EFSF phê chuẩn khoản giải cứu khẩn cấp 5.2 tỷ EUR cho Hy Lạp
Các Chính phủ Eurozone đã đồng ý chi 5.2 tỷ EUR từ quỹ giải cứu khu vực cho Hy Lạp bất chấp sự phản đối của một số quốc gia thành viên sau kết quả bầu cử tại nước này.
* Hy Lạp rời Eurozone - Phúc hay họa?
Sau cuộc điện đàm, hội đồng của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) đã nhất trí về khoản giải cứu trên nhằm giúp nước này thanh toán số trái phiếu ngắn hạn cũng như các nghĩa vụ nợ khác.
Cụ thể, vào ngày thứ Năm (10/05) Hy Lạp sẽ nhận được 4.2 tỷ EUR và sau đó nhận tiếp 1 tỷ EUR phụ thuộc vào nhu cầu tài chính của nước này. Theo thông báo của EFSF, Hy Lạp chưa cần đến 1 tỷ EUR này cho đến tháng 6.
Giao dịch trên các thị trường trái phiếu và tiền tệ châu Âu diễn ra khá thận trọng do lo ngại hội đồng EFSF sẽ quyết định giữ lại khoản thanh toán này do sự thất vọng về tâm lý phản đối gói giải cứu từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của các đảng chính trị tại Hy Lạp.
Một quan chức tham dự cuộc họp cho Reuters biết sau cuộc họp: “Hy Lạp sẽ nhận được tiền giải cứu”. Một quan chức khác cho rằng khoản thanh toán sẽ được giải ngân và Hy Lạp sẽ nhận được 4.2 tỷ EUR đầu tiên vào ngày 10/05.
Nếu không nhận được số tiền trên, Hy Lạp sẽ đối mặt với những khó khăn về vốn vì thiếu tiền mặt để chi trả lương cũng như thanh toán cho 435 triệu EUR trái phiếu đáo hạn ngày 15/05. Được biết, số trái phiếu này không được chuyển đổi hoàn toàn thành số trái phiếu mới theo thỏa thuận tái cấu trúc nợ đạt được trong tháng trước.
Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách ứng phó với cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật của nước này, trong đó không đảng nào hội đủ đa số ghế tuyệt đối để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập Chính phủ và các đảng phản đối gói giải cứu giành được rất nhiều ghế. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng của Hy Lạp trong việc thực hiện đúng các cam kết với EU và IMF.
Một số quan chức cấp cao, bao gồm cả thành viên người Đức Joerg Asmussen của hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo Hy Lạp rằng nước này sẽ không thể tái đàm phán về các điều khoản của gói giải cứu cũng như không thể ở lại Eurozone.
Dù các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân Hy Lạp muốn tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung Eurozone nhưng nhiều người cũng muốn tái đàm phán lại gói giải cứu hoặc từ bỏ hoàn toàn gói giải cứu này.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|