Báo cáo kinh tế Việt Nam 2012: Khuyến nghị xem lại mô hình kinh tế
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Trường Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố tóm tắt sáng 24-5 tại Hà Nội đã đi vào các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay:
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công.
Điều gây ngạc nhiên cho nhiều người là báo cáo dự đoán hai kịch bản kinh tế Việt Nam 2012. Theo đó, lạm phát là 4,57% và tăng trưởng 4,42% trong kịch bản thứ nhất; 6,18% và 5,10% trong kịch bản thứ hai. TS Nguyễn Đức Thành, chủ biên báo cáo, cho biết: “Chúng tôi có cơ sở để nói rằng lạm phát năm nay sẽ thấp một cách kỳ lạ, thậm chí có thể âm trong vài tháng tới. Chúng ta đang đi vào thời kỳ giảm phát rất sâu, tổng cầu suy kiệt và tăng trưởng thấp”.
Thông điệp chung của báo cáo là “Việt Nam cần xem xét lại nghiêm túc mô hình kinh tế vừa qua và định hướng hiện nay”, nếu không, cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và Việt Nam sẽ khó vượt qua những thách thức mà quá trình tái cơ cấu đặt ra.
Về DNNN, nhóm tác giả đã sử dụng các lý thuyết kinh tế học của phương Tây để nghiên cứu hiệu quả của DNNN. Do đó, báo cáo đề xuất phân chia DNNN thành bốn nhóm (khác với các đề án của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính): Nhóm 100% vốn Nhà nước (những lĩnh vực công ích đặc biệt không thể chia sẻ như quốc phòng, sản xuất hóa chất độc hại); nhóm Nhà nước sở hữu 65%-85% vốn trở lên; nhóm Nhà nước sở hữu 30%-51% vốn, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và có lộ trình thoái vốn rõ ràng; và Nhà nước thoái vốn toàn bộ tại các DNNN còn lại.
Đầu tư công của Việt Nam hiện ở mức 42% tổng giá trị đầu tư toàn xã hội và được coi là nguyên nhân chính khiến nợ công của Việt Nam tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng nợ. TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: “Mô hình kinh tế của Việt Nam hiện nay là mô hình tăng trưởng dựa rất nhiều vào vốn, thâm dụng vốn”. Cũng bằng tính toán lý thuyết thuần túy, nhóm nghiên cứu cho rằng có hiện tượng đầu tư công “lấn át”, “chèn ép” đầu tư tư nhân, tăng 1% vốn đầu tư công ban đầu sẽ làm đầu tư tư nhân bị thu hẹp 0,48%.
Thành viên nhóm phản biện, TS Lê Hồng Nhật (ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng nhận định: “Phải tái cơ cấu, vì chúng ta tăng trưởng dựa trên vay nợ. Một nước đang phát triển, thiếu vốn, phải tăng trưởng dựa vào vay nợ là điều không sai nhưng vấn đề là hiệu quả. Nếu đặt việc hợp lý hóa chi tiêu ngân sách, kỷ luật ngân sách vào tầm ưu tiên số 1, theo chuẩn mực quốc tế thì rất nhiều dự án có thể tăng hiệu quả”.
HỮU LONG
Pháp luật TPHCM
|