Thứ Ba, 05/06/2012 13:18

Làm sao cứu Tây Ban Nha?

Chính trường Hy Lạp có thể xác định tương lai ngắn hạn của euro, nhưng chính Tây Ban Nha mới là vấn đề khó khăn nhất của đồng tiền chung. Nền kinh tế mạnh thứ tư trong khu vực euro đang tuyệt vọng rơi vào vòng xoáy trôn ốc dẫn đến một suy thoái sâu sắc hơn, đe dọa nhấn chìm các ngân hàng và đẩy chi phí vay tăng vọt.

Từ bong bóng bất động sản

Tất cả bắt đầu sau khi giá bất động sản ở Tây Ban Nha đột ngột giảm từ năm 2008, sau gần một thập niên bùng phát xây dựng. Đến cuối tháng 3/2012, vẫn còn khoảng 700.000 ngôi nhà không có người mua trên thị trường. Tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đang cao nhất châu Âu, kinh tế thu hẹp và hệ thống ngân hàng rối ren. Chính phủ trung hữu của thủ tướng Mariano Rajoy còn bồi thêm liều thuốc đắng là thắt chặt chi tiêu, kìm hãm tăng trưởng. Các công ty và ngân hàng Tây Ban Nha bị cắt trợ cấp nước ngoài. Vào ngày 30/5, lợi nhuận trái phiếu nhà nước kỳ hạn 10 năm tăng trên 6,6%, gần bằng mức mà khi đó Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải tìm sự cứu giúp. Sau khi chính phủ quốc hữu hóa sai lầm ngân hàng Bankia, những người gửi tiền ở Tây Ban Nha hốt hoảng và khả năng sụp đổ nhanh chóng hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra – nhất là nếu Hy Lạp buộc phải ra khỏi đồng euro. Ngay cả nếu tránh được thảm họa dó, khủng hoảng Tây Ban Nha chắc chắn sẽ đẩy nước này đến tình trạng vỡ nợ.

Nợ tư, dân khổ

Vấn đề ở Tây Ban Nha không phải do các chính khách ở đây thiếu quyết tâm cải cách. Trong những tháng gần đây, chính phủ bảo thủ mới của Mariano Rajoy đã đẩy mạnh một cuộc kiểm tra toàn diện thị trường lao động. Trong năm qua, Tây Ban Nha giảm dần trợ cấp và đưa mức nợ trần vào hiến pháp.

Vấn đề của Tây Ban Nha là chẩn đoán sai. Chính phủ Tây Ban Nha và các giới chức châu Âu xem thách thức chủ yếu là từ tài chính. Họ cho rằng thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha – năm rồi chiếm 8,9% GDP - phải giảm càng nhanh càng tốt để thúc đẩy lòng tin và giảm chi phí vay. Các chính khách Tây Ban Nha quá ngại thanh lý các ngân hàng, vì e rằng làm như thế phải bơm tiền vào quỹ công, dẫn đến tình hình tài chính công tệ hại hơn.

Tình trạng tài chính công nghèo nàn của Tây Ban Nha, không giống trường hợp Hy Lạp, là một triệu chứng hơn là nguyên nhân gây khó khăn kinh tế. Trước khủng hoảng, Tây Ban Nha vững vàng tăng trưởng trong khuôn khổ những nguyên tắc tài chính của EU. Ngay cả bây giờ, nợ nhà nước khoảng 70% GDP vẫn thấp hơn nợ công của Đức. Giống như ở Ireland, nguồn gốc vấn đề nợ của Tây Ban Nha là từ khu vực tư nhân, không phải chuyện công. Một làn sóng vay tiền của các hộ gia đình và công ty ở Tây Ban Nha thúc đẩy bong bóng nợ bất động sản và làm cho phần lớn tài sản trong nước nằm trong tay người nước ngoài. Sau khi điều chỉnh tất cả tài sản sở hữu ở nước ngoài, các công ty gia đình và chính phủ Tây Ban Nha nợ nước ngoài tổng cộng khoảng 1000 tỉ euro, tức hơn 90% GDP. Mức nợ này ngang tầm với những nước đang bị khủng hoảng là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, và còn cao nhiều hơn so với bất cứ nền kinh tế lớn giàu có nào khác. Các ngân hàng Tây Ban Nha là đường dẫn làn sóng vay của tư nhân và đang bị tổn thất nặng nề nhất bởi “cuộc chè chén say sưa” này.

Vẫn còn những tia hy vọng

May thay, lịch sử lâu dài của khủng hoảng ngân hàng để lại nhiều kinh nghiệm giải quyết. Thời gian giải quyết khủng hoảng nợ của Tây Ban Nha đang cạn dần, đòi hỏi một sự xem xét triệt để của Madrid, nhưng trên hết là ở Brussels và Berlin. Chính phủ Tây Ban Nha nên tự nguyên giảm bớt tập trung thắt chặt tài chính, mà chú ý nhiều hơn vào xử lý những khó khăn của hệ thống ngân hàng. Thay vì làm quá ít và quá trễ như từ trước tới nay, chính phủ Tây Ban Nha nên nhanh chóng thừa nhận qui mô suy thoái, thanh lý các ngân hàng, tốt hơn là bằng cách loại bỏ tài sản xấu, và đóng cửa, hay tái cấp vốn cho những gì còn lại. Các đối tác châu Âu cũng nên giúp đỡ bằng cách cho phép các quỹ cứu giúp bơm tiền trực tiếp vào ngân hàng. Tất cả biện pháp này chắc chắn tốn nhiều tiền bạc nhà nước: trung bình là 10% GDP trong những giai đoạn trước đây, cho dù ở một số nước còn cao hơn nhiều, nhất là Ireland. Ở những nước giàu, chính phủ thường vay tiền từ các thị trường. Ở những nền kinh tế mới nổi, lượng tiền mặt đó thường đến từ các quỹ cứu giúp của quốc tế.

Bản thân chính phủ Tây Ban Nha có thể trang trải các chi phí, bơm đến 100 tỉ euro, hay 10% GDP, vào hệ thống ngân hàng và và giữ nợ công dưới 100% GDP. Nhưng nếu vấn đề hóa ra là ở tầm mức của Ireland, thì Tây Ban Nha vẫn cần được giúp đỡ; dù sao đi nữa, thì bơm tiền từ các quỹ châu Âu vào các ngân hàng của Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy lòng tin một cách thuyết phục hơn. Nếu các nước khu vực euro cùng bơm tiền trực tiếp vào hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha, cuộc giải cứu sẽ gây hại ít hơn cho tài chính công của Tây Ban Nha và phá vỡ mối liên hệ đáng sợ giữa ngân hàng yếu kém và nợ công tăng.

Nỗi lo từ một EU “lỏng lẻo”

Tuần rồi, người Ireland đã bỏ phiếu chấp nhận những khó khăn để ở lại khu vực euro. Tháng rồi, cử tri Hy Lạp và Pháp phản đối biện pháp thắt chặt bằng cách loại bỏ những lãnh đạo chủ trương cắt giảm việc làm để giảm nợ. Tây Ban Nha và Italy có thể còn hết lòng tiết kiệm để chống đỡ khối euro, nhưng những nhà đầu tư đa nghị có thể phá hủy sự hy sinh này bằng cách đổ xô rút tiền ở ngân hàng.

Người châu Âu lảo đảo đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác trong 4 năm qua, trong khi suy thoái tàn phá nhiều nước trong 17 nền kinh tế châu Âu vốn có quá ít điểm chung, ngoài đồng tiền euro. Một nỗ lực do Đức dẫn đầu nhằm giữ trật tự khu vực tài chính đã phơi bày những khiếm khuyết trong quản lý đồng tiền chung và mâu thuẫn giữa các nước euro đối với mục tiêu đầy tham vọng là hội nhập kinh tế.

Đầu tuần này, Ủy ban châu Âu kêu gọi sáng tạo một “liên minh ngân hàng” cho phép các thể chế tài chính trong khu vực euro đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng quốc gia gặp khó, hơn là buộc các nước nặng nợ phải gánh thêm mức lãi suất khó mà chịu đựng. Nhưng Đức phản đối ý tưởng nhập tín dụng của mình với những nước sử dụng đồng euro khác và không đồng ý nới lỏng những hạn mức chi tiêu. Hạn chế chi tiêu công được người dân Bắc Âu quen tiết kiệm chấp nhận, nhưng lại gieo mầm phẫn nộ ở những nước đang bị hủy hoại bởi tỉ lệ thất nghiệp cao, ngân hàng bấp bênh và phúc lợi xã hội giảm.

Sự cách biệt quan điểm trong khu vực euro giữa lúc tai họa đang treo lơ lửng là lời cảnh báo cho các chuyên gia tài chính khắp thế giới. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Robert E.Rubin đề cập sự lãnh đạo chính trị yếu kém ở châu Âu và bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình Tây Ban Nha: “Khu vực euro đang trải qua đồng thời ba cuộc khủng hoảng – một khủng hoảng tài chính, một khủng hoảng ngân hàng và một khủng hoảng tăng trưởng. Nếu khối euro tiếp tục bất đồng, không chỉ sẽ có những hậu quả rất nghiêm trong cho khu vực euro, mà tôi tin rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng và thậm chí còn nặng nề cho cả nền kinh tế toàn cầu, kể cả Mỹ.”

Hôm thứ bảy, Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy kêu gọi khu vực euro cần tăng hội nhập tài chính, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là các nước thành viên có thể mất đi phần nào sự tự trị của mình.

Võ Phương (ECONOMIST, LE FIGARO, LOS ANGELES TIMES)

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Mỹ hối thúc châu Âu củng cố hệ thống ngân hàng (05/06/2012)

>   S&P cảnh báo ít nhất 30% khả năng Hy Lạp rời Eurozone (05/06/2012)

>   Eurobond chia rẽ châu Âu (05/06/2012)

>   Các ngân hàng trung ương lớn làm gì trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”? (04/06/2012)

>   Thêm tin xấu, Fed vẫn lưỡng lự hành động (04/06/2012)

>   Các nền kinh tế châu Á cần cẩn trọng trước "bão nợ" (04/06/2012)

>   Sống ở đâu mới là khốn khổ tận cùng thế giới? (04/06/2012)

>   George Soros: Châu Âu chỉ còn 3 tháng để giải quyết khủng hoảng (04/06/2012)

>   Châu Âu hoạch định kế hoạch lớn cứu Eurozone (04/06/2012)

>   Tây Ban Nha cam kết theo đuổi biện pháp khắc khổ (03/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật