Thêm tin xấu, Fed vẫn lưỡng lự hành động Sau khi những số liệu u ám về tình trạng thất nghiệp được đưa ra hôm thứ Sáu (1/6), cuộc tranh cãi kéo dài tại Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) về việc có nên hành động để kích thích nền kinh tế hay không chắc chắn sẽ càng trở nên gay gắt. Báo cáo về tình trạng việc làm tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đã tăng lên tới 8,2% trong tháng 5, trong khi tăng trưởng việc làm vẫn đang chậm lại. Không cần phải chờ đến khi có bản báo cáo đó, một vài quan chức Fed đã lên tiếng yêu cầu cơ quan này phải hành động. Trong khi đó, những người khác vẫn ở trạng thái lưỡng lự, cho dù phái này vẫn để ngỏ khả năng sẽ đưa ra biện pháp nếu tình trạng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn nữa. Những người thuộc phái chưa hành động tự hỏi: có thực sự là viễn cảnh nền kinh tế đang xấu đi hay không, hay chẳng qua con số việc làm hiện nay chỉ đơn thuần bị giảm mạnh so với thời kỳ sôi động hơn cả kỳ vọng hồi đầu năm? “Có thể những con số không khả quan này chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời về mặt số liệu”, Sandra Pianalto, Chủ tịch của Fed Cleveland nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với báo chí. Pianalto cho biết, bà vẫn đang cập nhật lại dự báo về nền kinh tế, nhưng bà không nghĩ là bản báo cáo hôm thứ Sáu sẽ dẫn tới “một sự thay đổi lớn” đối với viễn cảnh kinh tế và do đó, sẽ không thay đổi quan điểm của bà rằng, Fed nên giữ vững lập trường hiện tại. Bà Pianalto thuộc trường phái những quan chức để ngỏ khả năng hành động nếu tình hình kinh tế xấu đi, nhưng chưa phải là thời điểm hiện tại. Trước khi báo cáo về tình trạng việc làm được đưa ra, Chủ tịch Fed New York, William Dudley phát biểu đầu tuần rằng, ông không thấy có lý do nào để phải đưa ra những biện pháp kích thích. Dudley nói ông hoàn toàn “mở” với phương án đó, nhưng chỉ khi tăng trưởng kinh tế chậm lại tới mức không còn có thể ngồi yên được nữa. Cùng thời điểm, Chủ tịch Fed Boston, Eric Rosengren, lại cho rằng Fed cần hành động ngay. Ngay cả trong nhóm thuộc trường phái muốn hành động ngay, vẫn có những người muốn chờ đợi có thêm những số liệu cụ thể hơn để củng cố cho luận điểm của mình. Bởi lẽ, một khi đưa ra những hành động để kích thích nền kinh tế, đó sẽ luôn là những hành động gây tranh cãi. “Vẫn chưa rõ ràng là liệu đã đủ căn cứ để chúng ta đưa ra hành động hay chưa”, Donald Kohn, nguyên Phó chủ tịch của Fed nhận định. Bên cạnh đó, thêm một câu hỏi lớn cho Fed: họ nên đưa ra giải pháp gì? Công cụ chính của Fed để kích thích tăng trưởng kinh tế từ trước đến nay vẫn là lãi suất – Quỹ hạ lãi suất khi muốn kích thích hoạt động vay, chi tiêu và đầu tư. Nhưng đến thời điểm này, lãi suất ngắn hạn đã gần như bằng không, còn lãi suất dài hạn cũng đã giảm mạnh do các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi các loại tài sản bởi lo ngại khủng hoảng tài chính châu Âu và tăng trưởng thấp diễn ra trên toàn cầu. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm xuống 1,467%/năm hôm thứ Sáu, phá vỡ cả mức đáy 1,54%/năm xác lập từ năm 1946. Thực tế, những số liệu gần đây cho thấy, lạm phát và dự báo lạm phát đều đang giảm dần, nhờ đó, Fed sẽ có nhiều dư địa để hành động hơn. Trong khi đó, tình hình tài chính bất ổn và viễn cảnh kinh tế châu Âu ngày một tồi tệ vẫn khiến những quan chức Fed “nhấp nhổm” với việc có nên đưa ra hành động hỗ trợ hay không. Ở mức tối thiểu nhất, báo cáo về tình trạng việc làm chắc chắn sẽ khiến các quan chức Fed duy trì lãi suất ngắn hạn gần bằng 0 cho tới ít nhất là năm 2014. Pianalto cũng cho biết, bản báo cáo củng cố thêm cho quan điểm của bà về việc Fed sẽ duy trì các chính sách lãi suất thấp. Còn trong trường hợp các quan chức quyết định hành động, Fed cũng có một vài lựa chọn khác nhau. Một là cơ quan này có thể mở rộng gói cứu trợ “Operation Twist” – trong đó Fed mua vào các chứng khoán dài hạn và bán ra các chứng khoán ngắn hạn. Gói “Operation Twist” 400 tỷ USD hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 6. Cơ quan này cũng có thể sẽ đưa ra những chương trình mới để mua trái phiếu dài hạn bằng chính nguồn tiền của mình, chứ không chỉ đơn thuần bằng nguồn tiền bán chứng khoán ngắn hạn. Quang Minh đầu tư chứng khoán
|