Tiền bẩn đang thách thức đạo đức liêm chính Những vụ tham nhũng lớn gần đây như Vinashin, Vinalines, và cả “nghi án” ODA Đan Mạch... cho thấy đó là những đỉnh núi ló ra trong một rặng núi vấn nạn quốc gia về tham nhũng. Trong bối cảnh bức xúc đòi chống tham nhũng của dư luận hiện nay, nếu không đề cập đến tác hại ghê gớm của vụ việc tham nhũng, hối lộ nhỏ, mà giới bình dân gọi là “cá chốt rỉa” từ một bộ phận của giới công quyền thì sẽ không thấy hết tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Nhưng trên hết, nếu quyết tâm chống tham nhũng mà không soi sáng nền tảng ý thức tôn vinh văn hoá – đạo đức nói không với tham nhũng, hối lộ thì việc chống tham nhũng chẳng đi tới đâu. Khoan kể đến những vụ việc tham nhũng lớn đang và sẽ tiếp tục bị phát hiện làm suy yếu tiềm lực và thể diện quốc gia. Người ta thấy gì khi chỉ lót tay hối lộ 50.000 đồng, một viên chức cấp thấp cũng có thể đạp đổ tính tự trọng của những công dân đang kiên nhẫn trong trật tự xếp hàng chờ tới lượt mình xin chứng một loại giấy tờ nào đó? Chỉ cần một tờ 10 đôla hối lộ qua cửa cũng đủ để những công chức cửa khẩu bán rẻ danh dự cá nhân lẫn thể diện quốc gia... Thực trạng xã hội cho thấy việc gật đầu nhận chầu nhậu, quà, tiền bất kể là nhỏ hay to... của quan quyền, công chức gần như đã trở thành một thứ lương thưởng “đúp bồ” đặc quyền. Ranh giới giữa tiền sạch và bẩn đã biến mất. Một cục kẹo có từ tiền bẩn cũng có đặc quyền khinh thường giá trị giấy rách giữ lấy lề. Có thời nào trong suốt lịch sử dân tộc mà giá trị bất biến của phẩm chất danh dự thanh liêm lại bị xúc phạm cho bằng lúc này. Khi con trai bí thư tỉnh uỷ Hải Dương, một công chức cấp sở ngang nhiên tuyên bố dinh thự đồ sộ được xây từ công sức của riêng mình, dư luận nắm chắc được một điều: có không ít cán bộ tha hoá cho rằng họ có thể đè bẹp dư luận bằng cách “lồng ghép” tiền bẩn vào tiền sạch. Trở lại với giá trị lớn về đạo đức thanh liêm. Rất nhiều cán bộ lão thành đã tâm sự họ có thể sắt đá trước việc hy sinh vì trách nhiệm nhưng không tránh khỏi chuyện run rẩy sợ hãi khi đối diện với chuyện mất danh dự. Điều gì khiến họ nói không với tiền bẩn? Chỉ có cốt cách đạo đức truyền đời từ dòng họ, gia đình, chỉ có phẩm chất văn hoá thanh liêm từ ý thức của cả cộng đồng mới đủ sức giúp họ giữ mình. Nhưng tất cả các giá trị có tính nguyên tắc bất biến đó sẽ bị xoá sạch nếu để những kẻ tham nhũng, hối lộ ngang nhiên sử dụng tiền bẩn khoe khoang, biến thái thành những biểu tượng về sự thành đạt, giàu có, quyền lực. Chỉ lót tay hối lộ 50.000 đồng, một viên chức cấp thấp cũng có thể đạp đổ tính tự trọng của những công dân đang kiên nhẫn trong trật tự xếp hàng chờ tới lượt mình xin chứng một loại giấy tờ nào đó. | Khi nghe tin những vụ tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng được đưa ra ánh sáng, ở một công viên, một cựu cán bộ hợp tác xã đã thốt lên: “Trước đây làng tôi, ai dám nhận một món tiền bẩn, tiêu pha tiền bẩn! Dân làng tinh lắm, khinh ngay. Ai phạm sai lầm là làm nhục cả tổ tiên, ông bà, thầy cô, bố mẹ. Còn bây giờ họ cứ phởn phơ hãnh diện nhà đẹp, xe sang... bằng tiền bẩn”. Văn hoá thanh liêm được hình thành và giáo dục từ gia đình và trường học. Nhưng chỉ cần một thủ quỹ của lớp học hoặc cá nhân trong tập thể nhỏ của thế hệ hôm nay tham nhũng và nếu dư luận thiếu ý thức giáo dục phẩm chất liêm chính, không lên án trước tập thể như một bài học cứng rắn thì giá trị về tính thanh liêm của thế hệ đó và cả những thế hệ tiếp theo sẽ bị thủ tiêu. Không còn quá sớm khi đặt ra vấn đề tiền bẩn, tài sản có được từ tham nhũng đã trở thành một thứ “giá trị”. Không hề cường điệu khi cho rằng tham nhũng, hối lộ là một phần hành vi “tự nhiên” của giới công quyền. Không thể không nghĩ đến viễn cảnh nền tảng căn cơ của cả xã hội bị đảo lộn, đánh tráo khi những kẻ tham nhũng có tất cả, có luôn cả đặc quyền khinh thường đạo đức liêm chính và giá trị của người liêm chính. Giao Cảm sài gòn tiếp thị
|