Thứ Tư, 04/04/2012 10:01

“Hô biến” doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần?

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) vừa đề xuất giải pháp kỹ thuật táo bạo nhằm chuyển đổi nhanh toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, mà mục đích là điều tiết hiệu quả hơn đóng góp của khối doanh nghiệp này cho ngân sách nhà nước.

Theo đề xuất này, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được chuyển ngay thành công ty cổ phần với 3 cổ đông pháp nhân ban đầu là đại diện công đoàn, nắm giữ 1 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng; đại diện tổ chức đảng cơ sở nắm giữ 1 cổ phần; Nhà nước – đại diện là các bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty – nắm giữ 99,99% vốn.

Chính ý kiến từ Vafi cũng nhận định đây không phải là hình thức cổ phần hóa mà chỉ đơn thuần là dùng biện pháp kỹ thuật để chuyển nhanh toàn bộ doanh nghiệp nhà nước một thành viên thành công ty cổ phần với 3 cổ đông: “Khi triển khai thực hiện giải pháp này, không cần phải thành lập Ban cổ phần hóa tại doanh nghiệp, không cần phải kiểm kê định giá doanh nghiệp, không cần phải IPO… mà chỉ đơn thuần bằng một quyết định chuyển đổi với các dữ liệu theo sổ sách kế toán”.

Mục đích quan trọng của giải pháp này – theo Vafi – là điều tiết lợi nhuận sau thuế để đóng góp cho ngân sách nhà nước. Theo cơ chế hiện hành, toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước được để lại doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước không có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức cho nhà nước như tại các công ty cổ phần có cổ phần nhà nước.

“Thật là không công bằng khi nhiều doanh nghiệp nhà nước được hưởng cơ chế độc quyền kinh doanh, được quản lý kinh doanh nguồn tài nguyên lớn của đất nước như Mobiefone, Vinaphone, Viettell, Petro Vietnam, Tập đoàn Than Khoáng sản…. lại không phải đóng cổ tức cho nhà nước trong khi rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa ở vị thế kinh doanh kém hơn nhiều, thu nhập người lao động thấp hơn nhiều thì vẫn tích cực nộp tiền cổ tức cho nhà nước. Đừng coi tiền cổ tức là nhỏ, mà là rất lớn đối với từng doanh nghiệp và với toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có cổ phần nhà nước”, Vafi phân tích.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra rằng toàn bộ cổ tức được chia tại công ty cổ phần có vốn nhà nước phải nộp cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn như Thái Lan, hiện Chính phủ chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục doanh nghiệp lớn nhưng hàng năm tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.

Vafi ước tính nếu thực hiện giải pháp được đề xuất từ năm 2013, tổng số tiền cổ tức thu được khoảng 3 tỷ USD đến 4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 15% tổng thu ngân sách nếu các cơ quan nhà nước đòi hỏi chặt chẽ với khối doanh nghiệp nhà nước.

Vafi cũng khẳng định một lợi ích nữa của việc chuyển đổi, là nâng cao chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước. Từ trước tới nay, chúng ta chưa đòi hỏi nhiều ở giới lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, hay nói cách khác là quá dễ dãi với người quản lý các doanh nghiệp này. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước coi nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận, miễn sao chỉ có lãi là tồn tại mà không cần lãi nhiều. Đó là chưa kể đến việc nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước vung tay đầu tư, sử dụng hết phần cổ tức của các công ty con, lợi nhuận của tập đoàn, thậm chí vay nợ lớn để đầu tư dàn trải, rồi lại tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới…

“Từ thực hiện giải pháp nói trên để có cơ sở  buộc khối doanh nghiệp nhà nước phải có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức hàng năm theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng hoặc theo mức cổ tức bình quân trong ngành là nhằm đào thải những nhà quản lý yếu kém , buộc giới quản lý doanh nghiệp phải chú trọng tuyển dụng và trân trọng người tài”.

Khánh Hà

tbktvn

Các tin tức khác

>   CLG: Ông Đàm Quang Trực thôi nhiệm Phó TGĐ (03/04/2012)

>   Chưa CPH Tập đoàn cao su trước năm 2015 (02/04/2012)

>   Sabeco: 4 hãng bia nước ngoài muốn làm cổ đông chiến lược (27/03/2012)

>   EVE: Phó Tổng giám đốc đã bán 190,000 cp (21/03/2012)

>   Muốn CPH doanh nghiệp FDI: Cần hóa giải “chốt” 30%, 49% (14/03/2012)

>   Vietnam Airlines hoãn IPO đến cuối 2013 (14/03/2012)

>   Ba NĐT nước ngoài quan tâm đến cổ phần Nhà máy Dung Quất (13/03/2012)

>   Chuẩn bị bán 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất (10/03/2012)

>   Vướng mắc cổ phần hoá nhìn từ Sabeco (17/02/2012)

>   Thay đổi tư duy cổ phần hóa (15/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật