Cần “bà đỡ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng hiện chưa có một cơ quan, tổ chức đúng nghĩa làm nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng nên dù lãi suất có giảm vẫn khó đến được với doanh nghiệp dạng này.
TBKTSG Online: Chỉ trong 2 tháng qua đã có 2 đợt cắt giảm lãi suất huy động, và lãi suất cho vay cũng có dấu hiệu giảm. Nhưng với các điều kiện khắt khe để bảo đảm an toàn cho ngân hàng thì cuối cùng tiền vẫn chỉ đến tay doanh nghiệp lớn và tập đoàn nhà nước. Vậy, chính sách giảm lãi suất đã thực sự mang lại hiệu quả?
- Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, việc giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp là chủ trương rất đúng nhưng khi triển khai thì số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lý do là vì mới triển khai nên chưa có hiệu quả ngay mà có độ trễ. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, do sản xuất suy giảm, thị trường eo hẹp, trong khi vật tư, chi phí tăng lên nên các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện của ngân hàng.
Thêm vào đó, tại các ngân hàng, thanh khoản cải thiện không đều nên ngân hàng và doanh nghiệp không gặp nhau, có ngân hàng thanh khoản tốt nhưng không cho vay được, có ngân hàng thanh khoản yếu nên không có vốn để cho vay.
Vì trong điều kiện hiện nay, sức mua giảm, giá tăng, sản xuất ra tiêu thụ không được nên ngân hàng ngại cho vay, mà doanh nghiệp cũng không dám vay. Vay rồi mà sản xuất ra không bán được thì ngân hàng và doanh nghiệp đều gay go.
Có một vấn đề nữa là ngân hàng thường chọn khách hàng truyền thống của họ cho nên doanh nghiệp khó khăn đến gõ cửa thì họ cũng dè dặt. Đó là những lý do khiến cho chủ trương thì đúng nhưng triển khai rất chậm, nhiều trục trặc và chưa đi vào cuộc sống.
Trong khi nhiều tập đoàn nhà nước được Chính phủ, Bộ Tài chính bảo lãnh để các ngân hàng cho vay, thì các doanh nghiệp nhỏ lại không có ai làm "bà đỡ”. Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn như hiện nay, có cách làm nào để bảo lãnh cho họ được vay vốn?
- Trước đây, nước ta đã có một chủ trương lớn, giao cho Ngân hàng Phát triển (VDB) bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ điều kiện mà có các yếu tố có thể vay được, đến các ngân hàng để vay. Thế nhưng, sự thực trong thời gian qua chủ trương trên không đạt kết quả cao vì các ngân hàng chưa tin vào đơn vị bảo lãnh, luôn đi thẩm tra lại.
Vì vậy, việc bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa giao cho VDB vẫn đúng nhưng cần đổi mới phương pháp, cơ chế nghiệp vụ để giúp doanh nghiệp. Cụ thể là các doanh nghiệp tạm thời gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan như chi phí tăng lên, sức mua giảm xuống do thị trường gây nên, nhưng khả năng phát triển là có thì nên đưa ra các cơ chế, các điều kiện giúp họ vượt qua.
Cách thứ hai là tạo điều kiện pháp lý để cho các doanh nghiệp có thể liên kết lại, giúp đỡ lẫn nhau để thoát khỏi khó khăn. Đồng thời có những trường hợp phải miễn giảm, hoãn thuế để tình hình tài chính doanh nghiệp sạch sẽ hơn và họ có khả năng tự túc nhiều lên, là cơ sở để họ tiếp cận vốn ngân hàng. Tôi cho rằng phải sử dụng tất cả các giải pháp tổng thể và đồng bộ để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Một giải pháp đơn lẻ nào đều khó.
Các gói cho vay ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được các ngân hàng triển khai, nhưng theo ông vốn có thực sự đến đúng các đối tượng như công bố của các ngân hàng không? Và cơ quan chức năng có kiểm soát việc cho vay của các ngân hàng không?
