Thứ Năm, 07/06/2012 09:29

Xi măng bi quan về thị trường

Tồn kho của ngành xi măng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 3,5 triệu tấn, trong khi sức tiêu thụ 5 tháng đầu năm giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ đạt 19 triệu tấn.

Khi được hỏi về triển vọng tiêu thụ trong những tháng tiếp theo, hầu hết doanh nghiệp (DN) xi măng đều tỏ ra bi quan, bởi họ chưa nhìn thấy điểm sáng nào về gia tăng nhu cầu tiêu dùng xi măng.

Dẫu có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định tại Nghệ An và tồn kho 5 tháng qua ở ngưỡng 30.000 tấn/công suất 1,4 triệu tấn, nhưng CTCP Xi măng Hoàng Mai, DN thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang hết sức lo ngại về tình hình tiêu thụ xi măng trong tháng 6 này vả cả những tháng tiếp theo.

Ông Đặng Tăng Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2012, Công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 1,4 – 1,45 triệu tấn xi măng. Hết 5 tháng, Công ty tiêu thụ được gần 600.000 tấn, được xem là mức thực hiện khá khả quan so với một số đơn vị khác trong ngành.

Do chỉ có 1 dây chuyền với công suất gần 1,5 triệu tấn, cộng thêm thị trường tiêu thụ tại riêng địa bàn Nghệ An đã chiếm tới 70% công suất, nên Công ty không gặp quá nhiều sức ép về sản lượng tồn kho và tiêu thụ. Nhưng thực tế khả quan này đang bị đe dọa bởi một số sản phẩm xi măng sắp ra mắt trên cùng địa bàn.

“Sắp tới, Công ty sẽ khó khoanh vùng tại chỗ, bởi thị trường Nghệ An sẽ có thêm một loạt thương hiệu mới ra mắt”, ông Cường nói.

Một loạt thương hiệu xi măng mới được ông Cường nhắc tới, là dây chuyền nghiền xi măng 1 triệu tấn/năm, tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) của CTCP xi măng Công Thanh, Xi măng Dầu khí và Xi măng Đô Lương (cùng trên địa bàn Nghệ An) đều sắp đến kỳ đưa vào hoạt động.

Xi măng nhãn mới ra nhập thị trường, chắc chắn sẽ có giá thấp hơn các nhà cung cấp cũ. Đó là lý do khiến Vicem Hoàng Mai e ngại, bởi các chính sách bán hàng sẽ hấp dẫn hơn và không nhiều thì ít sẽ hút bớt một lượng khách từ các nhà cung cấp lâu năm kể cả như Vicem Hoàng Mai. Chưa kể, thời điểm tháng 5 đến tháng 7, là mùa mưa nên tiêu thụ xi măng càng chậm.

Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 đến 62 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến chỉ đạt khoảng 47 - 48 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn, thì vẫn còn tới 6 triệu tấn xi măng dư thừa.

Holcim, một trong những thương hiệu xi măng có tiếng trên thị trường xi măng cũng không sáng sủa hơn, khi tiêu thụ 5 tháng mới đạt 1,2 triệu tấn, trong khi mục tiêu cả năm là 3,8 triệu tấn.

Theo ông Quản Trọng Dân, Phó tổng giám đốc Holcim Việt Nam, năm 2012, doanh số sản xuất kinh doanh của Holcim chắc chắn thấp hơn 2011 và 2010 và sẽ không thể đạt được mức lợi nhuận dự kiến trên 100 tỷ đồng. Cần nói thêm, năm 2011, thị trường chưa đến mức khó như hiện tại, thì Holcim cũng đã giảm tiêu thụ hơn 100.000 tấn so với năm 2010.

Cùng chung nỗi lo như Holcim, hay Vicem Hoàng Mai, ông Ngô Đức Lưu, Phó giám đốc Vicem Bút Sơn (Ninh Bình) cho biết, chưa thấy tín hiệu sáng sủa nào từ thị trường xi măng từ nay đến hết năm. Bởi vậy, ngoài 1,2 triệu tấn xi măng đã bán ra thị trường trong 5 tháng qua, DN này biết chắc sẽ không thể đạt được mục tiêu tiêu thụ 3,6 triệu tấn trong năm nay.

“Để bán được 1,8 triệu tấn xi măng trong 7 tháng cuối năm là nhiệm vụ bất khả thi, dù thị trường xuất khẩu dẫu được Vicem đẩy mạnh và bản thân Vicem Bút Sơn cũng tham gia hết mình cũng khó về đích với con số này”, ông Lưu khẳng định.

Vậy, DN xi măng sẽ còn “sống dở” đến khi nào? Theo ông Đặng Tăng Cường, khó khăn sẽ bao trùm ngành xi măng tới 2014-2015 và chưa thể chấm dứt ngay sau năm 2012-2013, bởi nguồn cung thị trường vẫn tiếp tục được bổ sung. Ngoài ra, việc duy trì chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công… cũng khiến DN xi măng khó có “cửa” gia tăng tiêu thụ, chưa kể 80% DN xi măng đều đang gánh trên vai khoản nợ vay đầu tư.

Lối thoát cuối cùng và cũng gần như là duy nhất của các DN và ngành xi măng để giảm hàng tồn kho và lấy vốn quay vòng sản xuất, trả nợ các tổ chức tín dụng chỉ còn trông chờ vào xuất khẩu. Nhưng xuất khẩu của ngành chưa năm nào đạt được mục tiêu đề ra. Đặt giả thiết, năm 2012, ngành xi măng hoàn thành 7-8 triệu tấn xi măng từ xuất khẩu, thì với việc nguồn cung xi măng vẫn tiếp tục được bổ sung, Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo, ngành xi măng vẫn thừa tới 6 tấn xi măng. Và ngành này sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ.

Hải Yến

đầu tư

Các tin tức khác

>   Năm tháng, khai thác dầu khí tăng 5,9% (07/06/2012)

>   S&P: 30% khả năng Vinacomin bị hạ bậc tín nhiệm (07/06/2012)

>   Tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án thủy điện Sơn La hơn 60.000 tỷ đồng (06/06/2012)

>   Ra "tối hậu thư" cho nhà thầu nước ngoài (06/06/2012)

>   Sao không xóa được độc quyền của EVN? (06/06/2012)

>   Nhập siêu từ Hàn Quốc tăng (05/06/2012)

>   “Cứu các doanh nghiệp thua lỗ nặng là không thể” (05/06/2012)

>   Xuất khẩu dệt may: Kẻ mừng, người lo (05/06/2012)

>   Vụ Vinalines: “Nên mổ xẻ đến nơi đến chốn” (05/06/2012)

>   Công bố kết quả thanh tra 16 DN sản xuất điện ngoài EVN (05/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật