Góc nhìn 30/05: Khó tìm được lạc quan
Trước tình hình thanh khoản ngày càng bế tắc, các chuyên gia đều nhận định thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong phiên ngày mai (30/05). Với kịch bản lạc quan thị trường sẽ giằng co quanh vùng hiện tại.
Tiếp tục giằng co quanh vùng hỗ trợ
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Quan sát đợt đẩy lên tại một số mã chủ chốt trong phiên chiều có thể thấy áp lực bán đang chực chờ ở vùng tham chiếu của các mã này, tuy nhiên lực đẩy lên là không lớn cho nên chúng tôi vẫn chưa kiểm chứng được rõ ràng tâm lý bên bán trong thời gian ngắn trên. Với độ rộng thị trường diễn biến theo chiều hướng tiêu cực như phiên hôm nay, VN-Index có thể giằng co quanh vùng hỗ trợ thêm một hoặc hai phiên.
Ngoài ra, rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại chính là lực cầu càng ngày càng suy yếu sẽ khiến bên bán dần mất đi kiên nhẫn, song chúng tôi vẫn kỳ vọng vùng điểm hiện tại của VN-Index là vùng hỗ trợ tâm lý khá vững đối với NĐT.
Kiên nhẫn quan sát
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Dù ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 420 điểm vẫn được an toàn và thị trường đã lui về mặt bằng giá mới, hấp dẫn hơn nhưng trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần kiên nhẫn theo dõi thêm diễn biến thị trường trước khi có các hướng đi cụ thể.
Trong trường hợp nhà đầu tư muốn cơ cấu lại danh mục, theo quan điểm của chúng tôi, việc giải ngân sẽ là quyết định dễ thực hiện hơn nếu so với việc bán ra vào lúc này. Khi đó, với quan điểm đầu tư ngắn hạn và chấp nhận rủi ro, việc xuống tiền từng phần vào các cổ phiếu tốt, có thanh khoản trong khi phần đông thị trường vẫn đang lưỡng lự có thể sẽ đem lại một số lợi thế nhất định, dễ nhận thấy nhất là lợi thế về mặt T+
Lực bán yếu dần, nhà đầu tư do dự
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Khối lượng giao dịch xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng Hai. Mặc dù điều này cho thấy lực bán đang yếu dần, nhưng cũng không đảm bảo thị trường sẽ tăng trở lại nếu lực cầu không được cải thiện.
Trong các phiên tới, xu hướng “lình xình” có thể tiếp tục. VN-Index có thể tiếp tục dao động trong vùng hẹp 425-453.
Tương tự, VN30-Index có thể cũng tiếp tục giằng co cho đến khi phá ra khỏi vùng hẹp 500-523. Nếu vượt 523, VN30-Index có thể quay về đỉnh trước ở 561. Ngược lại, nếu giảm thấp hơn 500, VN30-Index có thể quay lại vùng hỗ trợ mạnh 465-475, đồng thời là mức Fibonacci 50%.
Cây nến Doji hình thành cùng khối lượng giao dịch thấp cho thấy sự do dự của nhà đầu tư. Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục dao động trong vùng 73-78.
Có thể lùi về vùng hỗ trợ 415 - 420?
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Liên tiếp trong các ngày qua, các thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường đã được đưa ra. Mới nhất là trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thông tin sẽ tăng giới hạn góp vốn cổ phần của các tổ chức nước ngoài tại các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phần nào tác động kích thích tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thực tế vẫn cần thời gian để các tác động đó được kiểm chứng rõ ràng, điều này cũng lý giải cho tâm lý khá thận trọng của nhà đầu tư trong thời gian này.
Theo đó, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm thị trường trong ngắn hạn khó có tín hiệu khả quan hơn. Kịch bản hợp lý cho phiên ngày mai (30/05) là VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm. Hơn nữa, với khả năng xấu hơn VN-Index sẽ lùi sâu về test vùng hỗ trợ 415 – 420 điểm.
Áp lực bán vẫn sẽ cao
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Xu hướng chung của thị trường ngày 29/05 vẫn là giảm điểm, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn góp vai chính kéo thị trường đi xuống.
Thanh khoản giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn xuống 1,000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại. Điều này cho thấy thị trường đang rất thiếu động lực trong giai đoạn này, bất chấp những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô. Có lẽ sau 1 con sóng kéo dài tới 5 tháng, thị trường cần có thêm thời gian để tích lũy.
Do thiếu động lực, nếu có những đợt hồi phục ngắn hạn thì áp lực bán vẫn sẽ ở mức cao Với bối cảnh hiện tại của thị trường, chúng tôi cho rằng lợi nhuận kỳ vọng sẽ không tương xứng với mức độ rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn này.
Minh Phương tổng hợp (Vietstock)
finfonet
|