Sao không xóa được độc quyền của EVN? Tại sao dư luận, người dân phản ánh về tính độc quyền của EVN từ nhiều năm nay nhưng các cơ quan quản lý vẫn không thể xóa bỏ được? Thắc mắc trên được hầu hết được các đại biểu đưa ra tại buổi thảo luận tổ sáng 6/6, về nội dung sửa đổi một số điều của Luật Điện lực. Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), hiện nay theo đề xuất của dự thảo luật cũng như quan điểm của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc vận hành thị trường điện trong thời gian tới cần phải từng bước theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu Hường, thế nào là thị trường, thế nào là điều tiết nhà nước luật phải cần làm rõ. Bởi lẽ, hiện nay vấn đề đầu tư và kinh doanh điện gần như vẫn nằm trọn trong tay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tập đoàn này vẫn độc quyền trong nhiều khâu, đặc biệt là khâu truyền dẫn. Do đó, đại biểu Hường cho rằng, yếu tố thị trường sẽ khó mà khả thi khi không có sự cạnh tranh bình đẳng, đồng cấp. “Nếu nói thực hiện theo giá thị trường khi chưa xây dựng được đối tác cạnh tranh thì tôi rất băn khoăn. Điều tiết nhà nước là phải mang lại quyền lợi tối đa cho người sử dụng, song nếu EVN vẫn độc quyền áp dụng cơ chế giá thị trường thì không hợp lý”, đại biểu nói. Với tư cách là một doanh nhân, đại biểu Nguyệt Hường cũng chia sẻ, vì tâm lý giá điện luôn luôn tăng chứ không bao giờ giảm, nên trong hoạch định chiến lược, dự trù chi phí, giá cả sản phẩm của mình, các doanh nghiệp luôn phải tính ở mức cao. Chính điều đó đã phần nào gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Còn doanh nghiệp luôn ở trong trạng thái lo âu, phập phù với giá điện tăng. Chia sẻ những khó khăn của ngành điện hiện nay, đặc biệt là trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một số đại biểu khác vẫn thống nhất quan điểm cho rằng, bất cập của ngành điện hiện nay vẫn chủ yếu đến từ yếu tố độc quyền của EVN. Đặc biệt là quản lý ngành điện phải tính đến sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng như người dân. Đại biểu Bùi Thị An bình luận, cho dù trong thời gian qua, ngành điện đã làm được một số việc, song ngành điện cũng đã tạo ra quá nhiều bức xúc trong dư luận. Biểu hiện cụ thể nhất là luôn tăng giá, cắt điện tùy tiện, trong khi khắc phục các sự cố, hư hỏng thì lại chậm. Đại biểu này cho rằng, tất cả cũng chỉ tại hai từ “độc quyền”. Dẫn chứng thêm, đại biểu An cho hay “trong tất cả các hợp đồng với ngành điện, người dân, khách hàng chỉ có tuân theo chứ không thấy ai được đàm phán, thỏa thuận. Trong khi ngành điện đầu tư ra ngoài thua lỗ, nợ nần chồng chất thì cơ quan chủ quản cũng không thấy có hình thức kiểm điểm, xử lý thỏa đáng. “Người dân có thể sẽ chấp nhận giá theo thị trường, song mọi vấn đề của ngành điện, đặc biệt là giá thành phải công khai minh bạch. Lộ trình đến năm 2022 mới có cạnh tranh bán lẻ là quá chậm, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền sản xuất xã hội, từ đó có thể làm kinh tế suy giảm”, đại biểu An nói. Cùng phản đối sự độc quyền của EVN, các đại biểu Trịnh Thế Khiết, Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Phi Thường... đều cho rằng, với việc sửa đổi chính sách, Chính phủ cần nhanh chóng xóa bỏ độc quyền của EVN. Bởi lẽ, trong các văn bản, cơ chế hiện nay không thấy định hướng xóa bỏ độc quyền của EVN. “Sao người dân kêu mãi mà không thấy Chính phủ đề cập xóa độc quyền của EVN. Một khi vẫn còn độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không thể có thị trường được”, các đại biểu nhìn nhận. Liên quan đến vấn đề quy hoạch điện lực, đa số đại biểu đoàn Hà Nội đều thống nhất, không nên có quy hoạch cấp quận, huyện. Đồng thời, một quy hoạch điện phải kéo dài 10 năm, thay vì 5 năm như dự thảo nhằm tăng tính ổn định. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường trong phiên họp ngày 20/6 tới. Trang An tbktvn
|