Thứ Ba, 05/06/2012 15:35

Xuất khẩu dệt may: Kẻ mừng, người lo

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ ngành dệt may thiếu đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng, thì vẫn có không ít doanh nghiệp đảm bảo hoạt động ổn định.

Ông Trần Đăng Chúc, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Thiên Nam cho biết, trong mấy tuần gần đây, Công ty hầu như không xuất khẩu được hàng, do giá xuất khẩu sản phẩm sợi giảm 15 - 20%.

Cũng theo ông Chúc, dù Công ty ông có lợi thế là hoàn toàn sản xuất hàng FOB (tự mua nguyên liệu, bán thành phẩm), song các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm cả về số lượng đơn hàng, lẫn giá cả, thành ra 1.800 công nhân của Dệt may Thiên Nam đang phải làm việc cầm chừng.

“Chúng tôi chủ yếu nhận đơn hàng ‘ăn đong’ từng tháng một. Cái quan trọng nhất là, phải tính toán lại về lãi suất, nguyên liệu, chứ với tình hình hiện nay, càng xuất khẩu càng lỗ”, ông Chúc nói.

Chia sẻ khó khăn về thị trường xuất khẩu hiện nay, ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn (Garmex Saigon) cho biết, các khách hàng lớn của Garmex Saigon tại châu Âu thông báo rằng, do tình hình bán lẻ hàng dệt may tại châu Âu đã giảm khoảng 30% trong thời gian gần đây, nên họ cũng giảm lượng đơn đặt hàng tương ứng đối với thị trường Việt Nam.

“Toàn ngành may giảm khoảng 30% đơn hàng xuất khẩu, trong đó, giảm mạnh nhất là các doanh nghiệp nhỏ, không có khả năng cạnh tranh”, ông Ân nói. Tuy nhiên, theo ông Ân, những doanh nghiệp lớn, sản xuất hàng FOB ít bị ảnh hưởng.

Trong tình hình khó khăn chung của thị trường, không ít doanh nghiệp trong nước đã tìm được lối thoát, duy trì sản xuất ở mức khả quan, chí ít là đảm bảo đơn hàng bằng cùng kỳ năm trước.

“Garmex Saigon đã có đơn hàng tới tháng 9/2012. Trong 4 tháng đầu năm, chúng tôi đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm. Nếu không có gì thay đổi, Garmex Saigon sẽ đạt được kế hoạch đề ra cho năm nay”, ông Ân cho biết.

Cũng phải nói thêm rằng, để có thể đạt được mức lợi nhuận và tăng được lượng lao động (từ đầu năm đến nay, Garmex Saigon đã tuyển dụng thêm 500 công nhân) trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo ông Ân, Garmex Saigon đã dựa vào 2 yếu tố mang tính quyết định, đó là tăng năng suất lao động và sản xuất hàng FOB 100%.

Ngoài ra, Garmex Saigon còn thực hiện chiến lượng “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Từ quý II năm nay, Công ty đã mở văn phòng thu mua nguyên phụ liệu trực tiếp tại Hồng Kông và mở cửa hàng bán lẻ trực tiếp tại Mỹ. Một bí quyết khác giúp Garmex Saigon vượt khó là, ngay từ thời điểm này, Công ty đã chuẩn bị cho việc sản xuất hàng mẫu năm 2013.

Trường hợp khác, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Hồ Gươm (Hà Nội) cho biết, hàng xuất khẩu của Công ty bị đối tác ép giá, khiến đơn giá giảm hơn 10%, song với nhiều nỗ lực, như cắt giảm tối đa chi phi sản xuất, nguyên nhiên liệu…, trong 5 tháng đầu năm, May Hồ Gươm vẫn đạt mức tăng trưởng bằng với cùng kỳ năm 2011.

Năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu toàn ngành mới đạt 5,334 tỷ USD, tăng chưa đầy 8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xơ sợi chỉ đạt 132 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ.

Như vậy, nhiệm vụ xuất khẩu trong 7 tháng còn lại của ngành dệt may khá nặng nề, với khoảng 8,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, còn phụ thuộc vào triển vọng của các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Hải Yến - Thanh Tân

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vụ Vinalines: “Nên mổ xẻ đến nơi đến chốn” (05/06/2012)

>   Công bố kết quả thanh tra 16 DN sản xuất điện ngoài EVN (05/06/2012)

>   Bi hài với thu hồi giấy phép (05/06/2012)

>   EVN tăng 5% giá mua điện một số nhà máy (04/06/2012)

>   Việt Nam khai thác gần cạn tiềm năng thủy điện (04/06/2012)

>   Phía sau sự “giảm cân” tổng tài sản các công ty tài chính (04/06/2012)

>   'Mọi tập đoàn đều có thể cổ phần hóa' (04/06/2012)

>   Tôm sang Nhật vướng chất cấm mới (04/06/2012)

>   Tập đoàn Than và Khoáng sản tồn kho hơn 8,5 triệu tấn than (03/06/2012)

>   Bí đầu ra, doanh nghiệp gạo có nguy cơ lỗ nặng (03/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật