Thứ Tư, 16/05/2012 09:14

Làm nóng cổ phần hóa, quyết tâm không thể nguội

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, địa phương, các DNNN tập trung “xốc” lại quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 4 DNNN. Sự chậm trễ này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, theo một lãnh đạo Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ, yếu tố quyết định là sự vào cuộc của các bộ, địa phương có phần chưa quyết liệt. Bởi vậy muốn đẩy nhanh cổ phần hóa các DNNN, rất cần “xốc” lại quyết tâm.

IPO sẽ “nóng” từ quý III/2012?

Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN tại các bộ, địa phương. Theo đó, hiện cả nước còn 1.309 DN 100% vốn nhà nước. Từ nay đến năm 2015, có 692 DN được Nhà nước giữ 100% vốn, còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa…

Theo vị lãnh đạo Vụ Đổi mới DN, trên cơ sở các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, địa phương đang tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa các DN. Tuy nhiên, ngoài yếu tố khách quan là diễn biến vĩ mô, TTCK không thuận lợi cho việc triển khai các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thì những đặc thù của giai đoạn cổ phần hóa này cũng đang làm chậm tiến trình chuyển đổi sở hữu các DNNN. Trong số DN thuộc diện cổ phần hóa còn lại, nhiều DN có quy mô vốn lớn, cơ cấu tài sản, đặc biệt là trụ sở, đất đai, công nợ… phức tạp, nên khó hoàn tất xác định giá trị DN trong thời gian ngắn. Như thông lệ hàng năm, quý I/2012 là thời điểm các bộ, địa phương tập trung chỉ đạo DN hoàn tất khâu xác định giá trị DN. Quá trình này đang diễn ra khẩn trương, nhưng do đây là các khâu chuẩn bị cho việc chốt phương án cổ phần hóa, nên chưa được các bộ, địa phương công bố. Điều này phần nào giải thích tại sao thị trường và NĐT cảm nhận quá trình cổ phần hóa từ đầu năm đến nay diễn ra trầm lắng.

“Với nhiều DN đã cơ bản hoàn tất khâu xác định giá trị DN và chuẩn bị công bố, nếu bối cảnh vĩ mô cũng như TTCK ủng hộ các đợt IPO, thì nhiều khả năng bắt đầu từ quý III/2012 sẽ diễn ra nhiều đợt IPO. Qua đó, làm nóng trở lại tiến trình cổ phần hóa vốn bị chậm trễ trong suốt thời gian qua…”, vị lãnh đạo Vụ Đổi mới DN nhận định.

Tuy nhiên, trong khi sức nóng của tiến trình cổ phần hóa phần nhiều được thị trường, NĐT đo lường bằng số lượng các đợt IPO, thì rõ ràng, các khâu “tiền” IPO như xác định, công bố giá trị DN, đặc biệt là với các DN có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả và có tiềm năng phát triển bền vững… rất cần được các bộ, địa phương công khai, để hỗ trợ NĐT trong và ngoài nước chủ động có định hướng đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu mọi thông tin được “nén” lại và chỉ được công bố trước thời điểm tiến hành IPO, thì không chỉ khiến NĐT có cảm giác tiến trình cổ phần hóa đang bị nguội, mà còn khiến họ bị động trong việc lên kế hoạch tham gia IPO.

Cần xốc tại quyết tâm

Theo nhìn nhận của ông Doanh, tiến trình cổ phần hóa từ năm 2011 đến nay gần như bị ngưng trệ, đúng là có nguyên nhân khách quan, nhưng yếu tố quyết định vẫn là do các bộ, địa phương chưa quyết liệt vào cuộc.

Hãy hình dung, ngay cả khi khả năng hấp thụ hàng hóa của TTCK gặp khó khăn, nhưng nếu các bộ, địa phương chọn cổ phần hóa sớm các DN kinh doanh hiệu quả, có triển vọng tăng trưởng khả quan..., thì khả năng IPO thành công vẫn cao, bởi thị trường luôn muốn có thêm những mặt hàng có chất lượng.

Nhiều NĐT nước ngoài, trong đó có NĐT Nhật Bản, hiện rất muốn tham gia các đợt IPO lớn. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu USD để sở hữu cổ phần tại các DN lớn, có hiệu quả kinh doanh tốt, có triển vọng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, nhu cầu của họ vẫn chỉ dừng lại ở dự định, bởi suốt từ năm ngoái đến nay chưa diễn ra đợt IPO nào đủ sức hấp dẫn.

“Nói như vậy để thấy rằng, sức hấp thụ hàng hóa của TTCK còn thấp, nếu có cản trở đến tiến trình cổ phần hóa chỉ là yếu tố thứ yếu. Điều quan trọng là chúng ta có chào bán những DN mà NĐT có nhu cầu, hay chỉ đưa ra những mặt hàng kém chất lượng, không thu hút được sự quan tâm của NĐT”, ông Doanh nói.

Trong khi tiến trình cổ phần hóa các DNNN bắt đầu được triển khai từ năm 1992 đã mang lại hiệu quả rõ rệt với việc các DN được chuyển đổi sở hữu đã có nhiều thay đổi lớn về quản trị và hoạt động, theo ông Doanh, không có lý do gì lại trì hoãn tiến trình này. Bởi vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, địa phương, các DNNN tập trung “xốc” lại quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa trong thời gian tới. TTCK sẽ còn biến động khó lường, trong đó có cả trạng thái không ủng hộ IPO. Nếu vậy, chẳng lẽ tiến trình cổ phần hóa vẫn chậm trễ như hiện tại?

Vị lãnh đạo Vụ Đổi mới DN cho rằng, trên cơ sở hầu hết phương án sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều quan trọng là các bộ, địa phương cần quyết liệt tổ chức triển khai, nếu để tinh thần có phần chùng xuống như thời gian qua, thì rất khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn tới.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa xong gần 4.000 doanh nghiệp nhà nước (07/05/2012)

>   Vietnam Airlines chuẩn bị IPO: Kỳ vọng và thực tế (22/04/2012)

>   VNPT đề nghị không cổ phần hóa MobiFone (19/04/2012)

>   VietnamAirlines chọn nước ngoài tư vấn IPO (17/04/2012)

>   Năm 2012, cổ phần hóa Vinatex (13/04/2012)

>   Tập đoàn Cao su không “ém” doanh nghiệp tốt (07/04/2012)

>   Vietnam Airlines lên kế hoạch cổ phần hóa năm 2013 (05/04/2012)

>   “Hô biến” doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần? (04/04/2012)

>   CLG: Ông Đàm Quang Trực thôi nhiệm Phó TGĐ (03/04/2012)

>   Chưa CPH Tập đoàn cao su trước năm 2015 (02/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật