“Cứu các doanh nghiệp thua lỗ nặng là không thể” Trước tình trạng “sức khỏe” của khu vực sản xuất trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trầm trọng hơn là nguy cơ đình đốn, nhiều nhóm giải pháp chính sách cụ thể đã được ban hành. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất băn khoăn và có nhiều ý kiến tranh luận. “Lực đang … suy yếu” Theo báo cáo của Bộ Công Thương , hoạt động sản xuất của khối doanh nghiệp nội địa trong 5 tháng đầu năm còn rất chật vật và hết sức khó khăn. Hầu hết các chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2012 đều đạt ở mức thấp so với cùng kỳ của năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% (trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,3%.) Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng kinh doanh Việt Nam. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là chi phí vốn cao, thị trường thu hẹp, trong khi hàng tồn kho cao, rủi ro về thị trường, rủi ro về vĩ mô... Nhìn sang khối dân doanh, tình trạng kinh doanh và sản xuất tại khu vực này cũng rất ảm đạm. Ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chỉ ra, nếu tới Thành phố Hồ Chí Minh và chứng kiến cảnh các tiểu thương bỏ sạp hàng sẽ cảm nhận được tình cảnh hiện nay của nền kinh tế. Cả nước hiện có hơn 3 triệu hộ cá thể và riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 300 nghìn hộ. Nhiều năm qua, các hộ cá thể đã đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, đồng thời tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm. “Thế nhưng, nếu đến các khu chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này, chúng ta sẽ thấy rất nhiều sạp hàng đóng cửa. Người buôn bán mà chê sạp cũng như là nông dân chê đất vậy, tình trạng này cho thấy đã nguy cấp lắm rồi,” ông Lịch nhận định. Nhìn sang đối tượng chi tiêu Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 về hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường. “Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết trên, điều này cho thấy Chính phủ đã nắm bắt sát sao tinh tình, sẵn sàng quan tâm chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp,” ông Lộc nói. Tuy nhiên khi đi vào triển khai các giải pháp cụ thể, hiện vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận về n hóm giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường của Bộ Tài chính, nhóm giải pháp về chi tiêu công và nhóm giải pháp về thuế, phí khoảng 29.000 tỷ đồng. Ông Trần Du Lịch đưa quan điểm: “Tôi ủng hộ gói cứu trợ này, việc cứu doanh nghiệp phải làm ngay, không thể chần chừ dù đây là quyết định khó khăn bởi giãn, giảm thuế sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách. Nhưng nếu chúng ta không khẩn trương cứu doanh nghiệp thì khi họ giải thể phá sản thì cũng chẳng còn nguồn thu.” Nhấn mạnh hơn về việc kích cầu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op lại chỉ ra, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ cần quyết sách sớm về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là kích thích sức mua. Để thực hiện điều này, nên có quyết định giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đồng thời kiểm soát và giữ ổn định giá một số mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước vẫn đang quản lý như giá xăng, điện… nhằm củng cố thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. “Những chính sách này sẽ khiến ngân sách giảm đôi chút, song sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực để kích thích sản xuất và tiêu dùng. Quan trọng là người dân cũng sẽ cảm nhận được sự chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn kinh tế hiện nay,” ông Hòa nói. Ngoài ra, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng chỉ ra một số hạn chế, gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ đồng mới chủ yếu hướng vào doanh nghiệp mà ít chú ý đến phần nông nghiệp và nông thôn là chưa đầy đủ. Vì vậy, phải tăng cường hỗ trợ lĩnh vực này bằng cách tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp... Như vậy mới tăng tổng cầu. Đại diện một số doanh nghiệp lại cũng cho rằng, gói “giải cứu” chưa đủ hấp dẫn và khó phát huy tác dụng vì phụ thuộc vào yếu tố doanh nghiệp có khả năng đẩy thêm hàng ra thị trường, giải quyết hàng tồn kho hay có lãi để đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và kiến nghị Chính phủ cần trợ giúp doanh nghiệp bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội đồng tình với quan điểm, “gói cứu trợ này” chỉ có tác động tích cực ở một mức độ nhất định như giảm một phần gánh nặng tài chính đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn lưu động không lấy lãi cho doanh nghiệp. Giải pháp này hướng tới việc giảm gánh nặng đầu vào cũng như chi phí trung gian, do đó những doanh nghiệp thực sự tiếp cận được phải là đơn vị làm ăn tương đối tốt, có đủ khả năng duy trì sản xuất và các đơn vị mới ra đời. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thua lỗ nặng nề thì việc giải cứu là rất khó, lúc này mà ra một gói cứu trợ như năm 2009 là không thể vì điều kiện ngân sách là hạn hẹp. Thêm vào đó, ông Ngân cũng nhấn mạnh: “Cần phải tiên liệu trước về việc đưa ra gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có lặp lại kịch bản năm 2009, tức là lạm phát quay trở lại vào những năm sau. Chúng ta có quá nhiều bài học kinh nghiệm rồi.” Bên cạnh việc sớm triển khai những chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, đại diện tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất mong muốn các ngành chức năng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại đa quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hội chợ thương mại quốc tế. Điều này vừa giúp doanh nghiệp quảng bá được sản phẩm, vừa hỗ trợ tăng lượng hàng bán ra./. Linh Chi Vietnam+
|