Thứ Hai, 25/06/2012 10:19

"Bán hết cho tôi với giá sàn!"

Một lần nữa, chứng khoán lại rơi vào cái tình cảnh mà nếu không có gì thay đổi về “chính sách”, chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở nên cùng cực. Trong đánh bạc, lẽ đời rất thường - không được thì phải mất.

Trong một thị trường chứng khoán nhộn nhạo với đủ sắc thái bi hài theo hai chiều cực đoan lên xuống, thơ văn cũng là một cách phản ánh tâm trạng của các nhà đầu tư:

Môi giới nhìn tôi môi giới cười

Tôi nhìn môi giới nước mắt rơi

Bao tiền tôi nướng vào chứng hết

Thôi thế là xong một kiếp đời

 

Môi giới nhìn tôi môi giới bàn

Theo em anh nên bán con PAN

Tay cầm tờ lệnh run tôi nói

Bán hết cho anh với giá sàn

 

Khi tiễn tôi về môi giới khuyên

Anh nên an nghỉ, gạt ưu phiền

Chưa đến ngũ tuần đầu bạc trắng

Trông anh chẳng khác một thằng điên

Bài thơ trên - vô đề - dĩ nhiên được cảm tác tại một sàn giao dịch chứng khoán, trong bối cảnh bảng điện tử nhợt nhạt màu đỏ và đầu óc nhà đầu tư bị chiếm ngự bởi những cảm xúc đắng chát.

“Giai đoạn thơ văn” của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được khai sinh chính thức vào nửa cuối năm 2011, khi mặt bằng giá cổ phiếu lao về cửa tử. Không ít nhà đầu tư đã chợt biến thành nhà thơ chỉ trong một khoảnh khắc. “Con PAN” trong bài thơ trên chỉ là một minh họa nhỏ nhoi, lồng trong cả một thế giới ngồn ngộn cổ phiếu nhỏ bị đập giá xuống còn 1/4 đến 1/5 so với vùng giá đỉnh của chúng.

Không chỉ hóa thân thành nhà thơ, nhà đầu tư chứng khoán còn phát tác ra những vấn đề triết học từ tình hình thị trường. Chỉ có điều, bất chấp bao nhiêu triết lý đã được cảm thán, bài học lớn nhất của thị trường chứng khoán vẫn là việc người ta không bao giờ rút ra được một bài học nào cho chính mình.

Nếu vào năm ngoái, thơ văn nhạc đã minh họa sống động cho một thị trường lao dốc, thì nay cũng gần như thế. Các sàn giao dịch dần trở nên vắng vẻ, nhân viên giao dịch dần trở về trạng thái ngáp ruồi, thanh khoản teo tóp dần cùng với mức lỗ của các công ty chứng khoán lại dần dâng lên… Đó cũng là giai đoạn mà một số chuyên gia chứng khoán coi là “tích lũy” trong hơn một tháng qua.

Thị trường nào cũng phải trả giá cho hành vi manh động, trong đó tất nhiên bao gồm cả hành vi của khối nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một triết gia thực thụ của chứng khoán - Sir John Templeton - đã trở thành người tiên phong cho thị trường chứng khoán Việt Nam với vế đầu tiên “Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự hoài nghi”.

Hãy nhớ lại, đó là vào thời gian cuối hăm ngoái cho đến đầu năm nay, khi hương xuân đã thấm đẫm cái hơi ấm se sắt của nó vào tâm não những nhà đầu tư thất bát và hoảng loạn. Nhưng cũng chính vào lúc đó, thị trường bất chợt đi lên.

Thị trường vẫn dè dặt phục hồi trong bao mối nghi ngờ. Cuối quý I/2012, có ai ngờ là Hoàng Anh Gia Lai lại tích góp đủ tiền để trả hơn 150 tỷ đồng thuế thiếu cho Chi cục Thuế Gia Lai. Thậm chí vài ba công ty chứng khoán còn chuyển từ lỗ sang lãi.

Đến đầu tháng 3/2012, như “lời sấm” của John Templeton, thị trường đã phát triển nhờ vào tinh thần lạc quan của phần lớn nhà đầu tư, mà tính bầy đàn là một thành tố không thể thiếu.

Vào lúc đó, ngay cả một chuyên gia bi quan nhất như Quách Mạnh Hào cũng bắt đầu nói đến khả năng thị trường phục hồi trong trung hạn, thay cho nhận định trước đó cũng của ông về triển vọng sớm nhất đến tháng 6/2012 thị trường này mới thôi lao dốc.

Dòng tiền cũng vì thế mà được cải thiện hẳn bởi lực cung ngồn ngộn từ các công ty chứng khoán, còn công ty chứng khoán lại được khối ngân hàng tiếp tay mở hầu bao. Thanh khoản trên hai sàn HOSE và HNX cũng vì thế tăng vọt, từ mức “chết đuối” 500-600 tỷ đồng lên trên 2.000 tỷ đồng, có lúc lập kỷ lục đến gần 3.000 tỷ đồng. Biết bao cổ phiếu và bao nhiêu tâm trạng bĩ cực đã được giải phóng. Nhưng thủ tục xả hàng cuối cùng đã chỉ còn mang tính thủ tục mà thôi.

Còn vào thời khắc cuối cùng của sóng tăng, “lời sấm” của John Templeton là gì? “Thị trường sẽ chết trong sự thỏa mãn!”. Quả là như vậy, luôn có nghịch lý tương đối giữa tỷ lệ 1% với 99% còn lại - hệt như điều mà chúng ta bắt buộc phải ghi vào tiềm thức từ chiến dịch “Chiếm Phố Wall” ở nước Mỹ xa xôi.

Không thể nói các thế lực tài phiệt chứng khoán ở Việt Nam chiếm số đông. Nhưng cảnh ngộ mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang một lần nữa mắc nghẹn lại không hề hiếm.

Thị trường đang dằn nỗi khắc nghiệt của nó vào não bộ và con tim của những nhà đầu tư lạc quan nhất. Bốn lần hạ trần lãi suất huy động, kể từ tháng 3/2012, bao gồm cả cú “đánh xuống” đến 2% vào đầu tháng 6/2012 của Ngân hàng Nhà nước, đã chỉ mang lại kết quả là hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể thỏa mãn với kết quả của thị trường. Hơn thế nữa, họ còn phải đối mặt với cái chết không lợi nhuận, thậm chí là một cái chết ngập nợ nần trong tương lai không xa nữa.

Một lần nữa, thị trường chứng khoán rơi vào thế khó khăn đến khó hiểu, và đến một lúc nào đó có thể coi là cùng cực. Bài thơ ngẫu hứng như một minh họa nho nhỏ ở phần đầu bài viết này phải chăng là điềm báo cho câu chuyện nhân quả về hiện tại cùng tương lai ngắn hạn không đổi thay về tính cờ bạc ấy?

Rất có thể là như thế. Trong đánh bạc, lẽ đời rất thường - không được thì phải mất.

Việt Thắng

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Khả năng cuối tháng 7 sẽ bỏ trần lãi suất (25/06/2012)

>   “Ăn theo” cổ phiếu M&A: Khẩu vị mới và cạm bẫy (25/06/2012)

>   TTCK: “Đứt gãy” niềm tin (25/06/2012)

>   25/06: Bản tin đầu tuần (25/06/2012)

>   Những “cú ngã” khó đỡ trên sàn chứng khoán (23/06/2012)

>   Tự do trong đầu tư chứng khoán! (23/06/2012)

>   Những ngày hè oi bức! (23/06/2012)

>   Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần (24/06/2012)

>   Chứng khoán: Thời kéo ngang nguy hiểm! (23/06/2012)

>   Thế nào là một Chuyên viên Quan hệ Nhà đầu tư chuyên nghiệp (Pro-IRO)? (11/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật