Eurobond chia rẽ châu Âu Một điểm cộng cho tân tổng thống Pháp khi ông đã thuyết phục được các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đưa trở lại việc phát hành trái phiếu công châu Âu (Eurobond) ra tranh luận. Từ thắt chặt sang tăng trưởng Sau một thời gian dài bị phủ quyết mà chủ yếu bởi nước Đức, vấn đề công trái châu Âu đã được đặt lại trong bối cảnh chuyển hướng về chính sách kinh tế: từ thắt lưng buộc bụng sang ưu tiên vào tăng trưởng. Đồng lòng về mục tiêu, nhưng bất đồng về cách thực hiện, một nhóm các nước kinh tế mạnh ở phía Tây và Bắc Âu như Đức, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển thì phản đối, trong khi Pháp đứng đầu phe ủng hộ. Tái khởi động cuộc thảo luận về công trái châu Âu, lục địa già chia đôi với ngã ba đường của các ý tưởng. Nhắc lại thời điểm cách đây 2 năm, khi khối Euro bắt đầu bị "ngọn lửa nợ công" làm bỏng, bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó lan sang Ireland và Bồ Đào Nha. Giải pháp tức thời lúc đó là thông qua việc hình thành một cơ chế giúp các nước ổn định tình hình thâm hụt ngân sách thông qua thành lập một qũy bình ổn khẩn cấp, ngoài các khoản vay song phương đã được khẩn cấp cho Hy Lạp. Hai cơ chế chính là: Cơ chế ổn định tài chính châu Âu thuộc Quỹ cứu trợ EU với khoảng 60 tỷ euro dành riêng cho các nước thuộc EU và Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu chỉ dành riêng cho các nước thuộc khu vực tiền tệ Euro với số tài khoản lên đến 440 tỷ euro. Nếu tính chung với khoản hợp tác của IMF (cung cấp gần 250 tỷ euro) thì số tiền tổng cộng cho việc cứu trợ và cấp cứu các nước lên đến khoảng 750 tỷ euro. Từ góc nhìn kinh tế, sự ra đời của gói cứu trợ là cần thiết và hợp lý trong một thời điểm phải ổn định lại niềm tin của thị trường về khả năng thanh toán của các nước đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, đây chỉ là một ít nước đổ vào đám cháy lớn được ví von là một biện pháp "mua thời gian". Thứ nhất, mặc dầu có đủ lực về thanh khoản, nhưng cả hai quỹ chỉ đủ cứu Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ireland mà chưa đủ sức để gánh vác các quân bài domino tiếp theo như Tây Ban Nha hay Ý. Quan trọng hơn là số tiền trên phụ thuộc rất nhiều vào các nước cấp viện, vừa vào ưu tiên, vừa là tốc độ quyết định của các chính phủ giữ vai trò lãnh đạo. Quá trình giải cứu này chưa chắc sẽ diễn ra thuận lợi và kịp thời nếu chính phủ các nước không tạo được đồng thuận từ quốc nội. Những quyết định "giải cứu" gần đây từ chính phủ Đức hay Pháp chẳng hạn đã tốn rất nhiều thời gian tranh cãi để được thông qua. Hai khiếm khuyết này đã làm rõ về tính bất hợp lý trên bình diện cấu trúc của khu vực Euro khi cố gắng kết hợp nhiều nền kinh tế chênh lệch về lượng và khác nhau về chất thành một khối. Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách hay phá sản giữa các ngân hàng. Trên hết cần sự đánh giá về thất bại trong việc tạo ra cơ chế đồng bộ giữa các nhóm nước quá cách biệt về trình độ phát triển. Con đường nguy hiểm Cuộc tranh luận khởi đầu bằng việc hình thành một "liên minh chuyển đổi" theo hình thức lấy tiền của nước mạnh để san sẻ cho các quốc gia yếu hơn, và tiếp tục phát triển thành sáng kiến phát hành chung một trái phiếu công cho cả khu vực đồng tiền chung với hy vọng dựa trên sức mạnh của các đầu tàu kinh tế mạnh như Đức hay Pháp sẽ đóng vai trò "cái neo" bình ổn cho nền kinh tế chung toàn khu vực. Thông thường trái phiếu quốc gia được định giá dựa vào mức độ khả tính và sự ổn định của nền kinh tế. Các nước có sức khỏe nền kinh tế tốt sẽ trả lãi suất thấp, các nước gặp vấn đề về ngân sách, nợ công hay năng lực cạnh tranh kém hơn sẽ chịu một lãi suất cao hơn khi rao bán công phiếu ra thị trường thế giới. Nay với một công trái chung cho tất cả nền kinh tế 17 nước sẽ giúp trung hòa sự khác biệt về mức độ khả tính của từng quốc gia, và tạo ra một lãi suất thống nhất. Điều này thể hiện tinh thần liên đới giữa các nước mạnh và nước yếu hơn. Giải pháp Eurobond ngay lập tức bị một số ý kiến phản đối và cho đây là một con đường nguy hiểm không chỉ cho đồng euro mà còn cả hình dung về quá trình hội nhập. Dưới góc nhìn những nước giàu, có ngân sách chi tiêu ổn định, thành quả đạt được là một nỗ lực từ chính phủ đến mỗi người dân, không phải từ trên trời rơi xuống. Vì thế không thể viện một lý do từ "trách nhiệm bên ngoài" với ai đó đem trao đổi mồ hôi nước mắt của mình. Một tác giả từ Viện Nghiên cứu Chính trị và Khoa học Đức (SWP) đi xa hơn khi đưa ra lập luận rằng, sự hình thành của một "liên minh chuyển đổi" hay Eurobond không những không khuyến khích động lực kinh tế toàn khối, mà ngược lại sẽ làm tăng tâm lý ỷ lại từ các nước không có một chính sách tài khóa nghiêm minh, khi biết rằng đã có người chống lưng nếu nước mình gặp khó khăn về ngân sách. Nghiêm trọng hơn, yếu tố này sẽ thúc đẩy xu hướng "ỷ thế làm liều" thay vì chấp hành kỷ luật ngân sách nghiêm chỉnh, các nước có thể viện vào "cái neo" chung của trái phiếu công để tiếp tục chi tiêu vô tội vạ phục vụ cho mục đích lợi ích riêng của quốc gia mình. Thật ra, EU từ lâu cũng có những chương trình hỗ trợ các khu vực kinh tế yếu và cạnh tranh kém hơn, nhưng đây là những chương trình tài chính đầu tư vào cơ sở vật chất, đường sá, giáo dục..., những yếu đó đóng góp vào phát triển "nội lực", chứ không phải đổ tiền vào để thu hồi nợ xấu của mỗi quốc gia. Vì thế, xây dựng một liên minh chuyển đổi nợ công hay trái phiếu chung - dẫn lời ý kiến các nhóm chỉ trích - chỉ là một khoản đầu tư sai lệch, vừa gây tốn tiền, vừa không giải quyết được vấn đề khủng hoảng nợ công hiện nay và cũng không góp phần vào việc cân bằng mức độ phát triển đồng đều. Xét cho cùng, cuộc khủng hoảng nợ công EU được nhiều người đánh giá như cuộc sát hạch về quyền lợi và trách nhiệm giữa các thành viên trong khối. Khi Eurobond bị "phủ quyết" lần đầu, "trách nhiệm" đã ở thế thượng phong, lồng vào đó là sự cân bằng "nghĩa vụ" từ ý thức giữ vững liên kết khối Euro của các nước đầu tàu thông qua sự ra đời các quỹ cứu trợ. Trong một khung cảnh mới, với chiêu bài phát triển kinh tế là tâm điểm, "quyền lợi", mà đặc biệt là quyền lợi từ các nước có vấn đề về ngân sách, lại được ưu tiên xem xét. Tuy vậy, đằng sau việc các lãnh đạo EU cam kết sẽ quyết tâm "giữ chân" Hy Lạp và tranh luận Eurobond tái khởi động tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu không chính thức tuần qua, câu hỏi "trách nhiệm" dường như lại đang khuyết mất vế trả lời. Trương Minh (CHLB Đức) diễn đàn kinh tế việt nam
|