Tập đoàn Cao su không “ém” doanh nghiệp tốt
Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các DN trực thuộc của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giai đoạn 2012 - 2015 khiến thị trường đặt câu hỏi, có phải VRG đang cố tình chậm CPH các DN tốt?
ĐTCK đã trao đổi với ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc VRG.
Theo phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc VRG giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì trước năm 2015 chưa CPH 22 DN trồng và chế biến cao su. Có phải VRG cố tình chậm CPH các DN sản xuất - kinh doanh hiệu quả, thưa ông?
Không hề có chuyện này. Thực ra, phương án sắp xếp, CPH 22 công ty TNHH một thành viên trồng và chế biến cao su đã được phê duyệt trước khi Phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc VRG giai đoạn 2012 - 2015 vừa được phê duyệt. Theo đó, tất cả các DN này sẽ được sắp xếp, CPH trước năm 2020, trong đó có một số DN được CPH trước năm 2015 như Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Long, Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng.
Theo kế hoạch, mỗi năm VRG sẽ CPH 2 - 3 DN. Tuy nhiên, do bối cảnh vĩ mô khó khăn, TTCK không thuận lợi cho CPH, nên VRG đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn tiến độ trong giai đoạn 2012 - 2015. Thực tế, các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu trong bối cảnh TTCK suy giảm khiến Nhà nước không thu được khoản thặng dư vốn tương xứng với giá trị thực tại DN. Tuy nhiên, việc giãn tiến độ này không ảnh hưởng đến lộ trình CPH các DN thành viên của VRG từ nay đến trước năm 2020.
Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam sẽ được CPH trong giai đoạn 2012 - 2015, nhưng thị trường đánh giá DN này hoạt động kém minh bạch, không mấy hiệu quả, nên không dễ CPH xong trước năm 2015. Quan điểm của ông trước nhận định này?
Là định chế tài chính thuộc VRG, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ mà công ty mẹ giao. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung cao độ cho lĩnh vực hoạt động cốt lõi, cũng như kế hoạch sắp xếp các DN thực thuộc, nên VRG đang nỗ lực hoàn thành CPH công ty này trước năm 2015, với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là trên 50% vốn điều lệ. VRG đang xây dựng phương án và kế hoạch triển khai chi tiết. Nếu điều kiện thuận lợi, thì sẽ bắt đầu triển khai các bước CPH từ năm 2013.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhất là khỏi các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… Thưa ông, hiện tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của VRG là bao nhiêu và kế hoạch thoái vốn ra sao?
So với quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phép đầu tư ra ngoài ngành tối đa 30% tổng vốn đầu tư, thì tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngành của VRG vẫn nằm trong giới hạn cho phép, bởi hiện chiếm 19,7%. Trong đó, VRG đầu tư rất ít vào chứng khoán và bất động sản. Dẫu vậy, VRG đang nỗ lực thoái vốn để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính.
Theo đó, từ nay đến năm 2015, VRG sẽ thoái vốn tại 6 công ty con như: CTCP Kho vận và dịch vụ hàng hóa, CTCP Khu công nghiệp Hố Nai, CTCP Gỗ MDF-Geruco Quảng Trị… và 9 công ty liên kết, đầu tư dài hạn như: Công ty chứng khoán SHS, Quỹ đầu tư Việt Nam, CTCP Du lịch quốc tế Vũng Tàu…
Trước mắt, VRG sẽ hoàn tất thoái vốn tại bao nhiêu DN trong năm nay?
VRG đang xây dựng kế hoạch thoái vốn chi tiết cho giai đoạn từ nay đến năm 2015 và sau năm 2015, để cuối tháng 4 này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi được phê duyệt, VRG sẽ triển khai lộ trình thoái vốn theo đúng quy định. Với các khoản đầu tư tài chính và đầu tư vào các dự án, công trình đã đưa vào khai thác, thì thoái vốn khá thuận lợi khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định hơn.
Tuy nhiên, việc thoái vốn tại các dự án dang dở sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi dự án khó chuyển nhượng, hoặc cố bán sẽ bị lỗ. Do đó, trong kế hoạch thoái vốn chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VRG kiến nghị cho phép được tiếp tục đầu tư hợp lý vào các dự án này, để không chỉ bảo toàn, mà còn sinh lời cho khoản vốn đầu tư.
Hữu Hòe thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|