- Đúng là vừa qua thì việc hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và việc chấp hành của ngân hàng thương mại bắt đầu có chuyển biến, như nhiều ngân hàng đã công bố gói phục vụ cho các đối tượng trên, có số tiền cụ thể, các hướng dẫn nghiệp vụ và NHNN cũng đã có các tiêu chí để khống chế.
Các ngân hàng nào tăng tín dụng vào đối tượng như trên thì được NHNN cho phép nâng hạn mức tín dụng lên, các ngân hàng vi phạm thì sẽ có các biện pháp xử phạt, kéo dư nợ xuống, điều chỉnh kịp thời tốc độ tăng của các ngân hàng có đầu tư vào các đối tượng không phù hợp. Đó cũng là một cách mà tiền sẽ đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhưng cũng cần có một cơ chế, chế tài để buộc các ngân hàng thương mại chuyển vốn vào các đối tượng được ưu tiên. Bên cạnh đó cần kiểm tra, kiểm soát kịp thời để răn đe và uốn nắn dòng vốn kịp lúc, tránh việc dòng vốn đi không đúng chỗ.
Năm 2009 Việt Nam cũng đã có một gói kích cầu bù lãi suất, nhưng do dòng tiền đi không đúng đối tượng nên hậu quả chúng ta vẫn phải gánh đến ngày hôm nay. Như vậy, việc giảm lãi suất nếu tiếp tục được thực hiện như hiện nay, tức tiền chảy nhiều vào các doanh nghiệp có vốn lớn và các tập đoàn nhà nước thì hậu quả sẽ ra sao?
- Tôi cho rằng chắc chắn sẽ để lại hậu quả nặng nề. Trước đây mục tiêu gói kích cầu là dành cho đối tượng khó khăn để tháo gỡ nhưng thực sự lại đi vào đối tượng khác, không khó khăn. Số tiền được ưu tiên lãi suất như trên nếu tiếp tục dùng sai mục đích cũng sẽ xảy ra nhiều tiêu cực như trước đây, nhà nước mất tiền, số tiền không ít, lên đến hàng nghìn tỉ đồng, mất cả nhân lực cốt cán.
Hậu quả của gói kích cầu trước đó vẫn chưa chấm dứt, gây hậu họa cho ngân hàng và các đối tượng được vay. Việc này đang được xử lý nhưng không phải trong thời gian ngắn. Đó là những khiếm khuyết mà cần phải khắc phục và xử lý mắc mớ để tránh lặp lại vết xe cũ.
Như vậy, ngân hàng có nên cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, tức có những điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước hay đi tiên phong, giảm bớt các khoản vay đối với đối tượng trên và chuyển sang cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay?
- Chắc chắn hiện tại cả Chính phủ, NHNN, các ngân hàng thương mại đã rút kinh nghiệm trong việc cho vay đối với các đối tượng mà hoạt động không hiệu quả, tạo ra các rủi ro cho hệ thống và nợ xấu, nợ quá hạn tăng lên. Trước nhất là phải ngưng cho vay các đối tượng gây ra hậu quả như thế. Đồng thời phải cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển hướng mô hình tăng trưởng. Việc đầu tư vào các đối tượng phải phân định rõ, cái nào là từ vốn ngân sách, cái nào từ vốn tín dụng. Tín dụng đó cần khuyến khích, hạn chế ra sao thì cũng đang được triển khai theo các giải pháp trước mắt và sẽ làm trong dài hạn để tránh gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Hiện tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang chờ các hỗ trợ từ phía Chính phủ, vì vậy ngoài những việc phải có thời gian sửa sai thì tôi cho rằng nên có các biện pháp kịp thời, nhanh chóng hơn để doanh nghiệp nhỏ có vốn hoạt động, cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay về chi phí, đầu ra. Trước mắt là phải gỡ từ phía bảo lãnh cho họ vay vốn. Không nên để doanh nghiệp tự bơi, phải giải thể, phá sản rồi mới cứu, e là không kịp cứu cả nền kinh tế, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất lớn trong GDP và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Thương thực hiện
tbktsg
|