Góc nhìn 24/07: Thận trọng là cần thiết?
Nhiều ý kiến thận trọng bắt đầu xuất hiện trên thị trường sau 2 phiên điều chỉnh. Một số công ty chứng khoán trở lại kêu gọi nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi, thậm chí bán ra nếu thị trường giảm mạnh.
Xu hướng biến động nhẹ
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Sau khi tiến sát về ngưỡng 430 điểm vào tuần trước, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhóm cổ phiếu chứng khoán - nhóm ngành dẫn dắt đợt hồi phục vừa qua của VNIndex - đã đồng loạt giảm giá trong phiên giao dịch sáng nay. Bên cạnh đó, áp lực chốt lời cũng khiến các nhóm cổ phiếu có bê ta cao giảm giá mạnh hơn so với diễn biến chung của thị trường. Thanh khoản giảm mạnh trên cả hai sàn cho thấy tâm lý thận trọng trở lại của người mua. Ngoài ra, mức độ tham gia thị trường khá thấp của khối ngoại cũng là tín hiệu kém tích cực của phiên giao dịch hôm nay.
Chúng tôi kỳ vọng trong tuần này dòng tiền sẽ có sự phân hóa, hướng đến tìm kiếm những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong quý 2. Và do vậy, sau một tuần tăng mạnh, thị trường sẽ biến động nhẹ hơn quanh mốc 420 điểm.
Không quá tiêu cực
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thông thường, khi ngưỡng kháng cự bị phá vỡ, nó sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ mới, do đó 420 điểm sẽ đóng vai trò mức hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn đối với VN-Index vào thời điểm này.
Nhìn vào diễn biến thị trường, có thể thấy đa số các cổ phiếu chủ chốt trên cả 2 sàn đều giảm không nhiều, thậm chí 1 số bluechip như DPM, STB, HPG.. vẫn giữ được sắc xanh. Điều này cho thấy tâm lý thị trường vẫn tương đối ổn định, lực cung bán ra không quá lấn át lực cầu.
Thanh khoản phiên đầu tuần tuy đã giảm đáng kể so với 2 phiên cuối tuần trước, nhưng cũng không rơi xuống mức quá thấp ( trung bình 40 triệu đơn vị mỗi sàn). Hơn nữa, chúng tôi cho rằng thanh khoản thị trường cuối tuần trước tăng hơi quá nhanh, nên việc khó duy trì lâu tại mức thanh khoản đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn chung, diễn biến phiên đầu tuần dù giảm điểm nhưng không quá tiêu cực, vẫn có thể coi đây là nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Khả năng hỗ trợ khá bền vững
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Thêm một lần nữa kể từ 12/04/2012, đà tăng của thị trường không thể vượt quá 3 phiên, điều này chỉ ra một thực tế là định hướng tham gia với khung thời gian rất ngắn hiện rất phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán. Đây thực sự là một trở ngại lớn cho khả năng hình thành chuỗi tăng điểm dài hơi hơn của thị trường, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến một đợt hồi phục bền vững.
Sau nhiều lần được kiểm chứng, mức 413 điểm đang cho thấy khả năng hỗ trợ tương đối vững cho thị trường, ít nhất trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7.
Tiếp tục quan điểm thận trọng, nhà đầu tư chỉ giải ngân vào những cổ phiếu có tính thanh khoản, cơ bản tốt và đang có sẵn trong danh mục ở những phiên thị trường giảm mạnh. Đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả 6 tháng không thuận lợi, việc bán ra để tái cơ cấu danh mục cũng là một việc nên thực hiện.
Dấu hiệu khó khăn trở lại
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Cùng với thông tin tăng giá xăng vừa được công bố, đà giảm điểm của thị trường tiếp tục tái diễn trong phiên giao dịch đầu tuần (23/07) bởi tâm lý chốt lời ngắn hạn tác động mạnh đến diễn biến chỉ số.
Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy lượng cung giá cao tiếp tục áp đảo, ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong phiên này. Tương quan cung – cầu nghiêng về phía người bán khiến cho nỗ lực đảo chiều của chỉ số không thể được thực hiện.
Mặc dù xu thế hồi phục ngắn hạn của thị trường vẫn chưa hoàn toàn bị phủ định, tuy nhiên những thông tin vĩ mỗ không mấy tích cực xuất hiện đang khiến cho kịch bản tăng điểm của thị trường trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh tâm lý đầu tư vẫn khá bất ổn.
Với những thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 đang lần lượt xuất hiện thì khả năng cao sự phân hóa giá giữa các nhóm cổ phiếu sẽ diễn ra trong thời gian tới. Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm thận trọng đối với các danh mục đầu tư ngắn hạn.
Bán ra nếu thị trường giảm mạnh
CTCP Chứng khoán Woori CBV: Hai sàn suy giảm ngay từ đầu phiên do áp lực điều chỉnh theo đà của phiên trước đó. Các mã đã tăng nóng liên tục bị chốt lời mạnh khiến thị trường không thể hình thành một sóng hồi phục trở lại trong phiên, khi đã vài lần cố gắng đảo chiều tăng nhẹ.
Hiệu ứng giá xăng cùng với việc các ngân hàng niêm yết mặc dù có lãi nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng vọt, đã làm cho thị trường tiếp tục điều chỉnh. Toàn sàn chỉ có lác đác 1 số mã có kết quả kinh doanh khủng quý 2 giữ được đà tăng như VNE, VPK, SAM…vv, thì còn lại đa số đều suy giảm hoặc chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu. Có khả năng thị trường vẫn tiếp tục trạng thái giảm nhẹ hoặc lình xình ở 1 số phiên tới trước khi hình thành hướng đi rõ nét tiếp theo.
Về phương diện kỹ thuật, thị trường có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp và khối lượng suy giảm so với phiên giao dịch trước đó. Điều này cho thấy nhịp điều chỉnh hiện tại chưa kết thúc và có khả năng cần tích lũy thêm một số phiên nữa mới có thể gia tăng trở lại. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm mạnh ở một số phiên tới thì cần tất toán danh mục hiện tại để bảo toàn vốn, và kiên nhẫn quan sát diễn biến sau đó để có quyết định tham gia trở lại hay không.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
FFN
|