Tái cơ cấu DN ngành giao thông: Lo ngại phép cộng dồn
Doanh nghiệp ngành giao thông đang đứng trước một cuộc “dâu bể” lớn với một loạt đợt chia tách, sáp nhập và chuyển đổi mà tính khả thi còn chưa thể kiểm chứng.
Rộn ràng hợp nhất Cienco
Việc hợp nhất hai tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco), là Cienco5 (trụ sở tại TP.Đà Nẵng) và Cienco4 (TP.Vinh, Nghệ An), để hình thành nên một pháp nhân mới chỉ là một trong số thông tin nổi bật tại kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp được đề cập tại văn bản số 2818/BGTVT - QLDN của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần này.
“Kỳ vọng của Bộ GTVT trong việc hợp nhất này là tạo một doanh nghiệp xây lắp có quy mô lớn hơn, làm nòng cốt trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình giao thông ở miền Trung”, ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết.
Chưa rõ thương hiệu nào sẽ được chọn để đại diện cho hai tổng công ty có trụ sở cách nhau tới 400 km này, nhưng việc hợp nhất chắn chắn sẽ tạo ra một Cienco mới có số vốn nhà nước lên tới khoảng 420 tỷ đồng. Nếu tính cả 8 công ty quản lý và xây dựng đường bộ hiện thuộc Khu Quản lý đường bộ 4, 5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) dự kiến chuyển về, Tổng công ty mới sẽ có tới 56 doanh nghiệp thành viên, rải rác suốt từ Bắc chí Nam.
Điểm đáng chú ý thứ hai là, việc Bộ GTVT dự kiến chuyển 8 doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ thuộc Khu quản lý đường bộ 2 về Cienco1; chuyển 6 doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ thuộc Khu quản lý đường bộ 7 về Cienco6.
Những doanh nghiệp nói trên đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có quy mô vốn điều lệ từ 5 – 20 tỷ đồng, có nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng.
Nếu đề xuất này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ không còn nắm bất cứ doanh nghiệp công ích nào. Hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ do cơ quan quản lý nhà nước quản lý, thay vì giao kế hoạch cho các công ty con như hiện nay, sẽ phải thông qua đấu thầu cạnh tranh để tuyển chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công ích theo đúng tinh thần Nghị định số 18/2012/NĐ – CP về Quỹ bảo trì đường bộ.
Điểm đáng lưu ý thứ ba là, ngay trong năm 2012, 5/16 ban quản lý dự án (PMU) sẽ phải chuyển đổi thành doanh nghiệp gồm: PMU1, PMU đường Hồ Chí Minh, PMU2, PMU 85, PMU Hàng hải 3. Đích đến của 5 PMU này là, doanh nghiệp có chức năng huy động vốn đầu tư, tư vấn quản lý các dự án hạ tầng giao thông, giống như mô hình Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, được chuyển đổi từ PMU Mỹ Thuận năm 2011.
So với đề xuất tái cơ cấu doanh nghiệp được gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 10/2011, ý tưởng thành lập các tập đoàn ngành GTVT đã phải tạm gác lại, nhưng rõ ràng quan điểm tạo nên các tổ hợp doanh nghiệp quy mô lớn dựa trên việc sáp nhập, hợp nhất vẫn được Bộ GTVT theo đuổi.
Trước đó, vào tháng 2/2012, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổng công ty khai thác cảng hàng không.
Lượng sẽ đổi thành chất
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, lãnh đạo một Cienco cho biết, họ khá bất ngờ với quyết định ghép các doanh nghiệp sửa chữa đường bộ với các tổng công ty xây lắp, dù trong lịch sử ngành GTVT, các đơn vị xây lắp và duy tu đường bộ từng đứng chung mái nhà, với tên gọi là liên hiệp các xí nghiệp giao thông. Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ bao cấp, mô hình liên hiệp này đã lộ rõ bất cập do quá cồng kềnh, ôm đồm nhiều chức năng nên sớm tan rã chỉ sau vài năm thành lập.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc sáp nhập các Cienco thành một pháp nhân có năng lực lớn hơn cũng không phải là điều mới. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Cienco1 và Cienco8 đã được Bộ GTVT cho phép hợp lực để thành lập Tổng công ty Xây dựng 18 (Cei18) với mong muốn là sẽ là kết quả của một phép cộng có đủ năng lực tài chính, thi công tham gia đấu thầu quốc tế các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Lào và Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài Dự án BT xây dựng đường vành đai III Hà Nội đoạn Mai Dịch – Linh Đàm giai đoạn I nổi tiếng về chậm tiến độ, hiệu quả thấp, Cei18 chưa có thêm dấu ấn nào tại thị trường trong nước.
Chính vì vậy, nếu không có giải pháp mới và lộ trình cụ thể, nhiều khả năng việc sáp nhập Cienco hoặc tổ hợp thêm các công ty công ích vốn không có nhiều thế mạnh xây lắp ngoài việc giúp phình to quy mô một cách cơ học, chưa chắc đã tạo nên được những “quả đấm” đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu ngoại tại thị trường nội địa như Bộ GTVT mong muốn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường, các pháp nhân kinh tế hình thành, phát triển, cạnh tranh, thành công, mở rộng, giải thể... đều tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Các yếu tố chủ quan, duy ý chí, các phương pháp tạo bước nhảy bằng phép cộng hoặc tạo sức cạnh tranh bằng cơ chế ưu đãi có thể giúp cho các tổng công ty phát triển nhanh chóng, nhưng cũng tạo ra các rủi ro, nguy cơ dẫn đến tan rã.
Anh Minh
đầu tư
|