Chủ Nhật, 10/06/2012 09:08

Kinh doanh sụt giảm: Từ ôtô đến nước mắm

Hàng tồn kho đang là mối đe dọa lớn nhất đến các DN. Vấn nạn lan tràn từ các ngành công nghiệp lớn như ô tô, xe máy đến những mặt hàng thiết yếu như… nước mắm. Sản xuất kinh doanh đang bế tắc và kinh tế chưa thể sớm thoát khó khăn.

Vấn nạn tồn kho

Trao đổi mới đây, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa nhấn mạnh, vấn đề khó khăn nhất của các DN hiện nay là bí đầu ra. Bây giờ với nhiều mặt hàng thiết yếu người dân cũng không có tiền mua.

Mới đây, tin từ Hiệp hội nước mắm Nha Trang cho biết, các DN sản xuất nước mắm tại Nha Trang cũng đang phải giảm sản xuất. Cho dù phải thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng cũng phải mua nước mắm cho bữa ăn hàng ngày. Vậy mà trên thực tế, mặt hàng này cũng không tránh khỏi tình trạng tiêu thụ giảm sút. Tại Nha Trang, có nhiều DN nước mắm phải sản xuất cầm chừng từ đầu năm đến nay, nguyên nhân không gì khác là sức tiêu thụ chậm, sản phẩm ứ đọng.

"Nói như vậy để thấy nhu cầu thị trường đang giảm sút quá mạnh và các DN khó khăn lắm rồi. Điều mong đợi của các DN hiện nay là kích cầu tiêu dùng", ông Kiêm nói.

Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers Index) tháng 5/2012 do Ngân hàng HSBC công bố cho thấy điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn đang xấu đi. Theo báo cáo này, chỉ số PMI ngành sản xuất đã giảm từ mức 50 điểm vào tháng 3 xuống còn 49,5 điểm vào tháng 4 và tiếp tục giảm xuống còn 48,3 điểm trong tháng 5/2012.

HSBC cho biết, những DN tham gia khảo sát cho rằng, nhu cầu trên thị trường đã giảm khá mạnh do người dân thực hiện tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Bắt đầu từ các siêu thị, doanh số giảm đi vì người dân giảm sức mua, siêu thị hạn chế nhập hàng, khiến cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng cũng phải giảm năng lực sản xuất, nguồn cung phải giảm nếu không muốn lượng hàng tồn kho tăng lên.

Hiện nay, tình trạng sản xuất đang giảm được ghi nhận ở hầu hết các ngành hàng từ dệt - may, giấy, da giày, nhựa, ô tô, xe máy, thép điện tử... Ngành dệt may, dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng phần lớn các DN vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam được biết, trước đây khi vào mùa vụ, các DN có thể thoải mái lựa chọn đối tác để làm nhưng nay thì ngược lại. Nhiều DN dệt may lớn, lượng đơn hàng giảm khoảng 5-10% so với cùng kỳ, còn DN nhỏ có thể thiếu hụt trên 10% đơn hàng.

Các ngành sản xuất khác như: xi măng, thép, ô tô, xe máy, thiết bị điện, thiết bị xây dựng... thì sản xuất đã giảm quá mạnh từ đầu năm tới nay. Nhiều ngành hàng giờ chỉ còn sản xuất chừng 50-60% công suất. Những ngành có lượng hàng tồn kho cao là đường ăn, sắt thép, xi măng, ô tô và xe máy... Đến xăng dầu cũng tồn kho là 106.000 tấn, cho dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạm ngừng hoạt động để kiểm tra.

Để cứu mình, các DN đã có hàng loạt biện pháp song vẫn chưa có nhiều tác dụng. Nhiều DN đã giảm giá, khuyến mãi sản phẩm suốt thời gian dài vừa qua nhưng vẫn không đẩy mạnh tiêu thụ. Sức mua không tăng và hàng tồn kho vẫn cao.

Thế chấp hàng tồn kho: Ngân hàng không dám?

Chính phủ cũng đã mở van tín dụng cho vay tiêu dùng với tất cả các lĩnh vực từ mua nhà, mua xe... nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn còn cao, lên tới 18%, khiến nhiều người chùn tay không dám vay ngân hàng để chi tiêu, kích cầu tiêu dùng không có hiệu quả. Việc đề xuất hỗ trợ lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực tiêu dùng như bất động sản chưa được thực hiện. Vì thế, tổng cầu toàn xã hội tăng rất thấp trong 5 tháng qua khiến DN khó khăn.

Gói hỗ trợ DN về thuế và tiền thuê đất khoảng 29.000 tỷ đồng được thực hiện từ 23/5 vừa qua nhưng theo tính toán của các chuyên gia, số tiền thực chất để lại cho các DN thông qua gói hỗ trợ này chỉ vào khoảng 9.500 tỷ đồng. Con số này trong bối cảnh các DN đang gặp rất nhiều khó khăn chưa phải là số tiền lớn, ước tính gói hỗ trợ này chỉ làm tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%.

Rất nhiều DN đang trông đợi vào gói đầu tư công 120.000 tỷ đồng cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 trong 7 tháng cuối năm. Gói đầu tư này tung ra sẽ tạo ra nhu cầu lớn. DN sẽ tăng sản xuất, tăng doanh thu, tạo việc làm... và giúp kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong một thời gian ngắn mà cung ra một lượng tiền lớn như vậy thì rất có thể lại là nguyên nhân khiến cho lạm phát quay lại vào năm tới, dẫn tới vòng luẩn quẩn lạm phát đình trệ, đình trệ lạm phát liên tục tiếp diễn.

Có thể nói, vốn giá rẻ và hàng tồn kho đang là 2 vấn nạn lớn nhất của cộng đồng DN hiện tại. Tình trạng hàng làm ra không tiêu thụ đã dẫn đến biết bao hệ lụy: đọng vốn, không có tiền quay vòng sản xuất, trong khi vẫn phải trả lương nhân công và lãi vay ngân hàng. Gần đây, nhiều DN lại có thêm kiến nghị ngân hàng có thể mở cho họ lối thoát bằng cách cho thế chấp hàng tồn kho để vay tiền nhưng chuyện này xem ra không dễ.

Nhiều ngân hàng vẫn tuyên bố, nếu hàng tồn kho của DN là mặt hàng phổ biến, đủ điều kiện sẽ được thẩm định theo giá thị trường và cho vay khoảng 60-70% giá trị tài sản thế chấp. Với mỗi mặt hàng, ngân hàng sẽ thẩm định giá trị khác nhau, tùy theo giá trị sử dụng của nguyên liệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, thế chấp được hàng hóa để vay tiền nhà băng gần như không khả thi. Về phía DN, có thể chính DN đã lấy nguyên, vật liệu để thế chấp làm tài sản vay vốn lưu động nên nay không thể đem hàng tồn kho ra vay tiếp; lại có DN khác, là các đối tượng DN nhỏ lẻ, có hàng tồn kho dễ vỡ, dễ hỏng, kém giá trị... nên bị các nhà băng từ chối cũng là lẽ đương nhiên.

Trong khi đó, nhiều DN lại phàn nàn lý do không thế chấp được hàng là do họ đang vấp quá nhiều rào cản từ phía các nhà băng. Các ngân hàng lấy lý do vì đã nhận thế chấp hàng tồn kho quá nhiều, nên không thể ôm được nữa; rồi chuyện có mặt hàng nhận thế chấp xong, nay giảm giá mạnh buộc phải yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm nhưng DN không đáp ứng được. Ngay bản thân các NH, đội ngũ nhân viên thẩm định giá từng loại mặt hàng cũng rất thiếu, yếu. Đó là chưa kể vấn đề quản lý hàng tồn kho hiện nay của các DN vẫn còn bất cập, đã có nhiều trường hợp xảy ra là khi DN rút kho mà ngân hàng không quản lý được...

Do vậy, giới ngân hàng cho rằng thế chấp hàng tồn kho là mối quan hệ giữa ngân hàng và DN. Nếu có điều kiện tổ chức quản lý được thì ngân hàng thực hiện, nếu không thì DN cũng phải chấp nhận thôi.

Những lý do trên xem ra rất có lý và nghe dễ "lọt tai". Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là cái cớ để giới ngân hàng từ chối "ôm" hàng. Bởi hàng tồn bán không ai mua, thế chấp không ai nhận cứ bị giam mãi trong kho thì giá trị ngày càng giảm, dần dà cũng chỉ như rơm, như rạ. Mà đã là "rơm" thì dại gì ôm vào cho "rặm bụng"?.

Trần Thủy

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   DN 'lắc đầu' không vay vốn, ngân hàng sẽ chết (10/06/2012)

>   Thiếu thông tin, cơ chế giám sát doanh nghiệp “lỏng” (09/06/2012)

>   Khát vốn: Bi hài đại gia thành 'cừu non' (09/06/2012)

>   Phát triển kinh tế biển: bức tranh khá ảm đạm! (08/06/2012)

>   Vốn các “ông lớn”: 60% là đi vay (08/06/2012)

>   “Bộ Giao thông Vận tải đã quản lý Vinalines nghiêm túc” (08/06/2012)

>   Doanh nghiệp nhà nước là ai? (08/06/2012)

>   Vinashin chào bán hàng loạt công ty con (08/06/2012)

>   Đến kim khâu cũng còn phải nhập khẩu! (08/06/2012)

>   Bí quyết vượt khủng hoảng của các tập đoàn Hàn Quốc (08/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật