Kỳ vọng gì ở khối ngoại? Kéo dài liên tiếp trong 7 phiên vừa qua, bình quân mỗi phiên khối ngoại bán 3 triệu CP, điều đó cho thấy áp lực bán từ phía NĐT nước ngoài trên sàn tương đối lớn trong thời gian vừa qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc này là tác nhân quan trọng tác động đến thị trường trong bối cảnh thị trường sụt giảm thanh khoản như hiện tại. “Xả” hơn 900 tỉ đồng Trong 5 phiên bán ròng tuần qua, khối ngoại bán mạnh nhất vào ngày cuối tuần với giá trị hơn 161 tỉ đồng. Trong cả tuần họ bán ròng hơn 491 tỉ đồng; nếu tính từ đầu tháng 6 là hơn 900 tỉ đồng. Trước đó, trong nửa đầu tháng 5, khối ngoại cũng đã có động thái bán ròng 5 - 7 phiên liên tiếp tạo áp lực giảm trên thị trường và nay điều đó lại xảy ra. Nếu thời gian trước KLGD trên sàn HSX đạt 70-80 triệu CP/phiên, việc bán ròng của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều đến thị trường; nhưng nay thanh khoản sụt giảm, chỉ cần khối ngoại bán ròng 3 - 4 phiên đã tạo áp lực đáng kể, đặc biệt lại tập trung vào 10 - 15 bluechips trên sàn tạo tâm lý tiêu cực trên toàn thị trường. Chúng ta đã biết động thái một số quỹ ETF loại bỏ hàng loạt CP ra khỏi danh mục chủ yếu xuất phát từ động thái cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF. Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy áp lực rút vốn ngắn hạn trên TTCK Việt Nam của khối ngoại là có và việc bán ròng của ETF tác động đáng kể đến tâm lý không chỉ đối với các NĐT trong nước mà cả khối ngoại ngoài ETF, khiến sự thận trọng đã tăng cao trong các phiên gần đây. Trong hai tuần qua, các quỹ ETF thực hiện cơ cấu danh mục CP và bán rất mạnh STB và REE, trong khi chỉ mua vào hơn 100 tỉ PVX và VCG trên sàn HNX. Tuy nhiên, đối với cả hai loại CP này trong 3 phiên vừa qua mặc dù khối ngoại mua ròng nhưng áp lực bán rất lớn, KLGD tăng lên do lực bán tăng chứ không hẳn do tiền vào nhiều. Chính từ lý do đó, mặc dù hàng loạt tin tốt được công bố, song TTCK chưa thể bứt phá do lo ngại việc cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ tạo áp lực thoái vốn ngắn hạn cho khối ngoại. Vẫn là “định hướng”? Các NĐT ngoại có sự phân tích rất sâu về tình hình tài chính, kinh doanh, sản xuất của mã CP mà họ đầu tư. Họ không đầu tư theo phong trào như các NĐT trong nước. NĐT ngoại thường đầu tư mang tính chất lâu dài nên ta có thể tham khảo các danh mục đầu tư của họ. Tuy nhiên, các NĐT cũng phải chú ý đến thời điểm đầu tư. Đối với thời điểm đầu tư, NĐT nên xét đoán đến hành xử thực sự của thị trường - đó là nhận xét của một NĐT trên sàn CK KimEng tại TPHCM. Nhận xét đó được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua đã có không ít NĐT ngoại thông báo về sự thua lỗ của mình. Theo thống kê của Rothschild một tổ chức tài chính, năm 2011 đã có tới 30/31 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam bị giảm tài sản ròng. Deustche Bank (DB) - một trong những NH lớn hàng đầu Châu Âu - cũng đã hơn một lần thất bại trong những khoản đầu tư vào DN đang niêm yết trên TTCK VN. Và trên thực tế, phần lớn các NĐT đồng ý với ý kiến bất kỳ trào lưu đầu tư nào cũng chỉ mang tính chất thời điểm và trào lưu đầu tư theo khối ngoại cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trên TTCK VN hiện nay tâm lý "sính ngoại" cũng đang dần mất đi trong giới đầu tư. Tuy nhiên, động thái của khối ngoại vẫn luôn là một trong những thông tin cần theo dõi của tất cả các nhà đầu tư VN khi muốn định hướng các giao dịch của mình. Động thái mua bán của NĐT nước ngoài luôn tỏ ra khá khôn ngoan và dường như luôn có quy tắc nhất định. Mặc dù gần đây, mức tin cậy của các NĐT nội vào các động thái của khối ngoại giảm nhiều so với trước khủng hoảng, nhưng dù sao khối này vẫn có những tác động khá lớn tới thị trường. Gia Miêu lao động
|