S-Fone thay tướng, có đổi được vận?
Chọn thời điểm đầy bất lợi để chuyển sang kinh doanh dịch vụ di động 3G, liệu S-Fone có thể làm gì để so găng cùng các đối thủ đã quá nặng ký?
Việc tiến lên 3G để tiếp tục duy trì sự tồn tại của S-Fone được giới chuyên gia trong làng viễn thông đánh giá là quá khó, nếu không muốn nói là không thể.
Kịch bản hậu CDMA
Xét về mặt thủ tục, S-Fone là nhà mạng duy nhất đến thời điểm này chưa được cấp phép 3G. Do đó để có thể cung cấp dịch vụ này, S-Fone cần liên kết với một đối tác trong nước. Theo nhận định của giới công nghệ, Viettel sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho S-Fone bởi doanh nghiệp này cũng vừa tiếp nhận EVN Telecom. Nếu chuyện này xảy ra, S-Fone có thể tận dụng được trạm BTS (cơ sở hạ tầng của EVN Telecom vẫn còn), thiết bị đầu cuối (do Viettel bắt đầu sản xuất điện thoại, máy tính). Trong trường hợp S-Fone muốn hỗ trợ thêm cho mạng GSM/GPRS giống như các mạng đối thủ thì việc hợp tác với một mạng GSM sẽ giúp S-Fone tiết kiệm được hơn rất nhiều chi phí cho việc đầu tư song song một mạng mới. Nhưng theo ông Hoàng Ngọc Diệp, cựu Tổng giám đốc Qualcom, điều này sẽ khó xảy ra vì Viettel đang chiếm phần lớn thị phần và họ không có lý do gì phải tiếp nhận lại một nhà mạng yếu kém toàn bộ mọi mặt như S-Fone.
Tính đến thời điểm này, S-Fone vẫn chưa đưa ra bất cứ thông điệp nào về kế hoạch thay đổi của mình. Thông tin duy nhất mà đại diện nhà mạng này hé mở là đang tiến hành đàm phán với một số đối tác trong và ngoài nước. Dẫu cho đơn vị nào được chọn lựa thì nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, chắc chắn số tiền đầu tư vào S-Fone sẽ không thể nhỏ hơn 500 triệu USD mà Hutchison đổ vào HT Mobile để chuyển đổi sang GSM (nay là Vietnamobile). Một chuyên gia viễn thông (xin được giấu tên) nhận định, khả năng tìm thấy lợi nhuận khi đầu tư vào nhà mạng ở giai đoạn "hấp hối" như S-Fone sẽ là cực khó. Do vậy nhà đầu tư chiến lược cần phải có thời gian để tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định rót vốn đầu tư. Đặc biệt, sau sự kiện VimpelCom xin rút khỏi thị trường Việt Nam do Beeline không mang lại hiệu quả kinh doanh như mong muốn, bất kể đối tác nào muốn đầu tư vào S-Fone cũng phải cân nhắc nhiều hơn. Và vì vậy, chắc chắn không thể một sớm một chiều mà S-Fone hoàn thành được kế hoạch lên 3G của mình.
Ðặt cược vào sự khác biệt
Cho dù sự lựa chọn của S-Fone là gì, ông Hoàng Ngọc Diệp vẫn nhấn mạnh, S-Fone chắc chắn sẽ phải tạo những khác biệt để cạnh tranh, vì nếu không thì cơ hội để họ thành công sẽ gần như không thể có. Bởi lẽ, thị trường 3G - con đường mà S-Fone đang chọn - hiện đang nằm trong tay 4 nhà mạng là Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnamobile với tổng cộng khoảng 12 triệu thuê bao. Nếu so với con số 100 triệu thuê bao đang hoạt động trên thị trường thì đây là một con số rất ít và cơ hội vẫn chia đều cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đang nắm tới 95% thị phần, trong khi đó S-Fone chỉ chiếm 0,53%, vậy nên, theo đánh giá của ông Hoàng Ngọc Diệp, cơ hội gia tăng thuê bao 3G nằm trọn trong tay các nhà mạng lớn. Còn theo nhiều chuyên gia về viễn thông nhận định, năm 2012 sẽ là năm các nhà mạng kích cầu 3G với cuộc đua về chất lượng dịch vụ, công nghệ… nên việc S-Fone tham gia thị trường trong thời điểm này gần như hoàn toàn bất lợi. Vậy điểm khác biệt của S-Fone so với các đối thủ sẽ là gì?
Trả lời câu hỏi này, ông Diệp dẫn ra thực tế, các mạng 3G khác đã phủ sóng rất rộng, hoạt động tương đối ổn định, cũng như họ đều có mạng GSM/GPRS song song để hỗ trợ. Vậy nên, cơ hội có được sự khác biệt từ S-Fone cũng vô cùng mong manh. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát của Nielsen về ứng dụng của 3G tại Việt Nam cho thấy, những giải pháp, ứng dụng và dịch vụ nâng cao của mobile data cho các khối doanh nghiệp viễn thông, nhà cung cấp thiết bị đầu cuối, nhà khai thác dịch vụ nội dung… vẫn còn ở mức sơ khai. Theo kết quả này, khách hàng của các nhà mạng trên chủ yếu sử dụng 3G để thay thế dịch vụ ADSL trong truy cập internet. Các dịch vụ như MobiTV, Video Call… chỉ có một bộ phận nhỏ khách hàng sử dụng. Về hình thức sử dụng, kết quả khảo sát của Nielsen cũng đưa ra thực tế, có đến 52% người sử dụng thông qua USB 3G, chỉ 48% số nguời dùng 3G trên các smartphone có tính năng 3G. Khách hàng sử dụng 3G vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố nên cơ hội mở rộng vùng phủ sóng cũng như phát triển của S-Fone là hoàn toàn có cơ sở nếu họ có đủ tiềm lực về tài chính, nhân lực và sự khác biệt về nội dung. Thế mạnh của S-Fone là những gói cước giá rẻ với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tạo được sự khác biệt trên thị trường như gọi nội mạng 0 đồng…
Và nếu S-Fone trở lại thì lời khuyên của một số chuyên gia viễn thông là trước mắt hãy tạo ra những gói cước với chương trình khuyến mãi khủng như Beeline để tăng lượng thuê bao, sau đó từng bước đưa ra những chiến lược giữ chân khách hàng. Thêm vào đó, khi đã chuyển sang 3G S-Fone sẽ giải quyết được bài toán thiết bị đầu cuối trước đó vốn chỉ cho phép tích hợp mạng CDMA. Nếu làm được điều này, S-Fone nên cho ra đời những gói cước 3G giá rẻ kèm theo máy điện thoại đời mới để hút khách.
Thách thức từ quản trị
Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn, ông Hoàng Ngọc Diệp lý giải, vấn đề của S-Fone bây giờ không phải là công nghệ nữa mà là câu chuyện về quản trị. Sự yếu kém của S-Fone trong suốt thời gian qua là do "sự thao túng của phía đối tác nước ngoài và sự yếu kém và sai lầm của phía trong nước".
Theo ông Diệp, đối tác của S-Fone là SK Telecom đã đưa ra những thiết bị công nghệ lỗi thời (CDMA 95A/B), những máy đầu cuối lỗi thời được tân trang lại (95A/B), giới hạn về vùng phủ sóng. Thêm vào đó, SK Telecom còn cố tình giới hạn máy đầu cuối như không sử dụng R-UUIM, không tương thích với SIM của GSM, phần mềm SMS lỗi thời… nên dịch vụ của S-Fone bị lạc hậu và yếu hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh từ mạng GSM. Chính vì lẽ đó, mặc dù S-Fone đã có kế hoạch kinh doanh và marketing rất tốt bằng những gói cước rẻ nhưng họ không thể nào triển khai được. Sau khi mất vài năm để khắc phục những trở ngại trên, SK Telecom vẫn tiếp tục khống chế các hoạt động phát triển thị trường, dịch vụ mới, nhằm tận dụng tính ưu việt của 3G mà công nghệ CDMA EV-DO hỗ trợ. Phía đối tác này cũng yêu cầu S-Fone giữ cầm chừng và giới hạn cạnh tranh ở mức chỉ được ngang hàng hoặc thấp hơn các mạng đối thủ GSM.
Thêm vào đó, cho đến bây giờ, từ phía S-Fone cũng vẫn không cho tiến hành những đợt kiểm tra mạng độc lập nhằm đánh giá được những sai trật, yếu kém và giới hạn của mạng, máy đầu cuối, các giải pháp cho những dịch vụ, hệ thống phân phối và kinh doanh…
Bích Ngọc
diễn đàn doanh nghiệp
|