Chủ Nhật, 27/05/2012 11:30

Cứu DN bằng tiền hay tư duy thị trường?

Không thể vận hành nền kinh tế theo kiểu "giật gấu vá vai" mãi. Cái gấu áo của ta đã sờn, rách nhiều, giật mãi để vá cho vai áo thì cũng không mang lại giá trị gia tăng nào!

Tình hình các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tiết giảm các hoạt động đang diễn ra khắp nơi và ở hầu khắp các lĩnh vực công nghiệp. Thậm chí, các tin tức thống kê về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và phá sản tăng đột biến trong năm nay 2012, dẫn đến hệ lụy là thất nghiệp gia tăng, hoặc người dân khó tìm việc làm mới, quả nhiên là dấu hiệu rất đáng quan ngại đối với tình hình kinh tế xã hội trong những năm tới.

Giải pháp "phi thị trường" có cứu được thị trường?

Con số 29.000 tỷ đồng tức gần 1,5 tỷ USD, một giải pháp "phi thị trường", được đưa ra nhằm cứu doanh nghiệp và thị trường làm chúng ta dễ liên tưởng đến tình hình năm 2009 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra gói hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp khi vay thông qua các ngân hàng thương mại.

Khi tổng kết tình hình cho vay ưu đãi 4% này, không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được hưởng ưu đãi khoảng vay 4% này? Còn thực tế thì hầu hết các DNVVN khi được hỏi đều trả lời là mình không dám mơ đến ưu đãi này chứ đừng nói là vay được.

Vậy rốt cuộc gói ưu đãi đã tới tay ai và hiệu quả thực sự đã ra sao? Có hay không việc mỗi khi chúng ta cho "đàn gà ăn" thì các con khỏe luôn dành hết phần của các con nhỏ bé và ốm đói ? Số thức ăn tung ra thì đã hết nhưng các con đói thì vẫn đói lả?

Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà doanh nghiệp khi nghe nói đến gói hỗ trợ  này đều tỏ ra lo lắng và nghi ngờ tính hiệu quả của nó một lần nữa. Có người cho rằng nó chỉ có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp khá tốt, đang còn khá mạnh, các doanh nghiệp thuộc nhóm "thân hữu với ngân hàng", các doanh nghiệp "sân sau" do ưu thế đặc biệt nên kinh doanh có lãi thì mới nộp thuế và khi đó việc miễn giảm thuế mới có tác dụng hỗ trợ.

Còn các doanh nghiệp đã nộp đơn tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản thì xem như không có tác dụng nào. Hơn nữa, đối với các DNVVN mà đa số đang thua lỗ hoặc thoi thóp thì chỉ có tác dụng rất hạn chế ở  phần miễn giảm hay giãn thuế VAT. Thêm vào đó con số 29.000 tỷ nếu đem chia đều cho 400.000 doanh nghiệp đang còn sống thì mỗi doanh nghiệp được chỉ khoảng 73 triệu đồng (chỉ đủ trả lương cho 10-20 nhân viên trong vòng 1-2 tháng!) dưới dạng chính sách hỗ trợ chứ không phải tiền mặt.

Dù sao thì có hỗ trợ vẫn còn hơn không! Điều này phản ánh rằng các nhà quản lý kinh tế vĩ mô đã thấy được phần nào các khó khăn trước mắt và lâu dài của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam trong tình cảnh như hiện nay.

Tuy vậy, các vấn đề tồn tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên đó và gói hỗ trợ 29.000 tỷ lần này, dù có hay không, cũng không thể giúp thay đổi cục diện nào đối với "cơ cấu nền kinh tế" hay "bản chất của nền kinh tế" Việt Nam.

Vấn đề tồn tại của nền kinh tế nếu không được khắc phục thì sẽ lặp đi lặp lại, liên tục và chu kỳ, từ năm này qua năm khác, làm suy yếu các nguồn lực quốc gia, suy giảm năng lực cạnh tranh của đất nước.

Vì vậy, các doanh nghiệp đã và đang trong tình trạng kinh doanh không có lãi, hoặc tạm ngưng hoạt động hay phá sản thì đành phải chấp nhận quy luật nghiệt ngã của thị trường, hãy chết đi và cố gắng tái sinh bằng một tình thần doanh nghiệp mới.

Đo lường hiệu quả của chính sách kinh tế vĩ mô

Kể từ lúc NHNN và chính phủ tuyên bố hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm cho 4 nhóm đối tượng, trong đó có  DNVVN, đến nay đã có DNVVN nào được vay với mức lãi suất này?

Thực tế, đa số DN cho biết,  lãi suất hiện có giảm nhưng vẫn ở mức hơn 17% đối DNVVN nói chung. Còn các ngân hàng thì đang viện dẫn rất nhiều lý do để không cho vay ở mức 15% như khuyến nghị của chính phủ và NHNN.

Nếu một chính sách vĩ mô còn có nhiều tranh luận, khác biệt gay gắt giữa các tầng lớp người dân, thì cần phải làm rõ hơn hoặc các biểu quyết của các thiết chế cao hơn trong hệ thống quyền lực nhà nước như Quốc hội hoặc trưng cầu dân ý.

Thêm vào đó, mỗi chính sách ban hành đều nên có việc tổ chức, thực hiện, giám sát, theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời.

Thiết nghĩ, mỗi khi nhà nước hay NHNN đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô nào, và muốn biết hiệu quả thực sự của nó ra sao, cần có các nghiên cứu của các tổ chức độc lập, đo lường bằng cách phỏng vấn trực tiếp hoặc gián tiếp doanh nghiệp và người dân xem tác dụng thực sự ra sao, nếu cần thì phải có các phân tích định tính và định lượng thấu đáo, thì may ra mới hiểu được đâu là hiệu quả thực sự của mỗi chính sách.

Nếu có sai lầm hay thất bại trong ban hành chính sách công, thì chí ít cũng rút ra được các bài học kinh nghiệm thích đáng để làm tốt hơn những lần sau.

Một số giải pháp khả dĩ?

1. Tham khảo kinh nghiệm vận hành kinh tế thị trường thực sự tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường.

2. Mạnh dạn thuê tuyển các nhân sự có học vấn và kinh nghiệm vận hành và quản lý nền kinh tế vĩ mô theo đường lối thị trường để trực tiếp vận hành và tư vấn cho các cấp quản lý kinh tế vĩ mô. Để làm được điều này cần có tư duy "dám thừa nhận thất bại", sẵn sàng mời người giỏi hơn mình hợp tác hay thay thế mình vì đại cuộc của đất nước.

3. Ngân hàng nhà nước (NHNN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải nhanh chóng được tổ chức lại và vận hành theo "chủ trương kinh tế thị trường" thực sự. Tránh các can thiệp vĩ mô bằng mệnh lệnh hành chính, phi thị trường, làm méo mó quy luật cung - cầu, gây ra các hệ lụy kéo dài, khó giải quyết.

4. Nhanh chóng hạ lãi suất huy động và cho vay xuống ngang mức các quốc gia trong khu vực. Không thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực mà chi phí đầu vào cao hơn họ.

5. Có chính sách bảo vệ đồng nội tệ mới kích thích người dân giữ tiền đồng, nâng niu giá trị sức lao động được thanh toán bằng tiền VND. Kiểm soát chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa theo các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp.Từ đó mới thu hút được đầu tư nước ngoài và trong nước thực sự.

6. Kiên trì việc lấy "chất lượng cuộc sống" của người dân làm đầu. Xây dựng nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế thị trường thực là một nhiệm vụ cấp bách, một quy luật tất yếu để hội nhập với nền kinh tế thế giới.

7. Chống tham nhũng và nhóm lợi ích bằng một nền tảng hệ thống pháp luật không có chỗ cho tham nhũng. Xây dựng được nhà nước pháp quyền có các quyền lực kiểm tra chéo lẫn nhau, không có chỗ cho "quyền lực tuyệt đối dễ dàng gây ra tham nhũng thất thoát lớn".

Sau cùng, chúng ta đều hiểu, không thể vận hành nền kinh tế theo kiểu "giật gấu vá vai" mãi. Phải tìm một phương cách xứng đáng, đầy phẩm giá tinh thần cho mỗi người dân, để có một chiếc áo mới cho một ngày mai tươi đẹp hơn!

Cảnh Thái

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Siết việc sử dụng vốn nhà nước (27/05/2012)

>   Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (26/05/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: Sau 'đáy tạm' là gì? (26/05/2012)

>   Kinh tế 5 tháng đầu năm phục hồi nhưng chưa rõ nét (25/05/2012)

>   “Liệu Việt Nam cuối cùng đã ổn?” (25/05/2012)

>   Gói hỗ trợ 29.000 tỷ “quá yếu ớt” (25/05/2012)

>   Tiến sĩ Thomas Jandl: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt (25/05/2012)

>   CTCK hàng đầu nào đã dự báo “trúng phóc” CPI tháng 5? (25/05/2012)

>   Việt Nam cần tăng cường kiểm soát đầu tư công (25/05/2012)

>   1/3 DN Châu Âu cân nhắc giảm đầu tư vào VN (25/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật