Thứ Năm, 03/05/2012 06:18

Giảm tần suất kiểm tra thủy sản

Sẽ phân loại, kiểm tra chặt các doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo.

Chiều 2-5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) họp bàn về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Trước đó, Vasep đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT thay đổi một số quy định.

Phân loại DN, giảm kiểm

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Nông lâm thủy sản (Nafiqad), cho biết tình hình chất lượng thủy sản có tiến triển, trong năm tháng qua, kiểm tra tăng cường 334 lô tôm để kiểm soát tạp chất thì chỉ có bốn lô vi phạm.

Ông Tiệp cho biết Cục đã đề xuất bãi bỏ quy định về việc tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn. Ngoài ra, Cục sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu, thay vì 1/3, 1/5 thì giảm còn 1/20 nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của DN. Cục cũng sẽ điều chỉnh chế độ kiểm tra. Cụ thể, DN nào chưa bị nhà nhập khẩu cảnh báo hoặc có 10 lô hàng liên tiếp chất lượng sạch thì được miễn kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm. DN nào có lô hàng bị cảnh báo thì bị kiểm chặt. Những DN có khoảng ba lô hàng bị cảnh báo liên tiếp sẽ bị tạm ngừng xuất khẩu trong sáu tháng. Các biện pháp này áp dụng lập tức.

Các doanh nghiệp thủy sản sẽ đỡ bớt chi phí và thời gian khi được giảm tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu. 

Trước thông tin điều chỉnh này, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, đề nghị chỉ nên áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu nếu DN có năm lô hàng liên tiếp bị cảnh báo. “Mới ba lô mà đã buộc DN ngưng xuất khẩu thì DN chỉ còn nước phá sản”.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, lại rất đồng ý với những giải pháp tạm thời mà Nafiqad đưa ra. Ông cho rằng việc phân loại DN là hợp lý, nhằm xử lý nghiêm những DN vi phạm nhiều lần, tránh “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng chung đến hình ảnh thủy sản Việt Nam.

Không tăng phí kiểm

Ông Phan Thanh Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Hải Việt (Vũng Tàu), cho biết vấn đề DN lo nhất hiện nay là chi phí kiểm tra tăng nhiều lần so với trước. “Chi phí kiểm hiện là 4 triệu đồng/lô, với cách kiểm như hiện nay, tổng phí kiểm mà DN tôi bỏ ra là hơn 1,2 tỉ đồng/năm. Chưa kể thủ tục lại rườm rà mất thời gian. DN phải chạy đi chạy lại từ cơ quan hải quan về Nafiqad chầu chực nguyên ngày để có giấy xác nhận loại nào kiểm, loại nào thông quan”.

Về việc DN kêu phí kiểm cao, ông Tiệp cho rằng: “Bây giờ giá cả tăng, mọi thứ đều tăng nên phí cao là đúng. DN cứ nói cao nhưng thực ra số tiền cả năm so với doanh thu của DN là rất nhỏ”!

Cục sẽ không tăng phí trong thời gian tới, ông khẳng định. Cục chỉ thu phí kiểm tra chất lượng lô hàng xuất khẩu, tạm thời không thu phí các hoạt động kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep, cho biết DN kiến nghị rất nhiều, mong Bộ giải quyết dứt điểm hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Nafiqad và Vasep để tháo gỡ những chính sách gây khó.

Kiểm tra chặt việc chung chi

Cục sẽ yêu cầu chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ thường xuyên tiếp xúc với DN nhằm trau dồi kinh nghiệm và ngăn ngừa tiêu cực. Cục cũng sẽ mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, góp ý từ DN, nhà nhập khẩu.

Ông NGUYỄN NHƯ TIỆP , Cục trưởng Cục Nafiqad

Chưa thể xã hội hóa công tác kiểm nghiệm

DN than phiền về việc quá tải, mất thời gian chờ đợi kiểm nghiệm. Hiện Nafiqad có năm phòng kiểm. Trong khi có tám phòng kiểm nghiệm tư nhân độc lập thì tám phòng này không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho lô hàng.

Liệu có thể để tám phòng này cấp giấy như phòng kiểm của Nafiqad hay không? Ông Tiệp cho biết còn nhiều khó khăn khác lớn hơn cần giải quyết trước, vấn đề này Cục sẽ có phương án sau.

QUANG HUY

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Nhiều doanh nghiệp New Zealand muốn vào Việt Nam (02/05/2012)

>   EVN báo cáo: Nước rò rỉ của thủy điện sông Tranh còn 1,5 lít/giây (02/05/2012)

>   Nhập siêu giảm, chỉ tiêu 108 tỷ USD vẫn là thách thức (02/05/2012)

>   Tái cơ cấu DN ngành giao thông: Lo ngại phép cộng dồn (02/05/2012)

>   S-Fone thay tướng, có đổi được vận? (02/05/2012)

>   Chào Việt Nam, Beeline đi đây! (02/05/2012)

>   Cơ quan nào sẽ quản doanh nghiệp nhà nước? (02/05/2012)

>   Áp giá điện riêng, thép - xi măng khó chồng khó (02/05/2012)

>   Dãn, giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp (01/05/2012)

>   Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt gần 3,5 tỉ USD (01/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật