Bi hài với thu hồi giấy phép Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền nhưng thực tế lại khó xử lý thu hồi giấy phép của DN. Điều 165 của Luật Doanh nghiệp (DN) quy định tám trường hợp DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (gọi nôm na là giấy phép). Thế nhưng quá nửa trong số đó không thể thực thi được. Có gian dối nhưng không giả mạo Trường hợp bị liệt kê đầu tiên là “nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo”. Thế nhưng vấn đề khó cho cơ quan đăng ký kinh doanh là xác định thế nào là giả mạo? Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho rằng chỉ có vài loại giả mạo là giả mạo chữ ký của người khác, giả mạo con dấu, giả mạo một chứng từ. Tuy nhiên, DN chỉ khai báo thông tin không đúng, không trung thực, thông tin “bịa” mà thôi. Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT TP.HCM) đã dẫn chứng một số trường hợp lấn cấn. Ví dụ, một thành viên trong công ty nộp hồ sơ thông báo đổi đại diện pháp luật của công ty, có nộp kèm biên bản họp hội đồng. Thế nhưng những thành viên khác khẳng định không hề có cuộc họp này. Vậy biên bản họp này là biên bản “tự chế”, không xem là giả mạo được. Luật DN hiện không quy định thu hồi giấy phép trong trường hợp “không trung thực”. | Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. | Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết hiện nay các Sở KH&ĐT xử lý theo hai hướng. Nếu giả mạo thì thu hồi, nếu không trung thực thì phạt hành chính. Về lâu dài, cần phải sửa quy định trong Luật DN. Cục cho rằng nếu sửa theo hướng thu hồi giấy phép trong trường hợp khai báo không trung thực, không chính xác thì bao trùm được nhiều vi phạm, thế nhưng quá khó cho DN. Ví dụ, DN vô tình khai sai địa chỉ, khai nhầm con số vốn… thì nên để DN khắc phục. Do đó, Luật DN nên sửa quy định thành thu hồi giấy phép trong trường hợp DN khai báo không trung thực nhưng không chịu khắc phục hậu quả. Không hoạt động, không báo cáo Hai trường hợp bị thu hồi giấy phép khác là DN “không hoạt động tại trụ sở trong sáu tháng liên tục” và DN “ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo”. Thế nhưng Phòng Đăng ký kinh doanh TP.HCM yêu cầu làm rõ thế nào là “hoạt động”? Phòng này cho rằng thời gian qua, nhiều DN gặp khó khăn, kinh doanh không được nên cắt giảm nhân sự tối đa, nhân viên chỉ còn vài người, khi nào cần mới phải có mặt. Trụ sở im lìm như vậy có bị xem là không hoạt động tại trụ sở hay không? Hiện nay, DN “không báo cáo về hoạt động kinh doanh của DN với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục” cũng bị thu hồi giấy phép. Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết nếu thực hiện triệt để quy định này thì có đến 70% DN tại TP.HCM sẽ bị thu hồi giấy phép. Từ trước đến nay các DN không hề quan tâm đến việc nộp báo cáo cho Sở KH&ĐT, DN chỉ nhớ nộp báo cáo cho cơ quan thuế mà thôi. Cục cũng cho biết thực tế là ở các nước khác, DN cũng “quên”. Nghĩa vụ nộp báo cáo đối với DN xem ra rất nặng nề. Vì vậy, Cục đã tính đến phương án “làm giùm” DN, khi DN gửi báo cáo cho cơ quan thuế thì hệ thống sẽ tự động chuyển luôn cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Phương án này cũng vừa được Tổng cục Thuế chấp thuận cơ bản, có thể sẽ áp dụng từ tháng 10 tới. Như vậy DN được nhẹ việc mà cơ quan quản lý cũng khỏi phải mất sức xử phạt những chuyện này. Nếu hệ thống điện tử có thể giải quyết công việc này thì nên bỏ trường hợp thu hồi giấy phép này trong Luật DN. Bốn trường hợp bị thu hồi giấy phép khác DN do những người bị cấm thành lập DN thành lập nên. DN không gửi báo cáo theo yêu cầu. DN kinh doanh ngành, nghề bị cấm. DN không đăng ký mã số thuế sau khi có giấy phép (quy định này hiện không còn thực tế vì mã số thuế và mã số đăng ký kinh doanh đã được hợp thành mã số DN, khi đăng ký thành lập thì trên giấy phép có mã này luôn). (Theo Điều 165 Luật DN) Điều 158 quy định DN bị thu hồi giấy phép thì phải giải thể trong vòng sáu tháng. Sau sáu tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể thì DN đó coi như đã được giải thể. Sở KH&ĐT đã gặp trường hợp thu hồi giấy phép của DN, sau sáu tháng không thấy DN đến làm thủ tục giải thể. Vài tháng sau nữa thì DN lại đến xin làm thủ tục giải thể. Theo quy định thì “DN đó coi như đã được giải thể” rồi, nếu bây giờ lại làm thủ tục “nhập viện” cho một DN đã “chết” thì nghe không hợp lý cho lắm! | QUỲNH NHƯ Pháp luật TPHCM
|