Thứ Tư, 02/05/2012 08:31

Áp giá điện riêng, thép - xi măng khó chồng khó

Ngành điện không thể đặt ra giá và coi đó là giá thành để có thể tăng giá, mà phải công khai so sánh giá điện Việt Nam với các nước trong khu vực.

Trước thông tin Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cân nhắc trình Chính phủ cơ chế giá điện riêng cho lĩnh vực sản xuất thép và xi măng, các doanh nghiệp ngành này đều lên tiếng phản đối vì cho rằng, mục đích của việc áp cơ chế giá điện riêng là không hợp lý.

Lý do được Cục Điều tiết điện lực giải thích cho đề xuất này là hiện giá bán điện cho sản xuất rất thấp. Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối năm 2011, trong năm 2010, chỉ tính riêng sản lượng điện tiêu thụ của hai ngành sản xuất thép và xi măng lên tới gần 9,5 tỷ kWh, chiếm 11,06% tổng số lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá bán bình quân cho các hộ sản xuất sắt, thép và xi măng năm 2010 chỉ là 914 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện bình quân là 1.183 đồng/kWh.

Chính vì vậy, đã xuất hiện làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành thép và xi măng để xuất khẩu. Đây là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng. Vì thế, về lâu dài, Cục sẽ đề nghị xây dựng cơ chế giá điện riêng và hạn chế xuất khẩu sắt thép.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp thép phản ứng: “Chúng tôi còn biết là giá điện tại Việt Nam sẽ tăng dần chứ không thể bao cấp mãi, thì những nhà làm chiến lược cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chắc chắn cũng hiểu rõ điều đó. Đa số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào ngành thép không phải vì lý do giá điện rẻ mà vì hệ thống cảng biển khá thuận lợi, vì vị trí đất rẻ, thậm chí vì với cơ chế quản lý như hiện nay, họ có thể chuyển giá. Có những doanh nghiệp thép ngoại chuyển giá ngay từ khi lập dự án đầu tư. Tôi biết có dự án cùng nhập thiết bị của một hãng công suất như nhau mà vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài cao hơn hẳn doanh nghiệp trong nước đầu tư”.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nếu áp dụng cơ chế giá điện theo hướng tăng lên thì cũng phải áp dụng cho tất cả các ngành khác. Thép là ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực xây dựng, đầu tư, bất động sản. Do đó, nếu tăng giá điện riêng cho thép trong bối cảnh hiện nay thì rất khó khăn.

Ông Đỗ Duy Thái, Giám đốc Công ty Thép - Việt xác nhận, công nghiệp luyện thép tiêu tốn nhiều điện năng, tuy nhiên giá điện chỉ chiếm 5% trong cơ cấu luyện thép, tỷ lệ này còn thấp hơn đối với cán thép. Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam nhiều vì các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều không cho nhà đầu tư ngoại đầu tư vào ngành thép, để giữ thị trường nội địa cho nhà đầu tư nội. Họ coi ngành thép là “lúa mì của nền công nghiệp”, nên phát triển ngành thép nội cũng là đảm bảo an ninh công nghiệp.

“Theo tôi, trong lúc khó khăn này, không nên tăng giá yếu tố đầu vào. Sang năm tới, khi tình hình ổn định thì phải bỏ dần bao cấp giá điện, nhưng không nên áp dụng riêng giá điện cho ngành nào”, ông Thái bày tỏ quan điểm.

Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cho biết, khi dự án đầu tư được phê duyệt thì cơ quan quản lý đã phê duyệt luôn mức tiêu thụ điện năng, nhiệt năng. Hiện nay, giá điện, giá than tăng mà giá bán xi măng không tăng được, nếu giá điện tăng tiếp theo cách áp dụng cơ chế riêng thì rất khó khăn cho ngành xi măng.

Được biết, năng lực sản xuất xi măng trong nước đã vượt quá nhu cầu sử dụng và nhu cầu càng giảm do tác động của các chính sách kiềm chế lạm phát cũng như tình trạng đình trệ sản xuất của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp xi măng chọn xuất khẩu là giải pháp tình thế để giảm lượng hàng tồn kho, tuy nhiên với giá cả hiện nay, xuất khẩu cũng lỗ.

Các doanh nghiệp thép tuy xuất khẩu không lỗ nhưng tỷ suất lợi nhuận đối với hoạt động này chỉ bằng 30 - 50% so với bán trong nước. Tuy nhiên, việc duy trì thị phần xuất khẩu là bắt buộc để giảm rủi ro về thị trường cho doanh nghiệp thép, nhất là khi sức mua trong nước suy giảm.

Nhìn dài hạn hơn, ngành thép hiện nay không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn phải cạnh tranh với thép nhập từ Trung Quốc. Nếu giá điện của Việt Nam cao hơn giá điện Trung Quốc thì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp thép trong nước chắc chắn sẽ còn suy giảm. Vì thế, các doanh nghiệp cũng đặt ngược lại vấn đề với ngành điện rằng, cần công khai giá thành dòng điện đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng, xem có những chi phí bất hợp lý hay không.

Ngành điện không thể đặt ra giá và coi đó là giá thành để có thể tăng giá, mà phải công khai so sánh giá điện Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc. Cơ chế đầu tư kinh doanh truyền tải điện cũng cần sớm được công khai, minh bạch trước khi áp một mức tăng giá riêng cho các ngành hay mức chung cho người tiêu dùng.

Thu Hương

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dãn, giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp (01/05/2012)

>   Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt gần 3,5 tỉ USD (01/05/2012)

>   Đơn hàng xuất nhập khẩu giảm, logistics gặp khó (01/05/2012)

>   Cần “bà đỡ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (01/05/2012)

>   Giá cá tra sẽ được vực dậy trong 1-2 tháng tới (30/04/2012)

>   Đánh mất thương hiệu: Khóc cũng đã muộn! (30/04/2012)

>   Ngành thức ăn chăn nuôi điêu đứng (30/04/2012)

>   Nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 4 (30/04/2012)

>   Nông dân tiếp tục bán tháo cá tra (30/04/2012)

>   Cước phí tăng phi mã (30/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật