Đánh mất thương hiệu: Khóc cũng đã muộn!
Hàng loạt thương hiệu Việt lần lượt mất tên khiến chúng ta không khỏi giật mình lo ngại. Hóa ra, đã hơn 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vậy mà phần đông doanh nghiệp nước ta vẫn chưa hội nhập, còn lạc hậu, thậm chí lạc lõng giữa sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu này
Đó là câu chuyện của nước mắm Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2006, thương hiệu “nước mắm Nha Trang” kèm theo logo được cấp cho Hiệp hội Nước mắm Nha Trang. Đứng tên chủ sở hữu thương hiệu này là ông chủ tịch hiệp hội.
Có thương hiệu rồi, những tưởng “nước mắm Nha Trang” sẽ vươn xa. Thế nhưng, cái tên này bị lãng quên dần bởi không được tuyên truyền, quảng bá. Các cơ sở khác trong Hiệp hội Nước mắm Nha Trang thì dùng tên riêng, logo riêng. Nước mắm Nha Trang rơi vào cảnh cha chung không ai khóc!
Thừa cơ, một liên doanh chế biến thực phẩm lớn đã đặt vấn đề với các cơ sở nước mắm ở Nha Trang để thu mua nước mắm nguyên liệu. Ban đầu, liên doanh này đưa ra các chính sách giá, bao tiêu, hậu mãi… rất tốt.
Các cơ sở nước mắm ở Nha Trang thấy béo bở, tranh nhau ký hợp đồng làm đối tác của liên doanh này. Khi “cá đã cắn câu”, liên doanh bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn riêng để ép giá nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhìn người ta thu lợi trên mồ hôi công sức của mình, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang chỉ biết cắn răng mà chịu. Thương hiệu “nước mắm Nha Trang” vì thế hiện đang sống mà như chết!
Trước nước mắm Nha Trang, nhiều thương hiệu Việt đã bị lợi dụng, sau đó mất hẳn thương quyền ở nước ngoài do chậm đăng ký bảo hộ, như nước mắm Phan Thiết (ở Mỹ), nước mắm Phú Quốc (ở Mỹ, Úc, Trung Quốc và châu Âu), cà phê Buôn Ma Thuột (Trung Quốc)… Các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre (của Công ty TNHH Đông Á do bà Hai Tỏ làm chủ), Vinamit… cũng bị gian thương đăng ký bảo hộ ở nước ngoài nhưng chủ nhân của các thương hiệu này (đều là tư nhân) đã nỗ lực kiện đòi và được trả lại.
Trong khi đó, cũng như nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc và cà phê Buôn Ma Thuột đều là thương hiệu của tập thể (làng nghề, hiệp hội) nên vừa không được chăm lo phát triển vừa chẳng được quan tâm đúng mức khi bị xâm hại.
Cay đắng nhất trong số đó có lẽ là cà phê Buôn Ma Thuột, dù được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2005 nhưng các doanh nghiệp cà phê ở Đắk Lắk và chính quyền tỉnh này chẳng biết làm gì với chỉ dẫn địa lý đó, đến khi bị Guangzhou Coffee Buon Ma Thuot Co., Ltd của Trung Quốc ăn cắp thương hiệu để đăng ký bảo hộ và khai thác kinh doanh thì mới ngớ ra. Vốn “cha chung không ai khóc” trước nay, bây giờ có khóc cũng đã quá muộn!
Quý An
người lao động
|