Thứ Năm, 10/05/2012 08:46

Quỹ đầu tư Trung Quốc ngán mua nợ châu Âu?

Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC) đã ngừng mua trái phiếu chính phủ châu Âu do lo ngại khu vực này lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, hãng tin tài chính dẫn lời Chủ tịch CIC cho biết. Tuy nhiên, CIC vẫn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới tại lục địa già.

Trả lời phỏng vấn tại Addis Ababa, Ethiopia hôm qua (9/5), ông Gao Xiqing, Chủ tịch CIC, cho hay, những gì đang xảy ra ở châu Âu hiện nay thực sự là đáng lo ngại. "Chúng tôi vẫn theo dõi tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở châu Âu, cho dù không muốn mua bất kỳ trái phiếu chính phủ nào", ông nói.

Theo ông Xiqing, CIC muốn tăng cường đầu tư vào các quốc gia ở khu vực châu Phi. Hiện tại, những khoản đầu tư tài chính của quỹ này vào lục địa đen vẫn còn tương đối hạn chế, nguyên nhân là bởi các dự án ở đây không đủ lớn để đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc.

Thông tin về quyết định ngừng mua nợ châu Âu của quỹ đầu tư hàng đầu Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng về khả năng khủng hoảng nợ công tại lục địa già sẽ bẻ gãy nền kinh tế này và tác động dây chuyền tới các thị trường kinh tế, tài chính toàn thế giới.

Phiên giao dịch đêm 9/5, lợi suất trái phiếu chính phủ của một số nước châu Âu trong đó có Tây Ban Nha đã bất ngờ tăng vọt, khiến nhà đầu tư thêm lo lắng về nguy cơ một số nước khác sẽ nối gót Hy Lạp. Trong khi, tại Hy Lạp, việc thành lập chính phủ mới của các đảng phái vẫn trong thế bí.

Hiện tại, quyền thành lập chính phủ mới đang thuộc về Liên minh cánh tả (Syriza). Lãnh đạo Syriza, ông Alexis Tsipra, muốn thành lập chính phủ mới theo xu hướng bãi bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ông dự kiến hợp nhất các đảng nhằm phản đối các gói hỗ trợ tín dụng từ EU và IMF.

Theo hiến pháp Hy Lạp, ông Tsipra sẽ có 3 ngày để thành lập chính phủ mới. Ông Tsipras cho rằng cử tri Hy Lạp, thông qua lá phiếu, rõ ràng đã “không chấp nhận thỏa thuận cứu trợ”. Ông yêu cầu hai đảng chính của Hy Lạp chấm dứt ủng hộ biện pháp khắc khổ nếu muốn tham gia chính phủ.

Nếu Syriza không thành công trong việc liên kết các đảng phái, việc thành lập chính phủ mới ở Hy Lạp sẽ thuộc về đảng Xã hội. Và nếu tình hình tương tự lại xảy ra, Hy Lạp sẽ buộc phải bầu cử quốc hội lần nữa vào tháng 6 tới. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, đây có thể là lối thoát cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, đồng nghĩa với tình trạng bất ổn chính trị hiện nay ở Hy Lạp và việc dân chúng không ủng hộ các đảng chính thống vì thực hiện thắt lưng buộc bụng, những hoài nghi về khả năng quốc gia châu Âu này sẽ rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngày càng gia tăng trong vài ngày gần đây.

Mặc dù, sự ra đi này đã nằm trong tầm kiểm soát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu và không tới nỗi là một thảm họa, song ít nhiều gì thì việc Hy Lạp trở lại với đồng tiền riêng của quốc gia này cũng sẽ có tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư quốc tế đối với giá trị của đồng tiền chung Euro.

Việc Athens trở lại với đồng tiền riêng của họ sẽ mang lại lợi thế cho quốc gia này thay vì lâm vào cảnh vỡ nợ. Một khi mô hình ra đi và tái lập tại Hy Lạp thành công, một vài quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Ireland rất có khả năng sẽ tiếp bước tiến hành tái cấu trúc nợ và rời bỏ Khu vực đồng tiền chung.

Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cho rằng, nếu Bồ Đào Nha và Ireland cũng rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu thì sẽ không gây cú sốc lớn nào đối với các thị trường tài chính thế giới, nhưng đổi lại là Italy và Tây Ban Nha thì khu vực này chắc chắn sẽ tan rã, song nguy cơ này không thể xảy ra.

Trên thực tế, các vấn đề về nền kinh tế Italy đã trở thành mối lo ngại hàng đầu ở châu Âu trong nửa cuối năm 2011, còn tại Tây Ban Nha, dù tỷ lệ nợ công trong GDP thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Âu khác, song thất nghiệp của nước này ở mức cao, niềm tin thị trường ngày càng suy yếu mạnh hơn.

Trong khi đó, tại Pháp, chiến thắng của ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande cũng xuất phát từ việc ông không ủng hộ biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ông Hollande đã từng tuyên bố rằng, nhiều người “tìm thấy ở chúng tôi niềm hy vọng. Họ đang trông chờ chúng tôi và muốn chấm dứt tình trạng khắc khổ”.

Nếu chính phủ mới ở Pháp không ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đúng như cam kết trong quá trình tranh cử, giới phân tích hoài nghi, châu Âu sẽ lấy đâu ra những khoản tiền lớn để chữa trị các ca nợ công mới trong tương lai và cuộc khủng hoảng hiện tại rất có thể sẽ còn điêu đứng hơn.

Việc quỹ đầu tư hàng đầu Trung Quốc ngừng mua nợ châu Âu xuất phát từ lý do bất ổn kinh tế ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính, bởi lẽ nguồn tiền từ Trung Quốc được xem là "cứu tinh" của châu Âu trong bối cảnh lục địa này chìm sâu trong cơn đại hồng thủy nợ nần và nguy cơ suy giảm kinh tế.

Chuyến thăm châu Âu giữa năm ngoái của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được coi là đã mang lại niềm tin cho lục địa già. Phát biểu ngay khi tới Hungary, ông Ôn Gia Bảo đã nói, "niềm tin là thứ quan trọng hơn tiền và vàng. Bây giờ, trong cơn khủng hoảng nợ, chúng tôi mang đến niềm tin cho châu Âu".

Cao Hiền

tbktvn

Các tin tức khác

>   EFSF phê chuẩn khoản giải cứu khẩn cấp 5.2 tỷ EUR cho Hy Lạp (10/05/2012)

>   Hy Lạp sắp nhận tiền giải cứu, chứng khoán Mỹ rút ngắn đà giảm (10/05/2012)

>   Nhà đầu tư thoái lui: BRIC hết hấp dẫn? (10/05/2012)

>   Kinh tế Mỹ - Trung: Đối thoại để hóa giải bất đồng (09/05/2012)

>   S&P hạ bậc tín nhiệm của công ty mỹ phẩm Avon (09/05/2012)

>   Hy Lạp rời Eurozone - Phúc hay họa? (09/05/2012)

>   Hy Lạp sẽ bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng"? (09/05/2012)

>   Australia sẽ cắt giảm 17 tỷ USD chi tiêu chính phủ (09/05/2012)

>   Kinh tế châu Á trên đà tăng trưởng (09/05/2012)

>   Các nước phát triển: Giành lại lợi thế cạnh tranh? (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật