Muốn CPH doanh nghiệp FDI: Cần hóa giải “chốt” 30%, 49%
Việc cổ phần hóa (CPH) và niêm yết doanh nghiệp FDI từ lâu đã bị ngưng trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Muốn tháo gỡ tình trạng này, cần hóa giải “chốt” 30% và 49%.
ĐTCK trao đổi với chuyên gia tài chính, chứng khoán Huy Nam (ảnh) về vấn đề này.
Ông Huy Nam |
Sau một thời gian làm rầm rộ, việc CPH và niêm yết DN FDI đã gần như ngừng hẳn từ 3 năm qua. Nguyên nhân chính là gì, theo ông?
Nguyên nhân chính, theo tôi, là do một số quy định chưa thông thoáng như tại Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, cũng như tại Nghị định 101/2006/NĐ-CP quy định về đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP, các DN FDI khi CPH và niêm yết phải giữ lại tối thiểu 30% vốn của NĐT nước ngoài nếu muốn tiếp tục hưởng ưu đãi. Quy định này nhằm ngăn ngừa NĐT thoái vốn, nhưng thực tế không hiệu quả như mong muốn, đặc biệt khi có Quyết định 55/2009/QĐ-TTg - khống chế NĐT nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phần tại một DN niêm yết.
Quyết định 55/2009/QĐ-TTg đã vô tình “ép” DN 100% vốn đầu tư nước ngoài khi muốn CPH và niêm yết phải thoái bớt vốn. Điều này đi ngược mong muốn của chúng ta là tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giữ dòng vốn này ở lại. Việc khống chế “cứng” tỷ lệ 49% thực tế đang cản trở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi khi NĐT muốn đầu tư thêm vốn nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, thì không thể thực hiện, trừ khi… bỏ niêm yết.
Việc đưa ra giới hạn nằm trên 30% vốn thực tế không mang lại nhiều ý nghĩa, bởi các ưu đãi về giá thuê đất, thuế… thường áp dụng với các DN trong những năm đầu hoạt động. Khi họ thực hiện CPH và niêm yết, thì các ưu đãi này gần như không còn giá trị, hay nói khác, họ đã hưởng hết rồi. Hơn nữa, khi họ đã quyết tâm thoái vốn, thì việc ưu đãi có ích gì?
Vậy cách nào để hóa giải các chốt chặn 30% và 49%, thưa ông?
Cần thấy rằng, ranh giới giữa đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) không còn quá rạch ròi. Chẳng hạn, khi CPH doanh nghiệp FDI, một NĐT nước ngoài nắm giữ 30% cổ phần tại DN này, thì anh ta là NĐT trực tiếp. Thế nhưng, khi DN này niêm yết, một NĐT nước ngoài khác mua cổ phần với tỷ lệ trên 10%, thì được coi là NĐT gián tiếp. Thế nhưng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, do NĐT sở hữu trên 10% cổ phần tại một DN, nên anh ta có quyền tham gia HĐQT. Nếu NĐT tham gia điều hành DN, thì khi đó, NĐT này lại trở thành NĐT trực tiếp. Điều này tạo ra tình trạng bất ổn là trong cùng một DN FDI niêm yết, nhưng có hai loại NĐT nước ngoài: NĐT trực tiếp và NĐT gián tiếp. Thực tế này đặt ra vấn đề có nên phân định rạch ròi giữa đầu tư FDI và FII không, nếu có thì theo tiêu chí nào?
Theo thông lệ quốc tế, một NĐT nắm giữ trên 10% cổ phần của một DN tại một nước nào đó, thì được coi là NĐT nước ngoài. Nếu họ chỉ mua cổ phần, thậm chí mua tới 30-40% nhưng đứng ngoài hoạt động điều hành của DN, thì là NĐT gián tiếp. Nếu anh ta chỉ mua trên 10% nhưng tham gia quản lý DN, thì đó là đầu tư trực tiếp. Phân tích như vậy để thấy không nên nhọc công tìm cách phân định quá rạch ròi giữa đầu tư FDI và FII, mà điều cốt yếu của thu hút đầu tư nước ngoài là có thu hút được lượng vốn lớn không, dòng vốn này có lưu lại lâu, có góp phần nâng cao quản trị DN nội địa, giải quyết nhiều công ăn việc làm không…? Với cách đặt vấn đề như vậy, đã đến lúc Việt Nam nên xem xét bỏ khống chế tỷ lệ 49%, nhằm cho phép NĐT nước ngoài được mua thêm cổ phần, thậm chí mua tới 100% nếu họ nhận thấy triển vọng kinh doanh tốt, có cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam. Không ai chiếm sở hữu áp đảo trong một công ty để rồi bỏ mặc nó cả…
Nhưng nếu bỏ trần 49%, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kiểm soát tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với các lĩnh vực mà Việt Nam cần nắm cổ phần chi phối?
Việc xem xét điều chỉnh tỷ lệ sàn 30% và trần 49% không áp dụng đồng loạt cho tất cả các lĩnh vực. Tùy lĩnh vực cần nắm cổ phần chi phối, chẳng hạn như ngân hàng, kiểm toán, một số loại hình dịch vụ… mà Việt Nam đưa ra quy định khống chế trần sở hữu đối với NĐT nước ngoài. Tháo gỡ vướng mắc này sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, thay vì loay hoay đi tìm cơ chế ưu đãi như hiện tại.
Việc nới room cho NĐT nước ngoài không dễ tạo ra một làn sóng mua DN niêm yết ồ ạt. Thực tế, trên TTCK hiện nay, chỉ có một vài DN hết room dành cho NĐT nước ngoài và đó chủ yếu là các trường hợp đặc biệt, còn đại đa số chẳng mấy được quan tâm. Việc bỏ trần 49% sẽ mở đường cho NĐT nước ngoài không có chủ trương thành lập DN mới, mà muốn mua lại DN trong nước đang trong tình trạng khó khăn, để vực dậy sản xuất, qua đó gia tăng đóng thuế cho Nhà nước, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Việc này chủ yếu sẽ thu hút các NĐT trực tiếp.
Có phải vì những vướng mắc trên mà đa phần DN FDI đang niêm yết có kết quả hoạt động kém ấn tượng, không thu hút được sự quan tâm của NĐT và thị trường?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó không loại trừ một số bất cập của quy định pháp lý hiện hành đã khiến quá trình xác định giá trị DN thiếu chuẩn xác khi CPH và niêm yết, nên không thu hút được sự quan tâm của NĐT. Bên cạnh đó, cũng đã xảy ra các hành xử khác ngoài mong đợi.
Với đặc thù hình thành và hoạt động của DN FDI trong quá khứ, thì việc xác định giá trị DN FDI sẽ khác với DNNN và DN tư nhân trong nước CPH. Nói rõ hơn, việc chuyển đổi hình thức DN FDI trên cơ sở nguyên canh nguyên cư khác với việc dựng mới một DNNN hay DN tư nhân trong nước - chuyển đổi khác với CPH hiểu theo nghĩa đại chúng hoá. Do có sự ưu đãi và kết ước, khi xác định giá trị DN đối với DN FDI để CPH, nên cân nhắc cho từng trường hợp, có thể xét đến yếu tố thời hiệu hoạt động, theo thời gian mà DN còn được phép hoạt động. Chẳng hạn, DN được hoạt động 40 năm tại Việt Nam, nhưng nay đã hoạt động được 20 năm, thì thời gian hoạt động còn lại được tính là 20 năm, việc này phản ánh sát hơn giá trị DN. Việc định giá phải căn cứ vào các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng và điều lệ liên doanh, cũng như giấy chứng nhận đầu tư.
Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|