Kinh tế châu Á trên đà tăng trưởng
Ngày 8-5, Cơ quan Thống kê quốc gia (BPS) cho biết Indonesia đã đạt được đà tăng trưởng kinh tế cao trong quý 1-2012, với mức tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2011 và 1,4% so với quý 4-2011. Chỉ số kinh tế tích cực của Indonesia và một số các quốc gia trong khu vực châu Á tiếp tục củng cố những nhận định cho rằng châu Á là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay.
Tăng trưởng 6% trong năm 2012
Theo BPS, các lĩnh vực kinh tế của Indonesia có tỷ lệ tăng trưởng cao trong ba tháng đầu năm nay là nông-lâm-ngư nghiệp và chăn nuôi (20,9%), giao thông vận tải và thông tin liên lạc (10,3%), tài chính, bất động sản, dịch vụ (8,5%), xuất khẩu (7,8%), xây dựng (7,3%). Một quốc gia khác tại Đông Nam Á là Singapore cũng có tỷ lệ tăng trưởng cao, đạt 9,9% trong quý 1-2012. Tốc độ này cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích trước đó. Ngân hàng trung ương Singapore nâng dự báo lạm phát năm nay của nước này lên 3,5-4,5%, cao hơn so với dự báo 2,5-3,5% trước đây.
|
Tăng trưởng kinh tế cao thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân Indonesia. |
Ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc công bố các chỉ số kinh tế cho thấy mức tăng trưởng của nước này đạt mức 8,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua do xuất khẩu giảm, được cho là đang đi đúng theo hướng điều chỉnh kinh tế của chính phủ Trung Quốc khi không còn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nóng, thay vào đó là tăng trưởng bền vững để chuẩn bị cho cuộc “hạ cánh mềm” tránh những nguy cơ rủi ro cao. Tại Hàn Quốc, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 1 tăng nhanh với tỷ lệ 0,9%, đạt mức 2,8%, bất kể tác động của chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu và kinh tế chững lại tại Trung Quốc.
Những thách thức và rủi ro tiềm ẩn
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, IMF nhận định sau khi tăng trưởng chậm lại trong quý 4-2011, tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ mạnh hơn và sẽ đạt 6% trong năm 2012 và 6,5% trong năm 2013, nhưng thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách châu Á vẫn là điều chỉnh chính sách để đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng ổn định và không lạm phát.
Tuy nhiên, kinh tế châu Á vẫn tiềm ẩn nhiều biến cố cần được xử lý thận trọng. Mặc dù dòng vốn nước ngoài đổ vào các nền kinh tế mới nổi của châu Á phục hồi mạnh trong năm 2012, nhưng tỷ lệ lạm phát trong nhiều nền kinh tế châu Á đã tăng cao. Những khó khăn đang tăng lên của các nền kinh tế châu Âu cũng là hiểm họa đối với châu Á, đặc biệt xuất khẩu của châu Á sang các nền kinh tế phát triển giảm mạnh và nguy cơ đảo chiều của dòng vốn nước ngoài sẽ tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Á.
Giá năng lượng càng biến động và tăng cao, nguy cơ đối với các nền kinh tế châu Á càng lớn, làm căng thẳng giữa sức ép lạm phát, sức ép ngân sách do phải tăng trợ cấp năng lượng và trợ cấp lương thực. Các nỗ lực ổn định các điều kiện kinh tế và tài chính trong năm 2012 tuy có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng gây quá nóng nền kinh tế.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh cho đến nay, các nền tảng chính sách và kinh tế đã giúp các nền kinh tế châu Á chống lại được tác động bất lợi của thị trường tài chính từ cuộc khủng hoảng của khu vực eurozone nhưng cách thức hiệu quả nhất để tự bảo vệ khỏi các cú sốc từ bên ngoài là tăng cường các nguồn tăng trưởng từ trong nước. Tái cân bằng nền kinh tế vẫn phải là ưu tiên chính sách của nhiều nước châu Á.
Ngày 8-5, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tạo cân bằng giữa thắt chặt chi tiêu và tăng trưởng. Theo bà Lagarde, nền kinh tế thế giới cần phát triển cao hơn, bền vững hơn và để có được điều này phụ thuộc nhiều vào một sự phối hợp chuẩn, vận hành linh hoạt các chính sách kinh tế. Tổng giám đốc IMF cho rằng các nền kinh tế phát triển cần quyết liệt giải quyết núi nợ công, khi mà tỷ lệ này chiếm 109% tổng GDP của các nền kinh tế trên, mức cao nhất từ Thế chiến II. Tuy nhiên, giải pháp thắt lưng buộc bụng của các nền kinh tế lớn đang kìm hãm và tác động ngược lại vào sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, ngoài việc cắt giảm chi tiêu, các nền kinh tế lớn còn phải tập hướng đến tăng trưởng.
V.CAO |
THANH HẰNG
sggp
|