Chủ Nhật, 24/06/2012 13:30

Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần

Sau một tháng 5 sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán chứng kiến một tháng 6 khá ảm đạm với thanh khoản yếu và chỉ số lình xình dù có hai tin rất ấn tượng là mặt bằng lãi suất huy động giảm 2% và Thống đốc thông báo đã đưa ra lưu thông lượng tiền “khủng”.

Nhà đầu tư trở nên miễn cảm với cả hai tin tốt vì trước đó những nhà đầu tư mẫn cảm đã thua thiệt khi thị trường chỉ “tăng có một phiên”.

Điều được mong đợi ở những tin tốt trên là hiệu ứng của nó đến tình hình sản xuất kinh doanh và hiệu quả tài chính doanh nghiệp. Vẫn còn đó những hoài nghi cho rằng lãi suất cho vay mới là yếu tố quyết định đối với sản xuất kinh doanh, điều mà hệ thống ngân hàng cho biết còn chờ độ trễ thời gian. Hay những  băn khoăn khi một lượng tiền đồng đến gần hai trăm ngàn tỷ được Ngân hàng Nhà Nước đưa ra lưu thông để mua vào 9 tỷ USD sao vẫn chưa chuyển biến được tình hình tiêu thụ hàng hóa trong xã hội. Suy nghĩ sâu hơn, có lẽ nhà đầu tư nhận ra rằng việc đưa ra lưu thông tiền đồng để mua vào USD không giúp tăng tổng cầu của xã hội vì chỉ là hoán đổi dạng tiền tệ mà thôi. Một người có 100,000 USD hay hai tỷ đồng đều có lực cầu hàng hóa như nhau.

Nhà đầu tư đang do dự trước hai xu hướng lạc quan và bi quan khiến sự chờ đợi kéo dài trong nhẫn nại. Họ mong đợi một bức tranh rõ nét hơn về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết để có hướng đầu tư. Xu hướng lạc quan đến từ những chính sách “bớt thắt chặt tiền tệ và tài khóa” như hạ mặt bằng lãi suất, cung thêm tiền vào lưu thông, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công còn đọng lai, miễn giảm thuế. Xu hướng bi quan đến từ sự hoài nghi rằng những chính sách trên đến quá chậm, không đủ lượng và khó tiếp cận đối với nhiều doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần, đình đốn.

Và tháng 7, khi kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm được công bố, bức tranh trên TTCK được rõ dần.

Đối với cổ phiếu ngân hàng, nhìn chung các ngân hàng vẫn lãi lớn vì được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất huy động giảm nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao vì còn chờ “độ trễ của thời gian”. Tuy nhiên, lập luận này có vẻ không ổn vì vốn huy động lãi suất cũ đã được cho vay từ trước với lãi suất tương ứng, khoản hiện cho vay đương nhiên là từ huy đông hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư thận trọng vẫn hoài nghi về những kết quả này trước tình hình nợ xấu đang tăng cao, hiện tượng “nói sao cũng được” về hiệu quả kinh doanh ngân hàng, điển hình là trường hợp của HBB:  nói lãi 200 tỷ cũng được, nói lỗ 4,000 tỷ cũng không sai.

Trước mắt, nhà đầu tư đã biết có gần chục ngân hàng khó khăn phải tái cơ cầu lần này. Nhưng về lâu dài, khi nợ xấu ngày càng tăng và càng phải công khai, có lẽ chúng ta sẽ phải chứng kiến tiếp những gì mà mình chưa biết. Tháng Bảy này, bức tranh sáp nhập SHBHBB sẽ dành cho nhà đầu tư sự thú vị trước mô hình mang vốn điều lệ của HBB tặng cho SHB, điều chưa có tiền lệ trên TTCK Việt Nam. Một mô hình cổ phần SHB được nhận thêm 21% nhưng không thay đổi giá tham chiếu sẽ ảnh hưởng sai lên phương pháp tính chỉ số chứng khoán và tạo khoảng cách lợi điểm giữa ngày trước và ngày giao dịch không hưởng quyền. Cách giải quyết này (tặng vốn điều lệ) sẽ được vận dụng khi mua một công ty có vốn điều lệ lớn nhưng không còn vốn chủ sở hữu (dạng phá sản) để sau một ngày, tài sản ròng của nhà đầu tư tăng gấp bội.

Một điều cũng mới mẻ trên TTCK là STB đã dần thay đổi bộ máy quản trị và điều hành, có thể ví như dần được “SouthernBank hóa”. Nhà đầu tư lo xa có thể băn khoăn về tài sản vô hình của STB với truyền thống ít có nợ xấu do bài học từ cuộc khủng hoảng nợ xấu ngân hàng những năm cuối l980, đầu l990.

Cổ phiếu chứng khoán có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Bức tranh quý 2/2012 không thể khởi sắc bởi thị trường đi xuống, tự doanh không hiệu quả, môi giới cũng chỉ đáp ứng chi phí thường xuyên.

Bức tranh toàn cục sẽ thể hiện một lượng đáng kể những công ty chứng khoán có lỗ lũy kế quá lớn, là hậu quả của việc vay vốn để tự doanh, nay không có khả năng gỡ lại trong thời gian dài; là những doanh nghiệp hoạt động lay lắt, không mang lại cổ tức cho nhà đầu tư, điển hình nhất là SBS, lỗ đến hàng ngàn tỷ đồng.

Ở cổ phiếu khoáng sản, ba đơn vị hiệu quả nổi bật (HGM, BMC, KSB) vẫn có kết quả tốt nhờ lợi thế của mình, tuy nhiên, có thể sẽ thấp hơn trước đó do giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới giảm.

Những đơn vị còn lại duy trì kết quả thấp như quý 1/2012 vì không xuất khẩu được quặng thô.

Cổ phiếu bất động sản, cả những đơn vị bất động sản trong ngành dầu khí, là niềm kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, được đánh lên khi có tin tốt, sẽ có kết quả ảm đạm vì thị trường bất động sản vẫn đóng băng.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ có doanh thu rất thấp và thường không lỗ vì chi phí lãi vay ngân hàng vẫn tiếp tục ẩn trong sản phẩm dở dang. Sự tích lũy này đã rất lớn và đẩy đơn vị vào thế không tiêu thụ được hàng do giá thành quá cao, bán ra theo giá thị trường sẽ lỗ lớn.

Những chính sách hỗ trợ mới đây (cho vay lãi suất thấp hơn, nợ tiến sử dụng đất …) chỉ giúp những doanh nghiệp không ngập trong nợ ngân hàng có điều kiện xây dựng mới bất động sản phù hợp nhu cầu thị trường với giá hạ hơn, và vô hình chung, đẩy những doanh nghiệp khó khăn vào chỗ khó khăn hơn trong cạnh tranh.

Khá nhiều ngành có bức tranh quý 2 kém khả quan hơn trước như ngành khai thác mủ cao su (do giá cao su giảm), ngành sản xuất đường (giá giảm), khai quặng than (giá giảm và tồn kho lớn), thủy sản (cả cá tra và tôm gặp khó khăn) … Đặc biệt, tình hình trở nên sâu sắc, thậm chí khó khăn trong việc duy trì hoạt động đối với những đơn vị nợ ngân hàng lớn nhưng còn ở lại trên sàn. Nếu là  đơn vị phi bất động sản, số lỗ tại những đơn vị này sẽ thể hiện trên báo cáo với mức tăng đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngành, đơn vị đứng ngoài những khó khăn do lực cầu xã hội yếu như dược phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ và khai thác dầu khí, bảo hiểm, những đơn vị không nợ ngân hàng … Những đơn vị này sẽ có kết quả quý 2 ổn định như trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất dựa vào nguyên liệu là hàng hóa cơ bản, được hưởng lợi từ giá nguyên liệu giảm như ngành săm lốp ô tô, dây cu-roa (cao su nguyên liệu giảm), ngành nhựa, ngành sản xuất gia dụng sử dụng kim loại màu làm nguyên liệu …có lẽ cũng có kết quả quý 2 tăng trưởng. Kết quả ở các nhà máy phát điện cũng có thể khả quan vì thủy điện có mưa nhiều, nhiệt điện không phải chạy máy bằng dầu vì không thiếu điện. Có một ít đơn vị có thể có kết quả khả quan do hưởng lợi từ thời tiết khá nóng của quý 2 như doanh nghiệp sản xuất điều hòa nhiệt độ, quạt, khu vui chơi, giải trí, sản xuất nước giải khát …

Tổng thể, bức tranh về hiệu quả sản xuất kinh doanh tại những công ty niêm yết vẫn mang sắc màu ảm đạm. Bức tranh này sẽ giúp Chính Phủ có nhũng chủ trương mạnh và nhanh hơn trong việc khắc phục tình trạng đình đốn, đưa nền kinh tế vào chu kỳ phát triển mới.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Chứng khoán: Thời kéo ngang nguy hiểm! (23/06/2012)

>   Thế nào là một Chuyên viên Quan hệ Nhà đầu tư chuyên nghiệp (Pro-IRO)? (11/07/2012)

>   Chứng khoán hết thời sóng “chém gió” (22/06/2012)

>   Quỹ đầu tư đang thắng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam (22/06/2012)

>   22/06: Bản tin 20 giờ qua (22/06/2012)

>   SHN bị phạt 170 triệu do vi phạm CBTT và quản trị công ty (21/06/2012)

>   Giảm thuế để thu hút quỹ (21/06/2012)

>   21/06: Bản tin 20 giờ qua (21/06/2012)

>   Khi người viết tài chính lộng ngôn! (20/06/2012)

>   Đua giảm lãi suất ký quỹ, "tiền mới” vẫn đứng ngoài (20/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật