Những chiêu thức đòi nợ thời gian khó Trong nhiều trường hợp đòi nợ gần đây, thay vì lựa chọn giải pháp đưa ra Tòa án, DN dùng nhiều chiêu thức để gây sức ép khiến phía bên kia. Kiện ra tòa, chờ mỏi cổ Luật sư Trương Đình Tùng, cố vấn pháp lý cho một tập đoàn lớn trong một vụ tranh chấp, đã từng khẳng định sẽ không đưa vụ việc nói trên ra Tòa án mà tìm cách khác để đòi được quyền lợi tài chính cho thân chủ. Nguyên nhân mà luật sư Tùng đưa ra là việc khởi kiện ra Tòa kinh tế mất quá nhiều thời gian. Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử các tranh chấp về kinh doanh, thương mại là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá một tháng. Như vậy, kể cả thời gian gia hạn thì thời hạn chuẩn bị xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tối đa là 3 tháng. Trong 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Với quy định trên, trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử thì thời hạn giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại tối đa là 5 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ kiện kinh doanh, thương mại không dễ dàng được giải quyết trong thời hạn nêu trên. Đơn cử, vụ CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình kiện CTCP Đầu tư Bất động sản Hapulico, đơn khởi kiện được nộp ra Tòa từ tháng 8/2009. Đến nay, đã sang năm thứ 4 và đã có 4 bản án, song vụ kiện vẫn chưa được giải quyết. Tương tự như vậy, sau 5 năm khởi kiện ra Toà, qua nhiều lần xét xử, thương lượng hòa giải, đến nay, Vietinbank vẫn chưa thu hồi được khoản vay 15 tỷ đồng từ năm 2002 của Công ty TNHH Bắc Sơn. “Có tới 95% vụ kiện dân sự bị kháng cáo và đưa lên cấp phúc thẩm. Hành trình để một bản án có hiệu lực nhiều khi kéo dài tới 5 - 7 năm, chưa kể chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, trong một số trường hợp, nếu nhận định việc khởi kiện ra tòa không đạt hiệu quả như mong muốn, đương sự nên tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật khác”, luật sư Tùng nói. Nhiều chiêu đòi nợ hiệu quả Vụ tranh chấp bảo lãnh giữa một ngân hàng và một DN mới đây diễn ra như sau: DN này đã bán cổ phần cho một cá nhân và được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh không hủy ngang khoản tiền khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cá nhân không thanh toán tiền mua cổ phần, DN đã yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh, song ngân hàng từ chối. Nhiều lần DN này gửi công văn song ngân hàng không trả lời, có lần DN này đã tới họp theo đề nghị của phía ngân hàng nhưng khi đến nơi, lại không có ai xuất hiện. Sau nhiều lần bày tỏ thiện chí thương lượng không được, DN này đã rao bán khoản nợ của ngân hàng này trên một tờ báo lớn. Ngay sau khi thông báo bán nợ được tung ra, tranh chấp giữa 2 bên được đẩy lên đỉnh điểm, hai bên phát công văn đi khắp nơi, tổ chức họp báo, đưa ra thông tin bảo vệ bản thân và công kích phía bên kia. Cuối cùng, “giải pháp kỹ thuật” của DN nói trên đã đạt được hiệu quả khi phía ngân hàng chấp nhận thanh toán, khoản tiền đầu tiên đã chảy về tài khoản của DN. Một trường hợp khác, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thanh toán cho một thương vụ giữa 2 công ty là CTCP Thép hình Miền Bắc và CTCP Đầu tư Văn Phú Building. Sau khi bên mua không thanh toán, Công ty Thép hình đã yêu cầu phía ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng ngân hàng không thực hiện. Phía Công ty Thép hình đã có công văn gửi Ban giám đốc nêu rõ căn cứ pháp lý và yêu cầu giải quyết. Khi không có phản hồi, công ty này lại tiếp tục gửi công văn tới Ban Kiểm soát, HĐQT của ngân hàng, yêu cầu kiểm tra hoạt động của Ban điều hành và giải quyết vụ việc, nếu không sẽ kiến nghị Hiệp hội Ngân hàng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức khác nhờ can thiệp. Đến lúc này, phía ngân hàng đã chấp nhận trả tiền và đến nay, sau 7 tháng kể từ ngày phát đơn yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên mua đã nhận được toàn bộ số tiền. Theo một thẩm phán của TAND TP. Hà Nội, không ít trường hợp khi không đòi được nợ, chủ nợ đã chọn cách nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ. Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp đến tòa án, các đối tác khác có thể sẽ thu hồi nợ trước hạn do lo ngại DN phá sản và ngừng quan hệ kinh doanh. Lúc này, khi đối mặt nguy cơ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, DN con nợ có thể sẽ chấp nhận thương lượng, hòa giải. Theo Luật sư Trần Minh Hải, Luật Phá sản quy định, khi DN không có khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây là quyền đã được luật pháp quy định và DN hoàn toàn có quyền vận dụng để bảo vệ quyền lợi của bản thân. Luật sư Hải cũng cho rằng, các chủ nợ chỉ nên áp dụng giải pháp khởi kiện khi mọi giải pháp khác không thu được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, Luật sư Hải cảnh báo, các đương sự nên cẩn thận khi áp dụng các giải pháp “mềm” trong giải quyết tranh chấp kinh tế, phải đảm bảo hành vi của bản thân trong giới hạn luật pháp và đạo đức cho phép, tránh trở thành thủ đoạn. Còn theo Luật sư Trương Đình Tùng, khi có tranh chấp, cần phải xem xét gốc rễ phát sinh tranh chấp, vì sao đối tác không tiếp tục thực hiện đến cùng cam kết, vi phạm đó thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hay hình sự? Nếu là tranh chấp dân sự, có thể lựa chọn giải pháp thương lượng hoặc khởi kiện ra Tòa án, nếu là hình sự, vẫn có thể thương lượng, tất nhiên sự nhượng bộ sẽ khác, hoặc đưa ra cơ quan công an. Trong rất nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp, các bên nên cân nhắc biện pháp thương lượng, hòa giải, bởi việc khởi kiện ra tòa án dân sự hay tố giác tội phạm đều tốn những phi phí nhất định. Nguyễn Đông đầu tư chứng khoán
|