Thứ Tư, 20/06/2012 21:13

Khi người viết tài chính lộng ngôn!

Không ít lần, người viết báo tài chính giằng co giữa một bên là giữ sự đúng mực và một bên là yêu cầu tít tin bài phải kêu, thật “nổ”.

Người đọc thích “giật gân” nên báo chí giật tít thật kêu?

Không ít lần, những người viết báo tài chính đã phải đau đầu trong việc sử dụng ngôn từ, nhất là khi giật tít một bài báo, bởi sự giằng co giữa một bên là giữ sự đúng mực và một bên là yêu cầu tít tin bài phải kêu, phải thật “nổ” để thu hút người đọc. Nếu không thường xuyên tiếp xúc với những DN, doanh nhân, đối tượng trực tiếp của báo chí tài chính, là nạn nhân của những ngôn từ nhiều khi được dùng thiếu chính xác, thái quá, thậm chí có phần lộng ngôn, thì hẳn là người viết không ngần ngại “nổ” hết mức…

“Sự suy diễn chủ quan một cách vô tình hay cố ý đủ khiến cho DN hay doanh nhân phải vất vả “xử lý khủng hoảng thông tin”

Cách đây chưa lâu, tại ĐHCĐ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ông chủ tịch của tập đoàn này trao đổi bên lề với báo chí rằng, giá bán dự kiến một dự án của HAGL chuẩn bị đưa ra thị trường sẽ chỉ bằng 50% so với giá bán của dự án kề bên. Thông tin này không thật mới vì đã được ông chủ tịch nói trong kỳ ĐHCĐ năm trước nữa, khi dự án còn chưa xây móng. Thế nhưng, ngay sau đại hội, một báo đưa tin “Bầu Đức, phá giá 50% bất động sản” làm cho thị trường xôn xao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giảm giá sản phẩm chỉ bằng 50% so với dự án kề bên khác hoàn toàn với phá giá 50% giá bất động sản hiện tại.

Lãnh đạo một CTCK chia sẻ với người viết rằng, hồi đầu năm nay, trả lời phỏng vấn báo chí, ông đưa ra nhận định rằng: “Giá chứng khoán rẻ hơn cả mớ rau”. Mấy hôm sau, đọc trên mạng ông thấy ý tứ của mình được viết lại thành “giá chứng khoán rẻ hơn cả mớ rau muống mua ngoài chợ cóc”. Hẳn là cái ý “mua ngoài chợ cóc” được đưa vào để “giật” hơn, với cái ý đã rau muống lại mua ngoài chợ cóc thì chắc hẳn… vừa rẻ, vừa ôi!

Một đại gia khá kín tiếng như Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cũng phải công bố chiếc trực thăng mua mới, khi một bài báo đặt nghi vấn ông Long “bán máy bay riêng để trả nợ”. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao và thắt chặt tín dụng, thì dường như gắn động thái bán máy bay riêng của ông này với nợ nần là cách để câu người đọc tốt nhất, dù chiếc máy bay đó chỉ đáng giá vài triệu USD, chẳng thấm vào đâu so với tài sản của người giàu gần nhất nhì sàn chứng khoán này.

Sự suy diễn chủ quan một cách vô tình hay cố ý như trên cũng đủ khiến cho DN hay doanh nhân phải vất vả “nói lại cho rõ”, hay còn gọi là “xử lý khủng hoảng thông tin”.

Cuốn “Nhà báo hiện đại”, giáo trình nổi tiếng News Reporting and Writing của Ban biên soạn The Missouri thuộc Khoa Báo chí Đại học Missouri (nhiều nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer đã xuất thân từ Khoa Báo chí của đại học này) đã viết ngay những trang đầu tiên rằng: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mọi nhà báo phải chính xác và công bằng… Sự công bằng trong nghề báo đòi hỏi bạn phải tường thuật sự kiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hiếm khi có một, thường là hai hoặc hơn. Sự công bằng đòi hỏi nhà báo phải dành cho kẻ bị công kích hoặc nghi vấn tính chính trực trong bài báo của mình thật nhiều cơ hội để họ có thể phản hồi. Trước hết, sự công bằng đòi hỏi bạn phải nỗ lực để tránh thành kiến trong cách tường thuật và bài viết của mình”.

Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này thì sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp xuất hiện khá nhiều trong báo chí tài chính hiện nay, ở mức độ khác nhau, từ thiếu chính xác, công tâm trong câu từ cho đến thiếu chính xác ngay cả nội dung. Đáng lưu ý là một cái tít giật gân, câu khách hay một bài viết đầy suy diễn về tài chính thường có nguồn trích dẫn từ một tờ báo chẳng liên quan nhiều đến tài chính, chứng khoán kiểu như… Giáo dục Việt Nam.

Và còn những chuyện không nói ra mà nhiều người biết đến, là do sức mạnh của thông tin tài chính đăng trên báo chí mỗi ngày, mà các nhóm lợi ích trên thị trường tài chính cũng tìm cách gây ảnh hưởng đến giới truyền thông tài chính. Không ít đội lái có mối quan hệ “khá thân” với giới báo chí tài chính và cũng trong nhiều trường hợp, các đội lái thất bại vì giới truyền thông chen vào.

Bởi thế, khi đọc một tin bài về tài chính, có nhiều suy diễn hay dùng những từ ngữ quá kêu thì nhà đầu tư nên cẩn trọng, bởi nhiều khả năng là người viết chẳng hiểu gì hoặc cũng chẳng cần hiểu. mà chỉ cần gieo rắc nghi ngờ cho nhiều người đọc, với họ thế đã là thành công.    

Sau đó, có bài báo còn liên hệ giữa số nợ của HAGL để kết luận, động thái bán phá giá bất động sản là để lo trả nợ, đồng thời gán cho việc giảm giá căn hộ là “cú lao dốc bất thình lình” hay “cắn răng” giảm giá để thoát khỏi thị trường bất động sản đang đóng băng trong bài viết được giật tít: “Nợ tới 63% tổng tài sản, HAG coi là chuyện bình thường”…

Thu Hương

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đua giảm lãi suất ký quỹ, "tiền mới” vẫn đứng ngoài (20/06/2012)

>   Tiền vẫn không chảy vào chứng khoán (20/06/2012)

>   Kỳ vọng gì ở khối ngoại? (20/06/2012)

>   20/06: Bản tin 20 giờ qua (20/06/2012)

>   STT vào diện cảnh báo từ 22/06 (19/06/2012)

>   PGI: Bị nhắc nhở về việc công bố thông tin trên website của công ty (19/06/2012)

>   BenXeNgheAn: Ông Phạm Xuân Bích làm Trưởng BKS nhiệm kỳ mới (28/06/2012)

>   Khủng hoảng: Công ty chứng khoán sống bằng gì? (19/06/2012)

>   Chứng khoán tháng 7 sẽ sôi động hơn (19/06/2012)

>   Cấm “bói” chứng khoán (19/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật