Nhịp đập thị trường 07/05:
Vượt mọi rào cản, hơn một nửa thị trường tăng trần
Thị trường rung rắc vào giằng co trong nửa cuối buổi sáng và phần lớn phiên giao dịch buổi chiều. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh bất ngờ quay trở lại, đặc biệt hàng loạt mã vốn hóa lớn tăng trần giúp thị trường bật tăng mạnh mẽ.
Số mã tăng giá chiếm áp đảo trên thị trường, trong đó số cổ phiếu tăng trần chiếm hơn ½ số mã niêm yết ở cả hai sàn (358 mã).
Thống kê cuối phiên, chỉ số Micro Cap và Small Cap tăng đến 3.51% và 3.16%, mức tăng rất mạnh trong nhiều phiên trở lại đây. Nhóm Mid Cap và Large Cap cũng tăng đến 2.99% và 1.67%.
Dòng tiền mạnh này đã giúp VN-Index tăng gần 10 điểm, tương ứng 2.1% đóng cửa ở mức cao nhất của phiên là 486.31 điểm. Như vậy, trong một ngày, VN-Index đã vượt 2 ngưỡng kháng cự quan trọng là 480 điểm và 485 điểm.
Đóng góp vào mức tăng mạnh mẽ của VN-Index buổi chiều là việc BVH bất ngờ tăng trần lên 71,500 đồng/cp, hay MSN cũng tăng đến 3.7% lên 112,000 đồng/cp. Những cổ phiếu tăng trần khác như DPM, PVD, PVF, SSI, REE tác động hết sức đến chỉ số VN-Index và cả VN30.
Cổ phiếu ngân hàng phiên này tăng giá khá nặng nề. Trong khi HBB và SHB tại sàn HNX tăng kịch trần, với dư mua chiếm áp đảo thì tại HOSE, lại có sự phân hóa đáng kể. Hai đại gia VCB và CTG tăng khiêm tốn 1.81% và 0.91%. Thanh khoản các mã đều đạt mức khá với trên 500 ngàn đơn vị mỗi mã.
Đáng tiếc là VIC, VNM, EIB, PNJ, QCG đứng giá đến hết phiên và MBB giảm nhẹ 1.32% nếu không thị trường còn có thể bứt phá mạnh hơn hơn.
Toàn sàn có hàng trăm mã chứng khoán dư mua trần áp đảo. Một loạt cổ phiếu dư mua trần đến con số hàng triệu như NVT, VNE, VSH, KMR, NTB, HT1. Đây là những mã được mệnh danh là khó mua nhất từ cuối tháng 4 trở lại đây.
Thanh khoản phiên này tiếp tục duy trì trên 100 triệu đơn vị, trị giá 1,804 tỷ đồng. Đáng kể nhất là việc ASM giảm sàn buổi sáng, đến cuối phiên đảo chiều tăng trần, đồng thời có lượng khớp lệnh lớn nhất sàn với hơn 6.56 triệu đơn vị. Những mã khác như ITA, SSI, STB, MBB đều có giao dịch xấp xỉ 3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngành khai khoáng tiếp tục có sự phân hóa đáng kể khi KSA giảm, KSB tăng nhẹ, trong khi BMC, KSH, KSS, KTB, LBM tiếp tục tăng trần đến hết phiên.
Đà tăng tại HNX mạnh mẽ hơn nhiều, với gần 300 mã tăng giá, trong đó 203 mã tăng kịch trần. Nhiều mã cổ phiếu có giao dịch hàng triệu đơn vị. Sự sôi động đó giúp HNX-Index tăng 2.52 điểm, tương ứng 3.1% đóng cửa 83.79 điểm. Nhìn trên đồ thị, chỉ số này tăng dựng đứng ở những phút cuối phiên.
Ngay cả SHN cũng tăng kịch trần cho thấy sự hưng phấn của dòng tiền đầu cơ mạnh mẽ đến mức nào. Tuy nhiên, với những cổ phiếu có tin xấu, giá vẫn quay đầu giảm mạnh, điển hình là VSP giảm sàn, hay VCG giảm 200 đồng xuống 13,300 đồng/cp.
Mã HBB vẫn bị tiết cung nặng, nên cuối phiên cũng chỉ có 6.1 triệu đơn vị chuyển nhượng. Trong khi đó, lượng giao dịch PVX tăng nhiều lần với gần 7.5 triệu đơn vị. Các mã khác như VCG, PVL, SCR, KLS, PVS, VND… lần lượt đạt từ 3 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị mỗi mã.
Khối ngoại cũng không đứng ngoài thị trường mà cũng đổ xô gom hàng cùng nhà đầu tư nội. Họ mua 3.43 triệu đơn vị tại HOSE, với các mã như REE, PVF, HPG, VSH, TDH, VCB, STB, KBC… Tại HNX, lượng mua vào đạt trên 3.4 triệu đơn vị, tương đương 34 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào hai mã HBB (gần 1.7 triệu) và PVX hơn 386 ngàn đơn vị.
Buổi sáng: Vượt ngưỡng kháng cự, thị trường rung lắc nhẹ
Dù không đạt được mức tăng mạnh như giữa phiên, nhưng kết thúc buổi sáng các chỉ số vẫn duy trì được trên ngưỡng kháng cự mạnh. Cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo và thanh khoản đạt mức khá cao.
Nhóm cổ phiếu Large Cap và Mid Cap lần lượt thu hẹp mức tăng giá so với đầu giờ, với 0.67% và 1.98%. Trong khi nhóm Small Cap và Micro Cap vẫn duy trì mức tăng khá mạnh 2.35%.
Trên bảng điện tử, sàn HOSE có 109 mã tăng trần và gần 100 mã tăng giá. Còn lại có 51 mã giảm và 56 mã đứng giá. Điều này giúp VN-Index tăng 5.6 điểm, tức khoảng 1.18% đạt 481.92 điểm.
Trong khi đó, HNX cũng có 110 mã tăng trần, và 230 mã tăng giá. Chỉ có 41 mã giảm và 114 mã đứng yên. Do đó, chỉ số HNX-Index tăng đến 1.52 điểm, tương đương 1.87% đạt 82.79 điểm.
Thanh khoản đạt hơn 73.34 triệu đơn vị, tương ứng 1,269 tỷ đồng tại HOSE. Trong đó, mã ASM bị xả hàng đến gần 4.6 triệu đơn vị. Tiếp theo là STB, SSI, ITA, PVF…
Ở HNX, giao dịch đạt gần 70 triệu đơn vị, tương đương 732.37 tỷ đồng. Thanh khoản của HBB vẫn không thay đổi, vẫn giữ trên 6 triệu đơn vị, nhưng VND, PVX, DCS, PVS… đều gia tăng đáng kể so với giữa phiên, đạt từ 2 đến hơn 3 triệu đơn vị mỗi mã.
Khối ngoại đặc biệt quan tâm đến sàn HNX khi mua vào hơn 3 triệu đơn vị, trị giá 30 tỷ đồng, nhưng chỉ bán triệu đơn vị, tương ứng 11.5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, họ cũng mua gần 3.2 triệu cổ phiếu tại HOSE, với các mã chủ yếu như PVF, VSH, HPG, REE, IJC, TDH…
10h30: Thị trường điều chỉnh, xả hàng hay rung lắc?
Dấu hiệu điều chỉnh trong phiên xuất hiện từ sau 10h00 làm cho đà tăng của thị trường bị chựng lại và có xu hướng thu hẹp dần. Thay vào đó thanh khoản lại tăng vọt với 100 triệu đơn vị và khoảng 1,400 tỷ đồng giá trị.
Các chỉ số Mid Cap, Small Cap và Micro Cap vẫn duy trì mức tăng lần lượt 2.13%, 2.13% và 2.35%, trong khi Large Cap sau khi tăng mạnh trên 1% đã thụt lùi còn 0.76% với việc BVH, EIB, MBB lần lượt giảm, ACB, VNM, VIC đứng giá…
Chỉ số chỉnh thu hẹp đáng kể. Lúc 10h30, VN-Index còn tăng 5.91 điểm, tức 1.24% và lùi về 482.23 điểm. Chỉ số HNX-index tăng 1.57 điểm, tức 1.93% đạt 82.84 điểm.
Thanh khoản tại HOSE đạt trên 52 triệu đơn vị, tương đương 880 tỷ đồng, mã ASM bất ngờ bị xả hàng mạnh, với hơn 2.5 triệu đơn vị khớp lệnh. Một số mã bất động sản giảm kịch sàn như LHG, DTA, HOT, VPH nhưng lượng giao dịch rất ít. IJC cũng giảm nhưng có hơn 1 triệu đơn vị chuyển nhượng.
Tại HNX có 55 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương gần 590 tỷ đồng. Mã HBB có hiện tượng tiết cung, nên lượng giao dịch vẫn dừng ở mức hơn 6 triệu đơn vị, dù dư mua lên đến vài triệu đơn vị.
Tiếp theo là các mã VND, PVX, VCG, PVS, AVS, DCS, KLS… cũng có giao dịch hàng triệu đơn vị mỗi mã. Riêng VCG giảm giá 400 đồng do kết quả kinh doanh quý 1 lỗ nặng.
Cổ phiếu ngành chứng khoán hầu hết giữ được đà tăng, không ít mã vẫn tăng kịch trần như AVS, APS, SHS, HPC, ORS. Riêng VIG bị bán tháo, với dư bán giá sàn lên đến hơn 2 triệu đơn vị sau khi công ty này công bố lỗ nặng ở quý 1 và rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Mã VSP cũng giảm kịch sàn khi ngày hủy niêm yết để chuyển sang UPCoM đã đến gần.
Cổ phiếu ngành khai khoáng dường như hết sóng khi phân hóa khá rõ rệt, và lực cầu cũng không còn dồi dào khi gần đây nhiều ý kiến cảnh báo về đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu này.
9h45: HBB tăng trần, "nội ngoại" cùng nhau đua giá
Thị trường hưng phấn cực độ khi các chỉ số dễ dàng vượt ngưỡng kháng cự. Sức mạnh của dòng tiền đã đẩy giá cổ phiếu cũng như các chỉ số bay cao. Thanh khoản gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt tại sàn HNX.
Lực cầu dồn dập của nhà đầu tư nội lẫn ngoại đối với mã HBB khiến cổ phiếu này căng cứng và thanh khoản vượt trên 6 triệu đơn vị chỉ trong vòng 45 phút sau khi mở cửa, riêng khối ngoại đã mua vào gần 1.6 triệu đơn vị. Mã SHB cũng “ăn theo” nhưng chỉ có hơn 660 ngàn đơn vị chuyển nhượng.
Trên cả hai sàn, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc mặc dù mức tăng còn khiêm tốn. Riêng STB là tăng khá mạnh với gần 4%. Trong các mã vốn hóa lớn, MSN hỗ trợ mạnh nhất cho thị trường có lúc tăng kịch trần.
9h45 có tổng cộng 111 mã tăng kịch trần tại sàn HNX, không ít trong đó là cổ phiếu chứng khoán, khai khoáng, bất động sản và xây dựng. Còn lại có khoảng 120 mã tăng giá, 21 mã giảm và 147 mã tạm thời đứng yên.
Giao dịch toàn sàn đạt hơn 34 triệu đơn vị, trị giá 365 tỷ đồng, và vẫn còn tiếp tục tăng cao.
Chỉ số HNX –Index tăng hơn 2 điểm, tức trên 1.5% đạt 83.33 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ số còn có thể bứt phá mạnh hơn nữa.
Trên sàn HOSE, đà tăng khá vững chắc của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cộng với hàng trăm mã đầu cơ tăng kịch trần. Tiêu biểu như NVT, KMR, VNE, HT1, PTL, CSM… tiếp tục có dư mua trần hàng triệu đơn vị mỗi mã giúp VN-Index tăng đến 8.85 điểm chỉ sau 45 phút, tương đương 1.86% lên 485.17 điểm.
Thanh khoản khiêm tốn hơn HNX do nhà đầu tư chủ động ghim hàng. Toàn sàn có 27 triệu đơn vị, tương đương 442.67 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu VN30 chiếm gần 8 triệu đơn vị, giá trị 175 tỷ đồng.
Mở cửa: Tiền đầu cơ phá vỡ mọi ngưỡng kháng cự
Hàng loạt chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế được công bố cuối tuần qua đã thực sự trở thành “liều thuốc kích thích” mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán. Đặc biệt, dòng tiền đầu dồn dập đổ vào thị trường giúp giá cổ phiếu và các chỉ số tăng mạnh.
HNX-Index dễ dàng vượt qua mốc 82 điểm nhằm khẳng định chỉ số đã an toàn vượt ngưỡng kháng cự mạnh 80 điểm. Tương tự, chỉ số VN-Index cũng nhanh chóng chinh phục ngưỡng 480 điểm chỉ trong vòng 15 phút.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trên cả hai sàn thu hút dòng tiền đầu cơ rất mạnh thể hiện qua chỉ số Mid Cap và Small Cap tăng 2.02% và 2.05% lúc 9h15, tiếp theo là Micro Cap tăng 1.67% còn nhóm Large Cap đóng vai trò là bước đệm cho thị trường khi tăng khiêm tốn 0.77%.
Với đà tăng mạnh đó, HNX-Index ghi nhận mức tăng 1.48 điểm, tức 1.82% đạt trên 82.75 điểm sau 15 phút mở cửa. Toàn sàn có gần 160 mã tăng giá, đáng chú ý là cổ phiếu HBB và SHB đồng loạt tăng trần sau khi cổ đông của hai ngân hàng này lần lượt thông qua đề án sáp nhập.
Thanh khoản thị trường tăng đáng kể, với hơn 10.44 triệu đơn vị, tương đương 112.84 tỷ đồng. HBB dẫn đầu với 1.36 triệu đơn vị, tiếp theo là SHS, APS, PGS, PVG… Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt khởi sắc với khá nhiều mã tăng trần.
Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu lớn chỉ tăng nhẹ tạo lực đỡ cho thị trường, trong khi đó nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ tiếp tục bứt phá mạnh giúp VN-Index 5.63 điểm, tương ứng 1.18% lên 481.95 điểm trong đợt khớp lệnh thứ nhất.
Thanh khoản cũng đạt mức cao với hơn 6.7 triệu đơn vị, tương đương 92 tỷ đồng. Những cổ phiếu như PVT, HLA, VNE, REE, TLH… đồng loạt tăng trần và có giao dịch khá mạnh.
Viết Vinh (Vietstock)
FiNFONET
|