Thứ Hai, 25/06/2012 08:39

“Ăn theo” cổ phiếu M&A: Khẩu vị mới và cạm bẫy

Với các thương vụ M&A đã được công khai, các NĐT nhỏ hăm hở bước vào cuộc chơi này rất có khả năng trở thành người đổ vỏ sau cùng.

Với động thái công khai quan điểm của Chủ tịch HĐQT về việc sẵn sàng hợp tác với các cổ đông lớn thu gom cổ phần, hiện tại cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta lọt vào tầm ngắm của không ít giới đầu tư ưa thích ăn theo các cổ phiếu M&A. Gần đây, xu hướng này đã chứng minh tính hiệu quả qua một loạt thương vụ như EIB - STB, SHB - HBB, thậm chí với cả các thương vụ M&A “dởm”. Nhưng liệu có cạm bẫy?

Khẩu vị mới

Các số liệu thống kê chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm 2012, việc đầu tư theo các cổ phiếu M&A cho lợi nhuận khá ấn tượng. Chẳng hạn, cổ phiếu STB của Sacombank tăng giá gần gấp đôi do gắn với cuộc thâu tóm đình đám. Tương tự, khi các thông tin mập mờ, đồn thổi về “cuộc hôn nhân” giữa Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Habubank (HBB) lan trên các sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HBB cũng có mức tăng phi mã. Cần lưu ý rằng, nhóm “cổ phiếu vua” như STB, HBB vốn có thanh khoản cực tốt, một nhóm NĐT có tiềm lực tài chính cũng khó bề tự tung tự tác nâng lên đặt xuống nhiều phiên, nếu không thuận theo tâm lý đám đông.

Thực tế cho thấy, “chất lượng” tin đồn ở TTCK Việt Nam không hề kém. Trước khi nhóm NĐT săn đuổi Sacombank lộ diện, chân dung của họ đã được xì xào bàn tán cả năm trời trên khắp các sàn chứng khoán. Thậm chí, vượt trên phạm vi tin đồn, khi thông tin báo chí đề cập đến việc hợp nhất HBB vào SHB, lãnh đạo HBB vẫn phủ nhận và né tránh vấn đề bằng câu chữ lắt léo. Thực tế, vụ Sacombank hay Habubank ra sao? Không ít tin đồn tỏ ra càng lúc càng đúng ở TTCK Việt Nam một cách kỳ lạ như được may đo trước hay tạo ra từ khuôn đúc!

Sau các vụ thâu tóm đình đám trong một năm trở lại đây, hoạt động M&A DN trở thành tiêu điểm nóng. Theo ghi nhận của ĐTCK, liên quan đến Tập đoàn Masan (MSN) ít nhất đã có vài tin đồn. Nếu như thông tin MSN thâu tóm CTCP Nhựa Tân Tiến (TTP) xuất hiện từ giữa năm ngoái và gần đây lại được hâm nóng, thì trong quý I/2012 lại xuất hiện thêm tin đồn MSN muốn đặt chân vào Dầu thực vật Tường An (TAC). Tương tự, sau tin “vịt” Vinamilk muốn thâu tóm Hanoimilk xuất hiện cách đây vài năm, cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, ông vua tiền mặt này lại được xì xào về việc muốn thâu tóm CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK)!

Bất chấp các phủ nhận chính thức, các cổ phiếu được đồn thổi liên quan đến hoạt động bị thâu tóm vẫn được thị trường ưa thích. Khẩu vị mới của giới đầu tư hình thành từ thực tế cổ phiếu gắn với M&A hứa hẹn cho lợi nhuận “nóng”. Đơn cử, lúc cao nhất, cổ phiếu TAC đã tăng gấp 3 kể từ đáy. Cổ phiếu VPK cũng tăng giá mạnh khi thông tin Vinamilk thâu tóm được lan truyền. Trước đó, khi MSN công bố kế hoạch chào mua công khai 50,11% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa (VCF), cổ phiếu VCF cũng được đầu cơ khá mạnh và hiện chưa làm giới đầu tư thất vọng.

Ba sai lầm

Tin đồn luôn có sức sống mãnh liệt, đặc biệt khi được khuếch đại qua trí tưởng tượng của các NĐT về các khoản lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, từ tin “vịt” và các thương vụ M&A thất bại thời gian qua, có thể liệt kê một số cạm bẫy mà giới đầu tư ăn theo bị sa lầy.

Thứ nhất, một ý tưởng hình thành về một thương vụ M&A không có nghĩa là bất biến. Đơn cử như tin đồn MSN muốn thâu tóm TAC. Về mặt logic, nhìn vào chiến lược phát triển của CTCP Hàng tiêu dùng Masan - trực thuộc MSN, khả năng này không thể phủ nhận, nhất là công ty con của MSN cũng đã từng thử nghiệm dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, trên góc độ người mua, sức hấp dẫn của TAC ở mức giá 2 chấm khác hoàn toàn 6 chấm. Chắc chắn, với các “game lớn” như M&A, bên thâu tóm sẽ không mua bằng mọi giá.

Cần nhắc lại, thương vụ M&A thất bại do giá cổ phiếu tăng quá nhanh đã có tiền lệ. Chẳng hạn, vào năm 2006, Nhựa Đà Nẵng dự định sáp nhập vào Nhựa Bình Minh, nhưng dự định bất thành khi giới đầu cơ bơm thổi giá cổ phiếu công ty bị sáp nhập lên quá cao. Cũng nên biết rằng, phạm vi các tin đồn về MSN - TAC, MSN - TTP đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong một cuộc tiếp xúc với các NĐT nước ngoài tại Singapore cách đây không lâu, lãnh đạo cao cấp của MSN đã chính thức lên tiếng phủ nhận các tin đồn này.

Thứ hai, với những ông lớn có đường hướng phát triển, bám sát hoạt động kinh doanh “lõi” như Vinamilk hay Masan, họ không mua các công ty không phù hợp, ngay cả khi đó là tài sản giá “rẻ”. Chiến lược mua lại Vinamilk thời gian qua chỉ tập trung xoay quanh mảng sữa. Chính vì thế, rất khó tin Vinamilk tìm được động cơ muốn phá vỡ quan hệ nhà cung cấp, bạn hàng hiện nay với VPK bằng việc mua lại đối tác. Một thông tin ĐTCK muốn chia sẻ là khi tin đồn về VPK còn đang được phát tán chóng mặt, giới đầu tư ăn theo say sưa đua lệnh, thì chính Vinamilk đã liên hệ với một số đối tác tìm cách thoái vốn tại VPK. Kết quả là Vinamilk đã bán được 14% cổ phần của VPK trong một phiên, điều Công ty muốn mà chưa thực hiện được trong 2 năm qua.

Cuối cùng, diễn biến thực tế trên TTCK Việt Nam thời gian qua cho thấy, thành ngữ “mua khi có tin đồn, bán khi có tin xác thực” vẫn hoàn toàn đúng. Các cổ phiếu vua gắn với việc thâu tóm, sáp nhập như STB, HBB đều giảm giá khi phần hấp dẫn nhất của câu chuyện đã được phơi bày. Thực tế này ngụ ý, với các thương vụ M&A đã được công khai, các NĐT nhỏ hăm hở bước vào cuộc chơi này rất có khả năng họ là những người đổ vỏ sau cùng khi dòng tiền đầu cơ chuẩn bị rút đi.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK: “Đứt gãy” niềm tin (25/06/2012)

>   25/06: Bản tin đầu tuần (25/06/2012)

>   Những “cú ngã” khó đỡ trên sàn chứng khoán (23/06/2012)

>   Tự do trong đầu tư chứng khoán! (23/06/2012)

>   Những ngày hè oi bức! (23/06/2012)

>   Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần (24/06/2012)

>   Chứng khoán: Thời kéo ngang nguy hiểm! (23/06/2012)

>   Thế nào là một Chuyên viên Quan hệ Nhà đầu tư chuyên nghiệp (Pro-IRO)? (11/07/2012)

>   Chứng khoán hết thời sóng “chém gió” (22/06/2012)

>   Quỹ đầu tư đang thắng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam (22/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật