Đua giảm lãi suất ký quỹ, "tiền mới” vẫn đứng ngoài
Từ đầu tháng Sáu trở lại đây, nhiều ngân hàng đã rục rịch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, trong đó đặt ưu tiên cho nhóm các khách hàng cá nhân. Cùng chung xu hướng đó, không ít công ty chứng khoán cũng lần lượt ra thông báo giảm lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán chứng khoán cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, lãi suất margin của một số công ty đang được giảm xuống quanh mức 18% - 20%/năm, đây là mức lãi suất khá hấp dẫn so với mức lãi suất phổ biến 22% hồi đầu năm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BSI), thông báo lãi suất cho vay 19%/năm, thực hiện từ 01/06 đến 30/06. Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) quyết định giảm lãi suất dịch vụ ký quỹ xuống mức thấp nhất thị trường, chỉ còn 0.05% /ngày (tương đương 18%/năm) kể từ ngày 15/06.
Ngoài ra, các Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) cũng đang áp dụng lãi suất mức lãi suất 0,055%/ngày (19,8%/năm).
Việc làm này của các công ty chứng khoán ngoài việc gia tăng tính cạnh tranh thông qua hỗ trợ tài chính và thể hiện sự chia sẻ những khó khăn với khách hàng, còn là hoạt động kích hoạt thanh khoản của thị trường gia tăng trở lại.
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động giao dịch tại thị trường niêm yết đã giảm sút mạnh mẽ kể từ một tháng trở lại đây, tổng giá trị khớp lệnh trên hai sàn chỉ đạt trên, dưới 1.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trước đó dòng tiền này thường duy trì ở quanh mức 2.000 tỷ đồng/phiên.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô dần có dấu hiệu ổn định, lãi suất huy động tiền gửi đã giảm về mức 9%. Nhiều thành viên trên thị trường chứng khoán cũng bắt đầu đặt niềm tin vào khả năng lãi suất sẽ tiếp tục giảm về cuối năm và như vậy kênh tiết kiệm sẽ không còn là nơi trú ẩn “hấp dẫn” của đồng tiền như trước.
Thêm vào đó, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ… vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và thị trường bất động sản không dễ gì mà “tỉnh giấc” ngay được, do vậy kênh đầu tư chứng khoán được kỳ vọng sẽ đón nhận được sự quan tâm của những dòng tiền nhàn rỗi.
“Kỳ vọng và chờ đợi trong thận trọng” vẫn đang là tâm lý phổ biến trên thị trường. Theo ông Nguyễn Tuấn, một nhà đầu tư bám sàn kỳ cựu, với diễn biến thị trường khá ảm đạm, áp lực tháo chạy luôn thường trực, thì các nhà đầu tư như ông chưa thể mạo hiểm, hoạt động giao dịch chỉ mang tính cầm chừng và chủ yếu là sử dụng từ vốn tự có.
Một vị trưởng phòng kinh doanh tại một công ty chứng khoán cho biết, mặc dù vẫn có một nguồn vốn tương đối lớn đang gửi ngân hàng, song cả phía công ty lẫn nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong việc cho vay giao dịch ký quỹ. Cả hai bên đều ý thức được những khó khăn và tỷ suất lợi nhuận đạt được không cao cũng như không thể lường trước những nguy hiểm từ hoạt động ký quỹ có thể gây ra trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn điêu đứng như hiện nay.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing, Công ty Chứng khoán IRS cho biết, tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn khá thất vọng do thói quen chờ đợi, kỳ vọng về những thời kỳ “hừng hực” của thị trường chứng khoán, bất động sản như trước đây.
“Tôi được biết, có một vài nhà đầu tư đã kịp điều chỉnh phương pháp đầu tư, chớp cơ hội và tất toán nhanh chóng trong một tỷ lệ lợi nhuận phù hợp. Tuy nhiên đây chỉ là số ít, còn lại hiện có khá nhiều nhà đầu tư do ‘ngủ quên trong chiến thắng’ đã thua lỗ hết những tài sản kiếm được hồi đầu năm, trong hơn một tháng qua. Giờ đây không còn là lúc mơ về ‘một thời kỳ bong bóng’ với những mức lợi nhuận gấp đôi, ba lần nữa,” ông Hoàng nói.
Cùng quan điểm dòng tiền “mới” chưa thể về thị trường, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán MB (MBS) lý giải, mặc dù thị trường đã điều chỉnh trong những tháng qua, song mặt bằng giá vẫn ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm đáy ở cuối năm ngoái. Vì vậy muốn thị trường bứt phá, kinh tế vĩ mô cần phải thực sự chuyển biến tích cực hơn thông qua kết quả kinh doanh cụ thể của khối doanh nghiệp./.
Linh Chi
Vietnam+
|