Chứng khoán Tuần 02 - 04/05: Bứt phá thành công qua ngưỡng kháng cự
Nhiều thông tin hỗ trợ đã khiến bên mua đẩy cao giá mua trong khi bên bán cũng đã tiết cung mạnh. Đặc biệt, chỉ số HNX-Index đã bứt phá thành công qua ngưỡng cản 80 điểm quan trọng.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 02 – 04/05/2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 0.54% và đang ở mức 476.32 điểm, HNX-Index tăng mạnh hơn ở mức 1.68% lên 81.20 điểm. VS 100 tăng 0.36% đang ở 77.98 điểm và VN 30 tăng 0.24% đứng tại 542.50 điểm.
VS-Small Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 2.02%, tiếp theo là VS-Micro Cap tăng 1.61%, VS-Mid Cap tăng 0.54%, VS-Large Cap gần như đứng yên khi chỉ tăng nhẹ 0.08%.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong tuần qua khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE tăng 36% so với tuần trước đó đạt 104.4 triệu đơn vị; khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng tăng 37% so với tuần trước đó đạt 90.8 triệu đơn vị .
Các chỉ số áp sát ngưỡng kháng cự quan trọng nhưng lại thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã khiến tâm lý nhà đầu tư tỏ ra e dè và thận trọng. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực chốt lời gia tăng mạnh và giao dịch rung lắc cực kỳ mạnh trong hầu hết các phiên trong tuần.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn tỏ ra khá tích cực khi:
(1) Bên mua vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ”buông” khi sẵn sàng gom vào ở những mức giá thấp. Điều này đã giúp khối lượng giao dịch tăng trưởng mạnh so với tuần trước.
(2) Dòng tiền đầu cơ vẫn hiện diện và có dấu hiệu mạnh dần lên khi hàng loạt các cổ phiếu thị giá nhỏ và các cổ phiếu chưa tăng mạnh được ”đánh lên” mạnh mẽ. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường đã bắt đầu.
Tâm lý thận trọng của giới đầu tư được cởi bỏ hoàn toàn khi thông tin về gói ”giải cứu” tài khóa hơn 25,000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đề xuất được hé lộ trong trong phiên giao dịch ngày 03/05 và giao dịch dần trở nên tích cực hơn, đặc biệt là trên HNX.
Bên cạnh đó, thông tin áp trần lãi suất cho vay 15% đối với 4 lĩnh vực khuyến khích đã đẩy phiên giao dịch cuối tuần tăng bùng nổ.
Bên mua đẩy cao giá mua trong khi bên bán cũng đã tiết cung ở hàng loạt cổ phiếu giúp các chỉ số thị trường tăng mạnh. Đặc biệt, chỉ số HNX-Index đã bứt phá thành công qua ngưỡng cản 80 điểm quan trọng.
Tuần qua, dòng tiền vẫn bỏ rơi nhóm Large Cap và tập trung vào các cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ. Các cổ phiếu được chú ý nhất tuần qua vẫn là một số cổ phiếu trong nhóm Khai khoáng và các cổ phiếu ngành Điện.
Sự rung lắc mạnh của thị trường cũng đã tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch ngắn hạn trong phiên tỏ ra khá hữu hiệu và được giới đầu tư áp dụng phổ biến.
Nhà đầu tư nước ngoài: Giới đầu tư nước ngoài đã dần từ bỏ sự thận trọng khi gia tăng hoạt động mua vào trong tuần qua. Sự mạnh dạn của khối ngoại đã phần nào truyền cảm hứng cho toàn thị trường, đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần.
Tính tổng cộng, giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 280.7 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất REE với gần 5.2 triệu cổ phiếu tương ứng với 86.9 tỷ đồng, trong đó có 5 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận. Tiếp theo là VCB với 21.7 tỷ đồng và DPM với 19.7 tỷ đồng.
Trong khi đó, họ bán ròng mạnh nhất KDH với 15.4 tỷ đồng và PHR với 7.9 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX tăng mạnh đạt 44.3 tỷ đồng. Họ gom ròng mạnh nhất NTP với 34.1 tỷ đồng và VND với 8.8 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 9.5 tỷ đồng và PVX với 3.1 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm vẫn chiếm ưu thế với 17/24 ngành. DV Chuyên môn –KHCN bất ngờ tăng mạnh trong tuần qua với mức tăng 5.93%. Tiếp theo là DV Lưu trú – Giả trí tăng 5.53%, Thương mại tăng 5.41% chủ yếu nhờ FPT gia tăng mạnh.
Các ngành nóng đều tăng khá tốt: Khai khoáng tăng 1.59%, Chứng khoán tăng 1.57%, Xây dựng tăng 0.93%; trong khi đó Bất động sản giảm nhẹ 0.29%, Ngân hàng giảm 1.74%.
Nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực trong tuần qua gồm có: HOSE: KSB tăng 15.36%, BHS tăng 15.2%, BIC tăng 14.8%; HNX: PLC tăng 21.5%, PV2 tăng 20.8%, BKC tăng 21.38%.
Trong nhóm cổ phiếu Khai khoáng, một số cổ phiếu như KSS, BMC … đã bị xả hàng khi có mức tăng rất mạnh trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ vẫn chưa có xu hướng rời bỏ ngành khai khoáng khi chuyển hướng sang các cổ phiếu cùng ngành, và KSB, BKC là những cổ phiếu nổi bật.
BHS tăng 15.2%. Hoạt động đầu tư ăn theo các tin đồn M&A đã rộ trong thời gian qua nên không qua bất ngờ khi BHS được giới đầu tư chú ý trở lại. Thông tin gần đây cho thấy CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công (TTC) đang tập trung đẩy mạnh M&A ngành mía đường và có thể BHS không nằm ngoài danh mục này; khi CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), thành viên của TTC đang nắm giữ 22.72% cổ phiếu tại BHS và đang có ý định gia tăng tỷ lệ này.
Trong quý 1, BHS đạt 690 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12.7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 17.68 tỷ đồng, tăng 69.8%. LNST đạt 32.7 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ, EPS đạt 1,091 đồng.
BIC tăng 14.8%. BIC tăng mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 1 khá thành công. Tổng doanh thu lũy kế 3 tháng đầu năm 2012 của BIC đạt 254 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 162 tỷ đồng, tăng trưởng 13.8% so với cùng thời điểm năm trước, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính đạt 44 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 30 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2011.
PLC tăng mạnh 21.5%. Kết quả kinh doanh quý 1/2012 của PLC khá khả quan khi doanh thu đạt 547.8 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng lợi nhuận sau thuế quý này vẫn đạt 40.78 tỷ đồng, tăng 28,48% so với cùng kỳ năm trước
Với kết quả đạt tích cực được trong quý 1 thì không quá khó hiểu khi giới đầu tư tập trung vào cổ phiếu này trong tuần qua.
PV2 tăng mạnh 20.8% cũng có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 1/2012 tốt hơn mong đợi, khi lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng, cao hơn 1.2 tỷ đồng so với quý 1 năm ngoái.
Mặc dù vậy, cần chú ý rằng doanh thu của PV2 trong quý 1 chỉ đạt 682 triệu đồng, bằng 3% quý 1/2011 và lợi nhuận từ hoạt động tài chính 11 tỷ đồng đã bù đắp lại sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh.
Ở phía giảm điểm trên HOSE, không có cổ phiếu nào thực sự nổi trội trong tuần qua, khi mức giảm điểm không qua mạnh. Tuy nhiên, cần chú ý KSH và KTB khi hai cổ phiếu này đã bị xả hàng khá mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần.
Trên HNX, VSP và HBB giảm điểm mạnh lần lượt 15.63% và 12.68%.
Việc giới đầu tư bỏ chạy khỏi VSP hoàn toàn không quá bất ngờ khi cổ phiếu này đã chính thức nhận quyết định hủy niêm yết trên HNX để chuyển sang sàn UpCom.
Thông tin HBB sẽ sáp nhập với SHB đã giúp giao dịch của HBB tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, kết quả không mấy tốt đẹp của ngân hàng này được công bố đã khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến cuối tháng 2/2012 đã tăng lên 16.06% nếu tính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Còn nếu đánh giá đặc biệt theo quan điểm mức độ rủi ro tiềm ẩn lớn nhất, tỷ lệ nợ xấu lên tới 32.06%. Một chi tiết đáng quan tâm khác là đại diện NHNN cho biết thêm, vốn chủ sở hữu của HBB cuối tháng 2/2012 chỉ còn hơn 195.3 tỷ đồng và không đủ vốn pháp định theo quy định.
Suy nghĩ một cách tích cực, giá cổ phiếu HBB giảm sẽ là một cơ hội cho những ai muốn gom cổ phiếu này và sau đó chuyển đổi thành SHB và gia tăng tỷ lệ nắm giữ tại ngân hàng sau sáp nhập.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|