Thứ Sáu, 25/05/2012 13:13

Tiến sĩ Thomas Jandl: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt

Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra gói giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Mỹ, phóng viên THVN thường trú tại Mỹ đã phỏng vấn Tiến sĩ kinh tế chính trị Thomas Jandl, ĐH American University về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi với chúng tôi ngày hôm nay. Trước hết xin ông cho biết đánh giá của mình về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Thomas Jandl, Đại học American University: Hầu hết tất cả các nước trên thế giới (có rất ít ngoại lệ), nền kinh tế đều tăng trưởng chậm lại. Như bạn biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại một khoảng thời gian tương đối dài trong năm nay, nhưng chúng ta phải nhìn một thực tế là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn tốt khi so sánh với hầu hết các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một lực lượng lớn người trẻ tuổi đang tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, do đó cần phải có tốc độ phát triển từ 6 đến 7% để có thể đáp ứng được nhu cầu việc làm cho họ. Đây là một vấn đề bởi hiện Việt Nam vẫn chưa trở lại được tốc độ tăng trưởng đó.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để Việt Nam vừa đạt được mức tăng trưởng kinh tế có thể đáp ứng được nhu cầu việc làm cho số lao động mới, đồng thời không để tỉ lệ lạm phát tăng cao.

Nếu bạn muốn có được tốc độ tăng trưởng 7 hay 8% mỗi năm trong thời gian dài thì chắc chắn sẽ xảy ra lạm phát, đó là quy luật của thị trường, quy luật kinh tế. Và Việt Nam đã có tỉ lệ lạm phát khá cao trong mấy năm gần đây, cho dù vẫn kiểm soát được. Nhưng về tổng thể có thể nói, chính phủ Việt Nam đã làm khá tốt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này.

Chính phủ Việt Nam vừa triển khai một số biện pháp cùng với gói kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ông đánh giá thế nào về gói giải pháp mới này?

Tiến sĩ Thomas Jandl: Theo tôi đó là những giải pháp tốt. Việc cắt giảm thuế, cho phép chậm nộp thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, đó là những chính sách đúng đắn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh đẩy tỉ lệ lạm phát tăng lên, tôi cho rằng có một điểm thiếu đã được tiến hành nhưng không nêu trong gói giải pháp này, đó là vấn đề cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp này hiện chiếm tới 40% nguồn vốn của nền kinh tế, nhưng lại chỉ tạo ra 20-25% tổng số việc làm, điều này là không tương xứng so với lĩnh vực tư nhân. Đó chính là vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm.

Một vấn đề khác là, chính các doanh nghiệp nhà nước cũng là một nhân tố lớn gây nên tình trạng lạm phát. Họ nắm giữ một phần vốn lớn hơn song lại chỉ tạo ra một lượng việc làm ít hơn.

Tôi đã nghe Thủ tướng nói về việc cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, đó thực sự là điều cần phải làm ngay bây giờ.

Khi nghiên cứu gói giải pháp này, tôi cảm nhận rằng mọi người nghĩ hãy cứ kích thích tăng trưởng bây giờ đã, còn giải quyết các vấn đề khác sau, nhưng đó có thể sẽ là vấn đề bởi nếu chúng ta kích thích quá nhiều bây giờ mà không đồng thời giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước, thì chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao vào cuối năm nay hoặc trong năm tới.

Với những giải pháp này, theo dự báo của ông thì tình hình kinh tế Việt Nam vào cuối năm nay sẽ thế nào?

Tiến sĩ Thomas Jandl: Nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, do đó nếu nền kinh tế toàn cầu sụp đổ hay rơi vào một cuộc suy thoái mới, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, Chính phủ sẽ không làm gì được cả, không ai có thể làm được gì trong bối cảnh đó.

Nhưng về tổng thể, tôi vẫn tin rằng nền kinh tế châu Âu sẽ phục hồi. Tôi không tin rằng chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn. Nền kinh tế Mỹ mặc dù phục hồi chậm, song vẫn tiến triển khá tốt, do đó đến cuối năm 2012, mặc dù kinh tế Việt Nam sẽ chưa thể phục hồi được như đã từng có trước đây với tốc độ tăng trưởng 7%/năm, song tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt bởi các biện pháp mà chính phủ mới áp dụng sẽ thực sự giúp cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề đặt ra là, khi nào thì tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ bắt đầu.

Lê Minh - Đức Hoàng

vtv

Các tin tức khác

>   CTCK hàng đầu nào đã dự báo “trúng phóc” CPI tháng 5? (25/05/2012)

>   Việt Nam cần tăng cường kiểm soát đầu tư công (25/05/2012)

>   1/3 DN Châu Âu cân nhắc giảm đầu tư vào VN (25/05/2012)

>   DNNN không có vai trò điều tiết nền kinh tế (25/05/2012)

>   Báo cáo kinh tế Việt Nam 2012: Khuyến nghị xem lại mô hình kinh tế (25/05/2012)

>   Đề án tái cơ cấu kinh tế: Từ hào hứng sang… thất vọng! (24/05/2012)

>   VEPR: Tăng trưởng năm 2012 chỉ khoảng 5.1% (24/05/2012)

>   Doanh nghiệp Italy tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam (24/05/2012)

>   Cần có giải pháp căn cơ để đạt chỉ tiêu GDP năm 2012 (24/05/2012)

>   Doanh nghiệp Nhật đang chú ý thị trường tiêu thụ Việt Nam (24/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật