thu hút giới đầu tư, còn lại đều bị điều chỉnh mạnh theo xu hướng thị trường. Có khả năng thị trường vẫn cần một thời gian tích lũy nữa mới có thể gia tăng trở lại.
Về phương diện kỹ thuật, thị trường có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp đồng thời khối lượng được giữ ổn định so với phiên giao dịch trước đó. Mức độ giảm điểm không mạnh như hôm qua cho thấy thị trường đang dần tìm được vùng cân bằng trở lại sau một đợt điều chỉnh, và có thể sẽ có trạng thái lình xình trong một số phiên kế tiếp để nỗ lực tạo đáy theo mẫu hình W. Trong trường hợp xấu, khi thị trường chỉ ngừng nghỉ một số phiên và sau đó giảm mạnh qua đáy cũ thì nên bán toàn bộ cổ phiếu trong danh mục để bảo toàn vốn.
Chưa có diễn biến tích cực
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Đà giảm điểm của thị trường đã chậm lại trong phiên giao dịch ngày 25/07. Tuy nhiên, diễn biến các chỉ số vẫn khá tiêu cực khi mà áp lực của khối lượng lớn cổ phiếu T+4 về tài khoản vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
Thanh khoản tiếp tục suy giảm đáng kể. Có thể thấy, lượng cung giá thấp mặc dù chững lại nhưng sức cầu vẫn yếu và dè dặt đã khiến cho thị trường chủ yếu diễn biến giằng co với đà giảm điểm đóng vai trò chủ đạo.
Nhìn chung, với tâm lý nhà đầu tư đang lo ngại về sự sụt giảm của tổng cầu trong nền kinh tế cũng như những ảnh hưởng từ biến động trên thị trường chứng khoán thế giới thì chúng tôi không quá kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực hơn về xu thế thị trường ở thời điểm hiện tại. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư có thể cân nhắc bán một phần danh mục đầu tư hiện tại nếu xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong những phiên tới.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
ffn
|