Thứ Sáu, 25/05/2012 10:29

Khép tội trong lĩnh vực chứng khoán, cần cụ thể mọi tình tiết

Đó là ý kiến của ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC khi trao đổi với ĐTCK về việc kết tội đối với các hành vi vi phạm trên TTCK.

Liên bộ Tư pháp, Công an, Tài chính cùng với TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đang phối hợp soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán. Ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC chia sẻ cách nhìn với ĐTCK.

Là luật sư, đồng thời là lãnh đạo DN niêm yết, tham gia sở hữu CTCK, ông có nhận xét gì về những hành vi vi phạm đã và đang diễn ra trên TTCK Việt Nam?

Trước hết, cần khẳng định rằng, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mới là nơi có thể đưa ra những bình luận chính xác và tổng thể về các hành vi vi phạm đã và đang diễn ra trên TTCK Việt Nam. Tuy vậy, qua quá trình tham gia tư vấn bảo vệ quyền lợi cho các NĐT, các CTCK và doanh nghiệp niêm yết, tôi cũng thấy xuất hiện khá nhiều hành vi làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường, gây hại đến quyền lợi của những NĐT và doanh nghiệp chân chính.

So với thế giới, TTCK Việt Nam còn rất non trẻ; đa số NĐT thiếu kinh nghiệm; quy định pháp luật điều chỉnh chưa hoàn thiện; thông tin ở Việt Nam nói chung và trên TTCK nói riêng còn thiếu minh bạch; bộ máy quản lý đang trong quá trình xây dựng và củng cố; nguồn lực và năng lực giám sát của các cơ quan quản lý cũng còn nhiều hạn chế. Nói điều này để giải thích cho tình trạng vi phạm, thiếu công bằng diễn ra trên thị trường.

Quan sát của tôi trong nhiều năm qua còn cho thấy, cùng với sự phát triển của thị trường, các hành vi vi phạm diễn ra dưới hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp. Các vụ việc doanh nghiệp cố tình đưa thông tin sai lệch, gây nhiễu thị trường hay một số cá nhân lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi diễn ra ngày càng nhiều.

Chính sự gây nhiễu, thiếu minh bạch và kỷ cương trên TTCK mà nhiều NĐT tiềm năng còn e ngại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009, việc quy định các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán là một trong những nội dung quan trọng. Ông có bình luận như thế nào về các tội danh này?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 đã bổ sung ba điều luật quan trọng: Điều 181a quy định về tội công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, Điều 181b quy định về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và Điều 181c quy định về tội thao túng giá chứng khoán. Đây là những hành vi gây hại điển hình, cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường, bảo vệ quyền lợi của các NĐT chính đáng.

Tuy nhiên, các điều khoản này mới chỉ đưa ra quy định chung về hành vi phạm tội, các khung hình phạt. Nhiều tình tiết định tội và định khung hình phạt chưa được cụ thể hóa. Lấy ví dụ như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, hay “ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán”... Việc cụ thể hóa các tình tiết này là rất quan trọng và cần thiết, làm cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai áp dụng, tránh hiện tượng tiêu cực và lạm dụng, cũng như để xác định ranh giới rõ ràng cho các NĐT, nhà quản lý doanh nghiệp và các đối tượng khác quyết định hành động của mình.

Các tình tiết định tội và định khung mà ông vừa phân tích đang được Liên bộ nghiên cứu hướng dẫn cụ thể. Theo ông, các mức định lượng được đưa ra trong dự thảo Thông tư có phù hợp không?

Trước hết, tôi muốn giải thích rằng, việc đưa ra các mức cụ thể để xác định các tình tiết định tội là rất quan trọng. Nó xác định rằng, hành vi gây hại trên mức đó thì bị coi là phạm tội - tức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần xử lý hình sự; dưới mức đó thì chỉ bị coi là hành vi vi phạm về hành chính. Đưa ra mức như thế nào thì lại cần giải quyết một số vấn đề sau. Thứ nhất, phải đủ sức răn đe cho những ai có ý định thực hiện hành vi vi phạm. Thứ hai, phải phù hợp với thực tiễn phát triển. Quy mô và trình độ phát triển của thị trường cho chúng ta ước tính con số giá trị của các giao dịch phổ biến và mức độ thiệt hại có thể xảy ra cho NĐT ở các giao dịch phổ biến.

Điểm thứ hai tôi muốn nói là chúng ta nên hiểu sự khó khăn của các nhà soạn thảo khi cố gắng đưa ra một con số cụ thể để lượng hóa các quy định chung (ví dụ, thiệt hại bao nhiêu tiền cho NĐT, hay thu lợi bất chính bao nhiêu tiền).

Khó không chỉ ở chỗ tìm cho được cơ sở kinh tế của các con số cụ thể đó, mà còn ở chỗ làm hài lòng được các đối tượng có lợi ích đối ngược nhau. Chính vì điều này mà tôi tin các cuộc tranh luận trên các diễn đàn hiện nay về con số 200 triệu đồng cho “thu lợi bất chính lớn” hay mức thiệt hại 1 tỷ đồng cho “hậu quả nghiêm trọng” như dự thảo Thông tư hiện tại đưa ra sẽ còn kéo dài và khó kết thúc một cách thuyết phục.

Để sớm có thể ra được hướng dẫn này, chúng ta cần thống nhất với nhau quan điểm rằng, các hành vi cố ý thông tin sai lệch, che giấu sự thật, lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi và hành vi thao túng giá đều là những hành vi cần phải được xử lý nghiêm. Bản chất của các hành vi này suy cho cùng đều là cố ý dùng thủ đoạn không công bằng, minh bạch để lấy tiền từ túi của các NĐT chân chính. Thống nhất với nhau được như vậy thì việc đưa ra con số cụ thể cũng chỉ là vấn đề mang tính tương đối.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh yêu cầu thứ hai ở trên khi đưa ra con số cụ thể, tức phải phù hợp với quy mô, trình độ phát triển hiện tại và tương lai gần của thị trường, tránh khuynh hướng hình sự hóa các hành vi vi phạm.

Thiên Hương thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Andy Ho: TTCK đang đứng trước cơ hội lớn (25/05/2012)

>   Góc nhìn 25/05: Đà giảm sẽ chậm lại (24/05/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 24/05/2012 (24/05/2012)

>   Góc nhìn 24/05: Tránh bắt dao rơi (23/05/2012)

>   Góc nhìn 23/05: Khi nào mới hết giảm? (22/05/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 22/05/2012 (22/05/2012)

>   Góc nhìn 22/05: Hầu hết vẫn bi quan (21/05/2012)

>   “Còn nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ TTCK trong thời gian tới” (21/05/2012)

>   “Dòng tiền trên thị trường chưa có dấu hiệu suy giảm” (21/05/2012)

>   Khơi thông thị trường vốn từ chính sách thuế phù hợp (20/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật